Apple tại Việt Nam – Điểm mạnh cho sản xuất trong nước
Theo trang mạng techwireasia.com, nếu có bên chiến thắng trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì đó chính là Việt Nam. Việt Nam đã trở thành ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu kể từ khi Trung Quốc hứng chịu hậu quả từ cuộc xung đột dai dẳng với phương Tây. Trên thực tế, Việt Nam hoan nghênh các nhà sản xuất muốn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong số đó có tập đoàn Apple.
Đối với Apple, Trung Quốc là trung tâm sản xuất quan trọng nhất nhờ nhiều yếu tố như lực lượng lao động có tay nghề, chi phí thấp so với Mỹ và mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện sâu rộng mà khó có thể xây dựng được trong một sớm một chiều ở những nơi khác. Trong khi đó, đặc biệt là trong những năm qua, với sự leo thang của chiến tranh thương mại, Việt Nam đang dần vươn lên trở thành trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple.
Apple khởi đầu với việc các nhà sản xuất Việt Nam từng ký hợp đồng sản xuất một số sản phẩm hàng đầu của Apple bao gồm iPad và AirPod. Sau đó, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, Cupertino dần bắt đầu chuyển sản xuất iPad sang Việt Nam. Tin tức cho biết nhà lắp ráp iPad hàng đầu của Apple, BYD, đang lắp ráp máy tính bảng tại dây chuyền sản xuất ở Việt Nam.
IPad thực sự sẽ trở thành dòng sản phẩm thứ hai của Apple sau tai nghe không dây Airpods được sản xuất tại Việt Nam. Theo Nikkei Asia, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam. Để sản xuất ra Apple Watch đòi hỏi mức độ tinh xảo rất cao, nên việc đạt được thỏa thuận như vậy chắc chắn sẽ là tin tốt cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Sau khi xảy ra đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp toàn cầu bắt đầu đa dạng hóa để tăng khả năng phục hồi và kết nối chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào một nước duy nhất. Những điều đó đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất do có vị trí chiến lược và lợi thế về vận chuyển, lao động cạnh tranh và chi phí sản xuất.
Đặc biệt, trong ngành lắp ráp và sản xuất các sản phẩm công nghệ từ điện thoại thông minh đến linh kiện ti vi, Việt Nam ngày càng in dấu đậm nét. Năm 2021, tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để tăng cường sản lượng màn hình OLED tại thành phố Hải Phòng.
Theo phân tích của ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản, nhìn chung, nhờ sự chuyển dịch sản xuất do chiến tranh thương mại, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng gần 8%. Samsung chiếm 1/4 xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí trong năm 2022, Samsung đã củng cố vị trí là công ty xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam. Tập đoàn Intel cũng đã thành lập nhà máy lắp ráp chip lớn nhất tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đang làm tất cả những gì có thể để thu hút các nhà đầu tư Mỹ. Hãng phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics dự đoán, đến năm 2025, khoảng 4% xuất khẩu điện tử toàn cầu sẽ từ Việt Nam.
Một yếu tố nữa khiến Việt Nam trở thành địa điểm an toàn cho các nhà sản xuất là việc Mỹ không áp đặt các biện pháp thuế quan hà khắc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vì coi Việt Nam là “đối trọng sản xuất” với Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận