Áp thuế giảm giá phân bón: Doanh nghiệp than khó, Bộ trưởng nói nên chia sẻ!
Với biện pháp áp thuế để kìm giá phân bón, các Bộ mong doanh nghiệp ngồi lại, chia sẻ khó khăn với người nông dân.
Nỗ lực giảm giá phân bón
Giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới và chiến sự Nga - Ukraine làm suy giảm nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK cũng góp phần đẩy giá mặt hàng phân bón tăng cao.
Tại Hội nghị đối thoại trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam diễn ra tại tỉnh Sơn La hồi tháng 5 vừa qua, nhiều nông dân các tỉnh thành đã gửi tâm tư, nguyện vọng đến Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ ngành để mong được giải đáp. Trong đó, đa số bà con nông dân đều mong được tiếp sức, hỗ trợ về giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón khi mặt hàng này đã tăng lên mức 200%.
Thời điểm đó, trả lời những băn khoăn của nông dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng “ngành chức năng đã rất cố gắng để kiềm chế tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp trong nước”.
Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiểm soát vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là vật tư nông nghiệp. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại, bàn bạc việc chia sẻ khó khăn cho người nông dân”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, đối với sản xuất phân bón, giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 130 - 170%, giá đầu ra cũng tăng tương ứng như vậy. Thực tế là vật tư đầu vào chỉ chiếm khoảng 55 - 60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, mặc dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất để chia sẻ lợi ích với người nông dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát iá vật tư đầu vào tăng cao, nhất là giá phân bón tăng 200% khiến nông dân điêu đứng và cũng khiến liên Bộ đau đầu. Với biện pháp áp thuế để kìm giá phân bón, các Bộ mong doanh nghiệp ngồi lại, chia sẻ khó khăn với người nông dân. Doanh nghiệp than khó, Bộ trưởng nói… ÁP THUẾ ĐỂ GIẢM GIÁ PHÂN BÓN: thị trường; các bộ, ngành cũng sẽ tiếp tục đề nghị xem xét lại thuế VAT đối với phân bón để giúp kiềm chế mức độ tăng giá.
Là tư lệnh ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan càng không thể đứng ngoài cuộc. Trong phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV ngày 7/6 vừa qua, khi bị chất vấn về giá phân bón tăng cao, Bộ trưởng nói rằng “bản thân rất chia sẻ với bà con nông dân”.
Bản thân Bộ trưởng cho biết, đã có rất nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, ngay cả Bộ Công Thương cũng tổ chức rất nhiều cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội phân bón, Hiệp hội Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Hóa chất và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này để “cố gắng thuyết phục”.
“Chúng ta sống trong kinh tế thị trường, chúng ta cũng không dễ áp đặt trong một mệnh lệnh hành chính khi các hiệp hội đã có can thiệp nhất định”, Bộ trưởng tâm tư.
Theo chia sẻ của Tư lệnh ngành Nông nghiệp, ở nước ngoài đang tiến tới một nền nông nghiệp với một phương châm ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tiết giảm đầu vào ít hơn, giảm, tối thiểu hóa chi phí, nhưng tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học, công nghệ, bằng nông nghiệp hữu cơ.
Đất nước nào cũng vậy, không phải là tất cả các quốc gia đều làm 100% hữu cơ.
Ngay cả Nhật Bản cũng có những phân khúc, hữu cơ hay không hữu cơ nhưng vẫn phải có độ an toàn về vệ sinh thực phẩm được kiểm chứng. Quy trình đó được kiểm chứng của xã hội hay của những hệ thống phân phối để đánh giá chất lượng. Đáng tiếc là tới bây giờ này chúng ta chưa có một hệ thống để đánh giá.
“Đó là cũng là khuyết điểm của ngành nông nghiệp, trong đó có Bộ NN&PTNT chưa chuẩn hóa được tất cả những quy trình sản xuất để dẫn đến một kết quả là chất lượng nông sản của chúng ta”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Doanh nghiệp than… khó!
Trước sức nóng của phân bón, để đảm bảo nguồn cung, hạ nhiệt giá mặt hàng này, vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51%, giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%.
Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành. Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.
Việc áp thuế, doanh nghiệp sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trong cuộc trò chuyện với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nói rằng: Việc áp 5% thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón cần phải được tính toán cẩn trọng hơn nữa, nếu chỉ nghĩ đơn thuần là áp thuế xuất khẩu thì có thể hạ được giá phân bón trong nước là điều không thể.
Ông Cường cho biết, để điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ chính sách, trong đó có công cụ thuế. Tuy nhiên, với đề xuất này, cần xem xét, đánh giá lại một cách đầy đủ ở các khía cạnh, nhất là phải xem tác động của việc thay đổi có dẫn đến được kết quả cuối cùng không.
Ông nói thêm, với ngành sản xuất phân bón trong nước, hiện không có một ưu đãi gì từ giá than, giá điện, các chính sách về thuế phí. Nếu lập luận việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thì sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước thì không hợp lý.
Theo phân tích của Chủ tịch Vinachem, giá phân bón tăng thời gian qua là do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chi phí đầu vào rất lớn chiếm tỉ trọng cao. Trong số đó, giá than để sản xuất urê, kể cả than nhiệt điện lẫn than phản ứng đều tăng gấp 1,5 lần trong vòng 10 tháng nay. Điều này dẫn đến việc than chiếm 63% trong cơ cấu giá thành sản xuất urê.
Một phần nữa là chi phí thiết bị phụ tùng. Ông Cường cho biết, hằng năm, mỗi nhà máy sản xuất phân bón đều phải có thiết bị phụ tùng thay thế. Khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khi đó, thiết bị phù tùng mà doanh nghiệp đặt mua bị huỷ hợp đồng vì đối tác không thể cung cấp.
Yếu tố tiếp theo ông Cường chỉ ra là chi phí về logistics, vận chuyển tăng cao đột biến. Tuy nhiên, thực tế không chỉ mỗi ngành hàng phân bón bị tác động mà tất cả ngành hàng khác đều bị tác động bởi chi phí logistics trong thời gian qua.
Ngoài ra, một yếu tố khác tưởng như nhỏ nhưng thực ra không nhỏ đó là tác động của Covid-19 đối với lực lượng lao động. Lấy ví dụ tại Đạm Hà Bắc với nhân lực lao động là 1.275 người, Đạm Ninh Bình là 1.000 người, ông Cường nói rằng, việc giải quyết câu chuyện đảm bảo an toàn chống dịch cho lực lượng lao động cũng góp phần đẩy chi phí lên, khiến giá thành mặt hàng tăng cao.
Yếu tố nữa là mùa vụ. Theo ông Cường, cây trồng sử dụng phân bón theo mùa vụ, từng thời điểm trong năm chứ không phải dùng hàng ngày, yếu tố này dẫn đến thừa cục bộ ở một số thời điểm. Do đó, chi phí tài chính về hàng lưu kho cho các doanh nghiệp cũng tăng cao, việc bảo quản hao hụt cũng rất lớn.
"Về bản chất, muốn hạ nhiệt giá phân bón trong nước thì phải tìm căn nguyên ở đâu khiến giá phân bón nó tăng như vậy. Đừng nghĩ đánh thuế, hạn chế việc xuất khẩu thì thị trường trong nước nó sẽ hạ giá".
(Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận