Apple tính mua màn hình OLED của Trung Quốc
Apple đang trong giai đoạn cuối của quy trình chứng nhận chất lượng màn hình điốt phát quang hữu cơ (OLED) của Tập đoàn công nghệ BOE (Trung Quốc) để lắp ráp cho iPhone vào năm sau. Đây là một nỗ lực của Apple nhằm cắt giảm chi phí và giảm phụ thuộc vào nguồn cung màn hình OLED từ hãng điện tử Samsung, đối thủ chính của “Quả táo cắn dở” trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone).
Hôm 21-8, tờ Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết Apple đang thử nghiệm các màn hình OLED của BOE và có khả năng sẽ mua công nghệ màn hình này từ Trung Quốc. Cuối năm nay, Apple liệu có quyết định sử dụng màn hình cao cấp của BOE hay không?
Sự gia nhập của BOE vào một trong những chuỗi cung ứng smartphone đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới sẽ đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của ngành công nghiệp màn hình Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp hàng tỉ đô la Mỹ cho ngành này trong nỗ lực tiến sâu vào chuỗi giá trị của hàng điện tử tiêu dùng.
Thị trường OLED toàn cầu dự kiến tăng trưởng nhanh trong tương lai gần, từ mức 25,5 tỉ đô la vào năm ngoái lên mức 30 tỉ đô la trong năm nay, theo dự báo của công ty IDTechEx Research.
Các màn hình cao cấp OLED sử dụng dòng điện chạy qua những tấm phim vật liệu hữu cơ mỏng để phát sáng nên tiêu thụ điện năng ít hơn. Hiện không có nhà sản xuất màn hình Nhật Bản hay Mỹ nào đủ năng lực sản xuất màn hình OLED chất lượng cao cho Apple.
Hiện tại, nhà sản xuất iPhone mua màn hình OLED từ Samsung Display, công ty con của Samsung và LG Display, một đơn vị thành viên của LG. Samsung đang chiếm hơn 90% thị phần màn hình OLED cao cấp. Sự gia nhập của BOE với tư cách là nhà cung cấp màn hình OLED có thể đe dọa vị thế thống lĩnh của Samsung Display, giúp Apple gia tăng quyền mặc cả để được hưởng các mức giá tốt hơn.
BOE bắt đầu sản xuất các màn hình OLED cong vào cuối năm 2017 và đang cung cấp màn hình này cho mẫu điện thoại màn hình gập Mate X của Huawei, đối thủ của Galaxy Fold. Tuy nhiên, BOE dễ bị tổn thương trước nguy cơ trừng phạt thương mại của Mỹ, nơi các công ty như Corning, 3M và Applied Materials đang cung cấp các vật liệu, linh kiện quan trọng nhất để giúp BOE sản xuất màn hình OLED. Bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm hạn chế nguồn cung cho BOE như cách mà Washington đã làm với Huawei, có thể giáng đòn nặng nề cho hãng này.
Các nguồn tin cho biết Apple đang thử nghiệm màn hình cong OLED từ một cơ sở sản xuất của BOE ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. BOE cũng đang xây dựng một cơ sở sản xuất thứ hai ở Tứ Xuyên, có thể được chỉ định phục vụ riêng cho Apple nếu hãng này đặt hàng.
Apple được đồn đoán sẽ sản xuất ít nhất thêm hai mẫu iPhone sử dụng màn hình OLED vào năm 2020. Các nguồn tin cho biết BOE có thể cung cấp màn hình OLED cho các mẫu iPhone mới của Apple vào năm sau nếu được chứng nhận chất lượng. Tuy nhiên, BOE cũng có thể được Apple đặt hàng để cung cấp các màn hình OLED sử dụng cho các mục đích bảo hành hoặc để sản xuất các mẫu iPhone cũ. Dẫu vậy, đó cũng sẽ là một cột mốc quan trọng đối với BOE khi trở thành nhà cung cấp Trung Quốc đầu tiên của Apple ở phân khúc màn hình OLED.
Màn hình OLED là linh kiện đắt đỏ nhất của iPhone, chiếm 110 đô la trong tổng giá chi phí 370,25 đô la để sản xuất iPhone X vào năm 2017, theo phân tích của IHS Markit. Năm sau đó, chi phí màn hình OLED tăng lên 120 đô la/đơn vị cho mẫu iPhone XS Max do màn hình lớn hơn. Một nguồn tin cho biết giá màn hình OLED do BOE sản xuất có thể rẻ hơn 20% so với của Samsung.
Chi phí cao của màn hình OLED chủ yếu là do chi phí đầu tư sản xuất quá lớn. Một dây chuyền sản xuất màn hình OLED có thể lên đến 6,5 tỉ đô la, cao gấp đôi so với dây chuyền sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD). Samsung thống trị phân khúc màn hình cao cấp này sau khi bắt đầu sử dụng màn hình OLED cho các mẫu smartphone của Samsung vào năm 2009.
LG Display, một trong hai nhà cung cấp màn hình OLED cho Apple, đang chứng kiến mức thua lỗ ngày càng gia tăng và khó có thể đẩy mạnh đầu tư thêm. Điều này khiến Apple ngày càng lệ thuộc vào Samsung. Hầu hết các nhà cung cấp ở Đài Loan và Nhật Bản đều đã dừng đầu tư vào loại màn hình này.
“Apple có động lực để cấp chứng nhận chất lượng cho một nhà cung cấp màn hình OLED mới khi các nhà cung cấp khác ngại đầu tư lớn để mở rộng công suất”, Eric Chiou, nhà phân tích màn hình ở công ty nghiên cứu WitsView (Đài Loan), nói.
Ông cho rằng điều này sẽ trao cho BOE cơ hội tốt để đột phá vào thị trường mới sau khi công ty này đã chứng minh năng lực cung cấp màn hình LCD cho các sản phẩm Macbook, iPad và máy tính laptop HP và Dell.
“Sẽ không quá bất ngờ nếu Apple cuối cùng cũng sẽ mua màn hình OLED từ BOE”, ông nhận định.
BOE được thành lập vào năm 1993 ở Bắc Kinh và từng là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng và quân sự. Trong những năm đầu tiên sau khi thành lập, BOE chật vật bám đuổi các tiêu chuẩn chất lượng màn hình LCD của các nhà sản xuất dẫn đầu Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, những khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ BOE vươn lên nhanh chóng. Chỉ riêng năm ngoái, BOE nhận được các khoản trợ cấp trị giá hơn 2 tỉ nhân dân tệ.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ như vậy, BOE, từ chỗ vô danh, đang dần nổi lên như là một đối thủ đáng gờm đối với các nhà cung cấp khác ở châu Á trong 10 năm qua. BOE trở thành nhà cung cấp màn hình LCD lớn nhất thế giới vào năm ngoái với doanh thu tăng gần gấp 10 lần lên mức 13,81 tỉ đô la trong giai đoạn 2008-2018.
Theo Nikkei Asian Review
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận