Apple "nhòm ngó" Việt Nam và những toan tính mang màu sắc chính trị của Donald Trump.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, việc Apple đang có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam không đơn giản chỉ là do nước ta có những điều kiện hấp dẫn, mà phía sau bài toán kinh tế là những toan tính mang màu sắc chính trị của ông Donald Trump.
Thời gian gần đây, trên trang tuyển dụng của Apple liên tục cập nhật hàng loạt ví trí cấp cao tại Việt Nam. Các vị trí mà hãng công nghệ này đăng tuyển là: kỹ sư cơ khí màn hình, kỹ sư kiểm nghiệm camera, quản lý chất lượng màn hình, vận hành, phát triển sản phẩm... tại Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, hãng Quả Táo khuyết tìm kiếm rất nhiều các ứng viên tại bộ phận chuỗi cung ứng và vận hành.
Trước động thái này, nhiều người đồn đoán, Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển dần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vậy phải chăng, một Store Apple sắp có ở Việt Nam? Lý do gì khiến “ông lớn” này lại chọn nước ta?
Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với với GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Vốn FDI sẽ “bùng nổ” sau dịch
Thưa ông, rất nhiều người háo hức khi thông tin Apple liên tục tuyển nhân sự cấp cao tại Việt Nam được lan ra. Hầu hết đều cho rằng, Apple sẽ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo ông, những đồn đoán này có cơ sở không?
Xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Không chỉ Apple mà rất nhiều “ông lớn” khác như Microsoft và Google cũng đang có nhiều động thái rời Trung Quốc để sang một nước thứ ba và Việt Nam là một trong các nơi họ nhắm tới.
Dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế quý I/2020 trong đó khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chịu tác động tiêu cực. FDI trong 4 tháng đầu năm giảm xuống đáng kể, tính đến hết ngày 20/4, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vốn FDI đạt 12,33 tỉ USD, chỉ bằng 84,5% cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, việc giảm vốn FDI chỉ mang tính tạm thời chứ không phải xu hướng. Có rất nhiều tín hiệu lạc quan khiến vốn FDI “bùng nổ” tốt sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tôi xin dẫn chứng như, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 10 doanh nghiệp của Tập đoàn Yura ở Trung Quốc phải ngừng sản xuất. Theo đó, họ đã phải đẩy mạnh hết công suất vào 3 doanh nghiệp ở Việt Nam để có đủ sản phẩm cung cấp cho đối tác.
Trước Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Yura Việt Nam trong KCN Phú Thái chỉ hoạt động khoảng 60% công suất nên công nhân làm trong giờ hành chính, nhưng từ sau Tết đến nay, máy móc chạy hết công suất, công nhân phải làm tăng ca hết thời gian theo quy định.
Tập đoàn Samsung cũng đã chuyển nhà máy sản xuất smarphone từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vào ngày 7/3/2020, Tập đoàn này đã đình chỉ hoạt động nhà máy ở thành phố Gumi, gần tâm dịch Covid-19 Daegu (Hàn Quốc), khi phát hiện nhiều công nhân nhiễm Covid-19. Và để đề phòng trường hợp xấu nhất, Samsung quyết định sẽ chuyển dây chuyền sản xuất "một số smartphone cao cấp" tới Việt Nam.
Mới đây, chính phủ Nhật Bản cũng đã chi 2,2 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc để về nước hoặc chọn nước thứ 3 và Việt Nam là một trong các nơi được các DN Nhật hướng đến.
Trong tháng 2, tờ Nikkei cũng thông tin, hai hãng công nghệ khổng lồ là Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch…
Đó là những dẫn chứng cho thấy, sau khi dịch ổn định hơn Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư rất lớn từ khối doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, nói hãng công nghệ khổng lồ Apple chuyển dây chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Không đơn giản vì Việt Nam hấp dẫn hơn”
Thưa ông, nguyên nhân gì khiến các “ông lớn” như Apple, Microsoft của Mỹ lại rời Trung Quốc đến Việt Nam? Liệu có phải do chi phí nhân công nước ta rẻ chỉ bằng 1/2 của Trung Quốc?
Các tập đoàn lớn của Mỹ đang có xu hướng rời Trung Quốc chọn Việt Nam không đơn giản chỉ vì nước ta hấp dẫn bởi các điều kiện như giá nhân công rẻ, thuê đất rẻ. Mà phía sau bài toán kinh tế là những toan tính mang màu sắc chính trị của ông Donald Trump.
Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến hơn 30 triệu người bị thất nghiệp ở Mỹ. Trong lịch sử, chưa bao giờ Mỹ lại có tỷ lệ thất nghiệp khủng khiếp như hiện nay.
Trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì ông Trump sốt sắng cho mở cửa kinh tế trở lại. Điều này khiến Tổng thống Mỹ vấp phải sự phản đối của thống đốc các bang.
Đặc biệt, các chuyên gia y tế hàng đầu nước Mỹ cũng đã đưa ra lời cảnh báo, đề nghị ông Trump cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định mở cửa kinh tế. Theo số liệu báo cáo thì hiện có hơn 67.000 người chết do Covid-19, tuy nhiên, theo các nhà khoa học Mỹ, rất có thể số người nhiễm và tử vong còn cao hơn rất nhiều. Thời điểm này, chính quyền ông Trump tiếp tục bị chỉ trích về phản ứng ban đầu với đại dịch quá chậm và quá ít ỏi.
Những điều này đều rất bất lợi cho ông Trump khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 10 tới đây. Chính vì thế, Tổng thống Mỹ đã đổ lỗi cho phản ứng của Trung Quốc đối với sự bùng phát của dịch Covid-19. Ông Trump còn khẳng định đã “nắm các bằng chứng” về việc dịch Covid-19 bắt nguồn từ các phòng thí nghiệm từ Vũ Hán.
Không chỉ Bắc Kinh, ông Trump còn yêu cầu “bên thứ hai” cũng phải chịu trách nhiệm là WHO vì đã “thông đồng với Trung Quốc ém nhẹm công bố virus” để dịch bệnh lây lan ra toàn thế giới. Ông Trump sẽ yêu cầu Trung Quốc và WHO phải chịu trách nhiệm và bồi thường vì những tổn thất này.
Hiện Tổng thống Mỹ đang tăng cường nỗ lực để buộc tội Bắc Kinh vì những thách thực họ gây ra trong quá trình tái tranh cử của ông. Một số nước như Đức, Anh yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại, nhưng ông Trump nói sẽ yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cao hơn nhiều.
Thậm chí, Tổng thống Donald Trump còn cảnh báo có thể lựa chọn biện pháp đánh thuế hàng hóa Trung Quốc trị giá lên tới 1.000 tỷ USD để trả đũa Trung Quốc vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Song song với đó, ông Trump cũng yêu cầu các doanh Mỹ chuyển dây chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có thể về nước hoặc chuyển sang nước thứ 3.
Và đại dịch Covid-19 là một cơ hội thực hiện việc này bởi hiện sức mạnh của Trung Quốc đang yếu đi, cụ thể trong quý I/2020,GDP Trung Quốc bị âm 6% và trong năm nay, GDP còn sụt giảm nữa.
Ngoài ra, hiện chính sách của Trung Quốc cũng đang thay đổi, chính quyền đang tăng cường, trập trung cho các doanh nghiệp trong nước để khôi phục kinh tế. Vì vậy Mỹ hay Nhật Bản không thể dựa vào Trung Quốc để tìm nguyên liệu, linh kiện. Theo đó, họ phải tính toán để giảm thiểu để phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đó thực sự là những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam để đón nhận vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn. Vậy theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón nhận làn sóng này?
Động thái của Apple, Microsoft chuyển sang Việt Nam là xu thế chung. Vấn đề còn lại, phía chúng ta, tất nhiên cần có những chuẩn bị để họ tin vào việc chuyển sang Việt Nam là có lợi. Việt Nam ngoài an ninh chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, xử lý dịch bệnh tốt, thì cần lưu ý và thay đổi ba điểm sau:
Thứ nhất, đó là về vấn đề tham nhũng. Hiện vốn FDI đến Việt Nam chủ yếu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, có rất ít các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh, Canada đầu tư vào nước ta.
Lý do là bởi, giữa các nước châu Á với nhau, vấn đề tham nhũng không quá quan trọng nhưng với các nước phương Tây thì khác. Không phải vì họ không có tham nhũng mà khi bị phát hiện, chỉ cần tiêu đôi ba ngàn USD không đúng thôi là các nghị sĩ đã bị lên án và yêu cầu từ chức.
Tham nhũng là câu chuyện cần phải bàn hàng đầu một cách nghiêm túc. Mặc dù những năm gần đây Việt Nam đấu tranh tham nhũng cũng được đánh giá là tích cực nhưng chưa đảm bảo một môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Đặc biệt là hiện tượng tham nhũng vặt, nói tham nhũng vặt nhưng số tiền không hề ít.
Mới hôm qua thôi (5/5), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019. Trong đó có một số liệu rất đáng được lưu tâm, đó là số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức dù có giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Có trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.
Đây thực sự là vấn đề rất lớn và nguy hiểm cho kinh tế Việt Nam.
Thứ hai là thủ tục hành chính. Cũng theo số liệu của VCCI, qua khảo sát ý kiến khoảng 12.400 doanh nghiệp trên cả nước thì có tới 59% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch.
Thứ ba là về sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ được đặt nên như một vấn đề hệ trọng nhất ở các nước, tập đoàn lớn. Về hệ thống luật pháp Việt Nam với sở hữu trí tuệ thì hoàn toàn phù hợp với xu hướng quốc tế. Mặc dù luật rất tốt nhưng thực thi rất kém. Tình trạng ăn cắp bản quyền rồi buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, thương quyền… rất đáng lo ngại.
Trên đây là một trong các vấn đề lớn tồn tại ở Việt Nam. Hiện nước ta đang được thế giới đánh giá rất cao về công tác phòng chống dịch Covid-19, vị thế cũng được nâng lên rõ rệt. Tiếp đà này, nếu chúng ta đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách, giảm bớt thủ tục thì chắc chắn sẽ tiếp đón tốt các nhà đầu tư lớn.
Theo ông, việc các ông lớn sang Việt Nam sẽ có những điều kiện thuận lợi gì so với Trung Quốc?
Những năm trước đây, có thể nói đầu tư vào Trung Quốc là thị trường số 1, không một quốc gia nào cạnh tranh được với họ. Họ có lợi thế về dân số đông, đất đai rộng lớn, GDP cao, môi trường đầu tư thuận lợi... Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, tình hình đã khác đi rất nhiều. Tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại, chính quyền chỉ đưa ra chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước, thậm chí nhiều địa phương còn tỏ ra kỳ thị với các doanh nghiệp nước ngoài; giá nhân công tăng cao; rồi các cuộc biểu tình phản đối nhà đầu tư Nhật bản, Mỹ... khiến môi trường đầu tư xấu đi rất nhiều.
Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, khoảng 30% doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết họ đã phải tìm mua linh kiện hoặc sản xuất bên ngoài Mỹ và Trung Quốc để tránh thuế quan. Các công ty châu Á cho biết, chiến tranh thương mại đã khiến họ phải nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc.
Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, các tập đoàn lớn đều bị ảnh hưởng nặng nề khi “cắm chốt” ở Trung Quốc. Trong khi đó, giá nhân công rẻ Việt Nam rẻ hơn, chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc trong khi kỹ năng và năng suất không thấp hơn.
Thuê khu đất công nghiệp ở nước tả rẻ chỉ bằng 40% đất tại Bắc Kinh hay Thượng Hải. Đây là những nơi đóng quân của các tập đoàn lớn. Đó là một trong các lợi thế khi các tập đoàn lớn đến Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận