24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ly Na
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Áp lực tỷ giá, lạm phát và bài toán tăng trưởng kinh tế

Tỷ giá VND/USD gia tăng có thể làm thu hẹp dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian tới.

Tỷ giá tăng sẽ gây áp lực trả nợ nước ngoài và lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào, hàng hóa tiêu dùng tăng lên, đồng thời thu hẹp dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước những tháng tới.

Sau thời gian dài bình ổn, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) xuất hiện biến động theo chiều hướng tăng những tháng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất điều hành bốn lần trong tháng 3, 4, 5 và 6-2023.

Việc duy trì chính sách tiền tệ ngược chiều giữa Việt Nam và Mỹ, cộng thêm thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng. Ngoài ra, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng đảo chiều từ giữa tháng 6-2023 khi lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn USD.

Để làm rõ tác động của những diễn biến trên với nền kinh tế và thị trường tài chính – tiền tệ, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Áp lực tỷ giá, lạm phát và bài toán tăng trưởng kinh tế

Tỷ giá liên tục gia tăng thời gian qua xuất phát từ yếu tố gì, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Huân: Tỷ giá tăng xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, đồng đô la Mỹ (USD) có xu hướng mạnh lên sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) phát đi thông điệp về việc tiếp tục tăng lãi suất do lạm phát mục tiêu chưa về mức 2%. Điều này dẫn tới kỳ vọng của công chúng và nhà đầu tư về việc cơ quan này sẽ duy trì một đồng nội tệ mạnh từ nay tới cuối năm, khiến chỉ số US Dollar Index (DXY) – sử dụng để đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) – tăng nhanh, qua đó gây áp lực với các đồng tiền còn lại.

Thứ hai, tác động từ yếu tố mùa vụ. Tỷ giá thường tăng vào tháng 8 và 9, khi nhu cầu mua ngoại tệ giao ngay tăng do nhu cầu thanh toán nhập khẩu, trả nợ vay nước ngoài và các nhu cầu hợp pháp khác.

Thực tế, số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch nhập khẩu nửa đầu tháng 8-2023 tăng 6,2% so với nửa đầu tháng 7. Đây là mức tăng trưởng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3-2023, được dẫn dắt chủ yếu bởi tăng nhập khẩu các mặt hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại và linh kiện với mức tăng hơn 40%.

Ngoài ra, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng và trên thị trường liên ngân hàng có tăng trong thời gian gần đây khi thị trường ghi nhận nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn gia tăng từ khách hàng. Điều này thúc đẩy một phần từ giá mua kỳ hạn hiện nay rất tốt. Theo đó, khi tiếp cận các mức giá bán kỳ hạn đến 12 tháng trong thời điểm hiện nay, khách hàng có thể chốt tỷ giá mua kỳ hạn thấp hơn tỷ giá giao ngay

Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất nhanh, với biên độ lớn cũng gây tạo áp lực lên tỷ giá.

Như vậy, việc giảm lãi suất điều hành sẽ tạo thêm áp lực với tỷ giá và luân chuyển dòng vốn những tháng cuối năm?

Lãi suất không còn nhiều dư địa giảm, nên NHNN cần cân nhắc việc điều chỉnh lãi suất điều hành, vì việc này không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế, mà còn gây căng thẳng về tỷ giá.

Cụ thể, điểm nghẽn lớn trong nền kinh tế hiện nay là lãi đã giảm mạnh, nhưng doanh nghiệp không vay được vốn do không đáp ứng đầy đủ điều kiện vay. Điều này khiến dòng vốn không thể đi vào nền kinh tế, mà đọng lại hệ thống ngân hàng.

Thực tế cho thấy tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng cùng giai đoạn năm 2022 là 9,54%. Ngoài ra, tín dụng tháng 7 không những không tăng mà giảm 0,02 triệu tỉ đồng, tức là các ngân hàng thu tiền về nhiều hơn cho vay ra trong tháng 7.

Bối cảnh trên dẫn tới rủi ro là lạm phát và tỷ giá có thể quay trở lại nếu tiếp tục giảm lãi suất.

Về luân chuyển dòng vốn, lãi suất tại Mỹ hiện khoảng 5,5%, còn Việt Nam khoảng 5-6% và tiếp tục xu hướng giảm khi chủ trương đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng vẫn đang được thực thi. Nếu Việt Nam giảm thêm lãi suất, thì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ không còn nhiều.

Khi chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ thấp, dòng vốn có khả năng đảo chiều, nhà đầu tư sẽ tìm đến thị trường có lãi suất cao và đây cũng chính là con dao hai lưỡi khiến tỷ giá tăng cao. Trong ngắn hạn, tỷ giá tăng cao sẽ tác động đến nhập khẩu lạm phát, nên NHNN cần quan sát động thái của cán cân dòng vốn.

Tình trạng “ế” vốn vay, như ông vừa chia sẻ, là nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn nhằm “hãm” huy động vốn?

Đúng vậy. Trong tháng 8, lãi suất huy động 12 tháng trung bình đạt 6,08%, giảm lại 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,92% so với trung bình hồi tháng 7 và giảm tới 2,35% so với cuối năm 2022. Điều này khiến mặt bằng lãi suất huy động hiện đã gần tiệm cận mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Mặt bằng lãi suất thấp, nhưng không thể giải ngân cho vay đã dẫn tới hiện tượng thừa vốn. Điều này buộc nhiều ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, đồng thời đưa ra các chương trình khuyến mãi để gia tăng tốc độ giải ngân, tránh việc nguồn vốn dư thừa làm gia tăng chi phí hoạt động.

Nhưng thực tế cho thấy việc gia tăng tốc độ giải ngân cũng rất khó khăn do cầu của thị trường yếu, đơn hàng đầu ra sụt giảm, dẫn đến tình hình tiêu thụ sản phẩm và kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với dự kiến, buộc các doanh nghiệp phải tính toán kỹ và hạn chế việc thu xếp nguồn vốn vay.

Ngoài ra, khoảng cách giữa chuẩn thẩm định khó thay đổi của các ngân hàng và sự sa sút trong điều kiện vay của nhiều doanh nghiệp là một trở ngại không nhỏ. Nếu vẫn duy trì chính sách cho vay như hiện tại thì không thể đưa được nguồn vốn ra nền kinh tế. Nhưng giảm các tiêu chuẩn về vay vốn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay thì các ngân hàng phải gánh chịu rủi ro khi doanh nghiệp vay vốn có thể mất khả năng trả nợ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Về phía người tiêu dùng, thu nhập từ lương của một bộ phận người lao động tại nhiều doanh nghiệp, ngành nghề bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là tâm lý thận trọng, tiết kiệm hơn trong tiêu dùng, dẫn đến động lực mua sắm, chi tiêu của người dân giảm sút.

Mặc dù vốn vay bị ế, nhưng tại sao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – dòng vốn rẻ của các ngân hàng – vẫn tăng trưởng trở lại trong quý 2-2023, thưa ông?

Giai đoạn cuối năm 2022, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều tập trung gửi tiền các kỳ hạn vào ngân hàng do mặt bằng lãi suất huy động liên tục gia tăng. thậm chí đạt mức 11-12%/năm. Nhưng động thái điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, khiến mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu những tháng gần đây đã làm giảm động lực gửi tiết kiệm sinh lời của khách hàng.

Với khách hàng cá nhân, thay vì gửi tiết kiệm, họ tập trung quan sát diễn biến các kênh đầu tư khác và chờ đợi cơ hội giải ngân. Do đó, dòng tiền được chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản thanh toán, để sẵn sàng chuyển sang các kênh đầu tư.

Điều này thể hiện phần nào qua số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục ở mức cao những tháng gần đây. Mới nhất, đã có thêm hơn 150.000 tài khoản đầu tư mới tham gia thị trường trong tháng 8, cho thấy kênh chứng khoán vẫn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Với khách hàng doanh nghiệp, một phần dòng tiền được chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản thanh toán khi nhận thấy cơ hội phục hồi về đơn hàng, cầu thị trường những tháng cuối năm.

Với bối cảnh hiện tại, cơ quan quản lý có cần áp dụng các biện pháp ổn định tỷ giá?

Với những thời điểm mùa vụ như hiện nay, không nên can thiệp quá nhiều vào tỷ giá bằng dự trữ ngoại hối do nhu cầu cao nên tỷ giá sẽ tăng nóng, sau đó giảm trở lại. Nhà điều hành cần theo dõi sát sao cán cân thanh toán, đặc biệt là cán cân tài khoản vốn để có động thái can thiệp thị trường và tỷ giá phù hợp.

Còn với bối cảnh trung và dài hạn thì sao, thưa ông?

Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD có thể thu hẹp thêm do lãi suất điều hành của Fed có khả năng duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quí 3-2023. Việc chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ thấp dẫn tới rủi ro tỷ giá gia tăng và đảo chiều dòng vốn.

Để hạn chế rủi ro, nhà điều hành có thể lựa chọn hi sinh một phần tỷ giá, tức để VND mất giá khoảng 3-4% – lên khoảng 25.000 đồng/USD, để duy trì khả năng cạnh tranh về giá của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ thương mại khác trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những năm qua.

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở thực hiện việc này do Fed khả năng cao đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất. Nếu Fed tăng lãi suất một lần cuối vào tháng 9-2023, sau đó giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì USD sẽ mất giá sau khi đã đạt đỉnh điểm, tỷ giá không áp lực.

Ngoài ra, những yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn tích cực. Theo đó, dù chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng, nhưng cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 vẫn ước xuất siêu 16,26 tỉ USD, trong khi cùng giai đoạn năm trước xuất siêu 3,96 tỉ USD.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng trưởng ổn định, với mức vốn thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13,1 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

– Theo ông, cần làm gì để giải quyết tình trạng “ế” vốn cho vay trong bối cảnh sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn khó phục hồi mạnh, bên cạnh nỗi lo nợ xấu tăng nhanh?

Khó khăn nhất hiện nay vẫn là cơ chế trong việc giải ngân, bởi nếu giải ngân không đúng quy trình, quy định thì người thực hiện rất dễ vướng vào những rắc rối về pháp lý, trong khi nếu tuân thủ chặt chẽ thì tiến độ sẽ rất chậm và không thể đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để giải quyết các nút thắt cổ chai này nhằm giúp việc giải ngân vốn diễn ra thuận tiện hơn, cũng như giúp các lãnh đạo, cán bộ yên tâm hơn trong việc thực thi chức trách của mình.

Với sức cầu thế giới yếu như hiện nay, cần tập trung nguồn lực và chính sách để đẩy mạnh cầu nội địa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất cần làm quyết liệt hơn và mạnh hơn. Ngoài ra, cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn động trong nền kinh tế như thị trường trái phiếu, bất động sản để có thể thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, bản thận họ phải tự cứu mình bằng cách đa dạng hóa nguồn thu nhập, tìm kiếm các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, song song với đó là phải thay đổi các chiến lược sản phẩm, hướng tới các sản phẩm xanh, bền vững để có thể tiếp cận được các thị trường khó tính trên thế giới trong bối cảnh suy giảm tổng cầu và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Doanh nghiệp cũng cần áp dụng các công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chi phí để có thể sống còn qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Lưu ý rằng chu kỳ kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở mô hình kinh tế thế giới hiện tại, nên việc chúng ta có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện tại sẽ giúp chúng ta gặt hái được nhiều trái ngọt ở giai đoạn phục hồi tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả