24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Áp trần tín dụng để đảm bảo mục tiêu kép

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng.

Hạn mức tín dụng (room tín dụng), theo một số ý kiến là mang tính hành chính và nên sớm gỡ bỏ, song từ góc nhìn của cơ quan quản lý cũng như một số chuyên gia, Việt Nam vẫn có lý do để duy trì công cụ này.

Vẫn cần sử dụng

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước duy trì hơn 10 năm qua. Sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát vọt lên mức hai con số vào năm 2011, room tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý kiểm soát chất lượng cho vay của các ngân hàng cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền, lạm phát...

Ông John Andre, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, diễn biến phức tạp, lạm phát cao, sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam là rất lớn. Việc điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng... phải tính đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.

Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, nhưng tỷ lệ tín dụng trên GDP vẫn đang ở mức cao và có xu hướng tăng, vì thế, nếu cho phép tín dụng tăng trưởng quá nhanh có thể gia tăng nguy cơ lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Nhiều ý kiến vẫn đánh giá cao công cụ trần tín dụng, bởi nếu dỡ bỏ thì rất có thể các ngân hàng sẽ quay trở lại việc phát triển theo chiều rộng, đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhưng tiềm ẩn rủi ro cao.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng phân tích, về mặt chủ trương, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để phát triển hài hòa, bền vững, hạn chế được những khiếm khuyết, mặt trái của nền kinh tế thị trường, Nhà nước sử dụng kết hợp các công cụ thị trường với các công cụ quản lý Nhà nước, các công cụ mang tính hành chính phù hợp.

Trong quá trình đó, để thực hiện mục tiêu kép là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, cần thiết phải kết hợp các công cụ điều hành vừa mang tính thị trường, vừa mang tính kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức đối với lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng ngay cả khi không có hạn mức tín dụng thì cũng có giới hạn. Bởi lẽ, hoạt động tín dụng, quy mô tín dụng của các tổ chức tín dụng chịu sự điều chỉnh bởi các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, hệ số sử dụng vốn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay đối với khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan…

Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu có ý nghĩa tác động trực tiếp, bởi đối với các tổ chức tín dụng, việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, luôn gắn liền với yêu cầu phải tăng trưởng vốn tự có (để luôn đảm bảo tỷ lệ theo quy định).

Vì vậy, việc sử dụng kết hợp công cụ lãi suất và hạn mức tín dụng được cho là sẽ đảm bảo tính hợp lý giữa nguồn vốn và vốn cho vay, đảm bảo lãi suất và tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về thực hiện mục tiêu kép nói trên.

Room tín dụng 2023 sẽ điều chỉnh linh hoạt theo lạm phát

Một số phân tích nêu trên cho thấy sự cần thiết sử dụng hạn mức tín dụng trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay. Tất nhiên, mỗi công cụ điều hành ngoài tác động tích cực cũng có những ảnh hưởng nhất định, nhất là với các công cụ mang tính kế hoạch.

Vì vậy, việc xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng năm có ý nghĩa quan trọng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã vận dụng, kết hợp hiệu quả các công cụ để điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, đạt mục tiêu đề ra trong từng năm, từng giai đoạn, góp phần ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Có nhiều thảo luận được đưa ra rằng, để tự do hóa thị trường tài chính, phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam nên từ bỏ công cụ hạn mức tín dụng như một biện pháp hành chính nhằm kiểm soát hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế. Đồng thời, các lập luận đưa ra, có thể quản lý năng lực tài chính của ngân hàng thông qua hệ số CAR, thay vì khống chế trần tín dụng.

Một số ngân hàng cũng đề xuất, chỉ cần áp dụng chuẩn Basel II, hệ thống sẽ an toàn mà không cần Ngân hàng Nhà nước áp đặt hạn mức tín dụng cho từng nhà băng như hiện nay. Nhưng theo các nhà phân tích kinh tế - tài chính, chuẩn Basel II chỉ mới là cẩn trọng “vi mô” áp đặt đến từng ngân hàng, mà chưa chú ý đến rủi ro toàn hệ thống.

Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhiều ngân hàng trên thế giới thậm chí đã tiệm cận Basel III mà vẫn đứng trước nguy cơ đổ vỡ dây chuyền. Vả lại, thực tế đã chứng minh, việc khống chế trần tín dụng đã hỗ trợ tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát.

GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm đã chứng minh là công cụ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định hệ thống tài chính từ năm 2011 đến nay.

Tuy vậy, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để kiểm soát tín dụng, chỉ sử dụng một số ít công cụ như cấp hạn mức tín dụng không hiệu quả bằng sử dụng đồng bộ các công cụ.

Thứ nhất, các biện pháp kiểm soát tín dụng, như giới hạn tỷ lệ khoản vay trên giá trị tài sản, giới hạn tỷ lệ nợ trên thu nhập, hoặc giới hạn trần tăng trưởng tín dụng để giảm thiểu rủi ro tăng trưởng tín dụng quá mức.

Thứ hai, các giới hạn về trạng thái ngoại hối, sai lệch kỳ hạn huy động và cho vay để hạn chế rủi ro thanh khoản. Thứ ba, các yêu cầu “tấm đệm” vốn phản chu kỳ, tấm đệm vốn bảo thủ, quy định dự phòng rủi ro năng động hoặc các hạn chế phân phối lợi nhuận để xây dựng bộ đệm vốn đủ sức chống chịu các cú sốc bên ngoài.

Theo GS.TS. Trần Ngọc Thơ, không chỉ Việt Nam, hiện nhiều nước trong khu vực như Brunei, Ấn Độ và Trung Quốc đang áp dụng công cụ hạn mức tín dụng. Khác với các ngành nghề khác, ngành ngân hàng có rủi ro đổ vỡ dây chuyền rất cao. Ngân hàng tốt vẫn có thể gặp rủi ro thanh khoản từ thông tin tiêu cực của một ngân hàng yếu kém khác trong hệ thống. Việc áp đặt các quy tắc bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống - cẩn trọng vĩ mô - là điều tất cả các nước trên thế giới đang thực hiện.

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có quá trình phát triển kinh tế đặc trưng của mô hình phát triển chung nói trên và quá trình phát triển khó có thể tách rời khỏi định hướng của Chính phủ thông qua các công cụ hành chính mang tính định hướng như hạn mức tín dụng. Thậm chí, room tín dụng ở Việt Nam còn cho các ngân hàng một không gian lựa chọn rộng hơn về điều hướng của dòng vốn tín dụng, vì các ngân hàng có thể tự cân đối dựa trên các phân khúc khách hàng mục tiêu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước thống nhất sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay là từ 14 - 15%, có điều chỉnh tùy theo tình hình. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Ngược lại, nếu lạm phát có rủi ro tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả