App tài chính có dấu hiệu “lừa đảo” xuất hiện như nấm mọc sau mưa
Sự nở rộ của các app như Cool Cat, Shopping Mall, PChome, Mo Xiaomi,... và rất nhiều app “chưa bị sập” đã và đang lợi dụng giấc mơ làm giàu của nhiều người.
Hàng loạt App kiếm tiền
Đại dịch COVID-19 bùng phát cùng làn sóng chuyển đổi số và xu hướng đầu tư vào công nghệ tài chính tăng trưởng dữ dội trên toàn cầu. Trong bức tranh đa sắc màu đó cũng xuất hiện vô số những ứng dụng (app) kiếm tiền online trá hình, không được cấp phép và sử dụng mọi chiêu trò thu hút người tham gia. Đến khi các app này sập, hàng nghìn người mất tiền, các nhà đầu tư mới tá hoả vì đã bị lừa.
Mới đây nhất là sự đổ vỡ của Cool Cat app dưới mô hình "bảo hiểm vốn", hàng nghìn nhà đầu tư đã không thể truy cập app, không thể rút tiền cũng như không có đầu mối liên hệ.
Theo đó, sàn giao dịch này được quảng cáo là thực hiện các giao dịch vàng, USD, Bitcoin , giao dịch dự đoán giá ngắn hạn và các sản phẩm khác được ủy quyền và quản lý bởi SCB, kết nối dữ liệu quốc tế theo thời gian thực và kết quả giao dịch công khai, minh bạch. Phương thức rất đơn giản, mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo, Bitcoin,... lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, nhà đầu tư nhận được 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ "đánh hộ" ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.
Ngoài ra còn có một số app kiếm tiền bằng hình thức tạo đơn ảo để nhận hoa hồng như Pchome. Cụ thể, công việc hàng ngày của người tham gia là truy cập vào ứng dụng, "giật" đơn hàng. Mỗi ngày được "giật" tối đa 40 đơn, hưởng hoa hồng 0,35% trên tổng số tiền đầu tư, với điều kiện, người chơi phải bỏ tiền thật để mua các gói theo quy định.
Trong đó, Pchome sẽ đưa ra 6 gói VIP với mức phí từ 350.000 đồng đến 200 triệu đồng. Nếu người chơi mua gói VIP 3 có phí 10 triệu đồng thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được hoàn trả 0,3%/đơn. Còn với gói VIP 6 có phí 200 triệu đồng thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được hoàn trả 0,42%/đơn.
"Khi mới bắt đầu chơi, tôi cũng rút tiền 2 lần nhưng đến ngày 12/4 thì không thể rút được nữa, xong đến ngày 16/4 thì app sập. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng, nhưng rút ra mới được 70 triệu đồng" một người tham gia PChome chia sẻ.
Cùng thời điểm này, nhiều người cũng tá hỏa, làm đơn tố cáo vì bị mất tiền do ứng dụng Shopping Mall "bốc hơi" sau những hứa hẹn về thu nhập cao, hoa hồng khủng.
Tương tự như PChome, Shopping Mall yêu cầu thành viên tham gia nạp tiền vào để mua VIP mới có thể làm nhiệm vụ hoặc giới thiệu thành viên mới nhận hoa hồng. Mỗi ngày làm 60 nhiệm vụ tương đương với 5% tổng số vốn ban đầu. Để đầu tư vào app này phải mất 20 ngày thì mới thu lại được vốn. Số tiền nhỏ nhất để đầu tư là 300k, lớn nhất lên đến 15 triệu để làm nhiệm vụ giật đơn ảo nhận tiền.
Hay những cái tên có thể kể đến như ứng dụng "nuôi bò" Trang trại tiết kiệm, ấp trứng online Tamago...Các ứng dụng này tạo ra cơ hội "đầu tư" cho người dùng như một trò chơi. Người đầu tư sẽ tham gia các nhiệm vụ để nhận thưởng. Muốn nhận được nhiều thưởng hơn, người chơi phải nạp thêm một khoản tiền để nâng cấp gói đầu tư.
Thậm chí, còn có sự xuất hiện của app MoXiaomi - kiếm tiền bằng cách chia sẻ sạc dự phòng hưởng lợi nhuận và mời người tham gia để được nhận hoa hồng.
Qua giới thiệu, MoXiaomi thuộc công ty MoXiaomi Technology Co.Ltd, được thành lập tại Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 5/2017. Là công ty hàng đầu trong ngành chia sẻ pin sạc dự phòng, hoạt động kinh doanh chính bao gồm các dịch vụ cho thuê pin sạc dự phòng trên truyền thông quảng cáo và các dịch vụ khác.
Để tham gia kiếm tiền, người dùng nạp tiền để mua gói đầu tư mua sạc dự phòng. Với các gói từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng, người dùng sẽ thu về lợi nhuận ước tính theo giờ của từng gói. Gói càng cao thì lợi nhuận càng lớn và không giới hạn số lượng khi mua các gói đầu tư.
Sự "mê muội" của nhà đầu tư
Có thể thấy những app này sẵn sàng chi mạnh tay để thuê quảng cáo từ những youtuber có nhiều lượt đăng ký, để giới thiệu càng nhiều người tham gia càng tốt cho họ. Khi app hoạt động đến khoảng 6 tháng, kinh phí để duy trì gần như không còn. App sẽ tung ra những chương trình rất hấp dẫn người dùng nạp tiền. Đó là biểu hiện lừa đảo đầu tiên. Sau đó sẽ nâng hạn mức rút tiền của người dùng, thời gian rút sẽ kéo dài rất lâu. Thậm chí là không rút được tiền, cuối cùng app sẽ biến mất không dấu vết cùng với số tiền của các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, dạng ứng dụng đa cấp lừa đảo này là biến tướng từ mô hình trả thưởng (bounty). Không chỉ có Trang trại tiết kiệm hay Tamago, hàng trăm ứng dụng khác đang bủa vây người dùng Internet tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, CEO và đồng sáng lập Coin98 Finance, mô hình bounty (trả thưởng) tồn tại từ rất lâu trong ngành tài chính. “Khi một nền tảng muốn thu hút thêm người tham gia, họ sẽ phát hành điểm thưởng nếu người dùng hoàn thành các nhiệm vụ. Thường những nhiệm vụ này sẽ giúp nền tảng đến với nhiều người hơn như chia sẻ, đánh giá…”, ông Vinh cho biết.
Tuy vậy, theo ông Vinh, ngoài mục đích làm nhiệm vụ để chia sẻ nền tảng, các ứng dụng bounty đúng nghĩa sẽ không yêu cầu nạp tiền để nhận được hoa hồng cao hơn.
“Bản chất của các nhiệm vụ cuối cùng cũng quay về nạp tiền để nâng cấp tài khoản. Sau khi nâng cấp, người chơi sẽ được tăng khoản thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, họ cũng được làm nhiều nhiệm vụ hơn trong một ngày. Đây là hai biến số chính giúp nhận biết bounty lừa đảo”, ông Cường Trần, sáng lập hội nhóm tài chính Saigon Trader cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận