Áp lực tỷ giá, lãi suất tác động mạnh tới thị trường chứng khoán
Đà tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên tỷ giá VND và khiến cho dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị thu hẹp đáng kể.
Ông Đinh Quang Hinh khuyến nên ưu tiên quản trị danh mục đầu tư khi rủi ro ngắn hạn đang duy trì ở mức cao.
Theo vị chuyên gia này, thị trường tiếp tục trải qua một tuần điều chỉnh khi áp lực tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ số dollar index (DXY) tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần qua do kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới giảm xuống, sau thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 phù hợp với dự báo của thị trường, nhưng cao hơn so với tháng 9 và bình luận của Chủ tịch Fed Powell mới đây về việc Fed không cần vội vàng trong việc hạ lãi suất.
Đà tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên tỷ giá VND và khiến cho dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị thu hẹp đáng kể.
Đà bán ròng của khối ngoại tập trung ở những mã bluechips (loại cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn) cũng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán.
Kết thúc tuần giao dịch (từ 18 - 22/11), chỉ số VN-Index chính thức đánh mất cận dưới 1.240 điểm của vùng tích lũy trước đó và đang hướng đến hỗ trợ sâu hơn tại 1.200 điểm.
“Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh và chưa có dấu hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá hạ nhiệt một cách bền vững, tôi cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục ở thời điểm này”, ông Hinh khuyến nghị nhà đầu tư.
Theo ông Hinh, đối với những nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng danh mục cao hoặc đang dùng đòn bẩy ký quỹ cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng thấp hoặc giao dịch ngắn hạn, nên hạn chế việc “bắt đáy” khi thị trường chưa xác nhận điểm đảo chiều.
Ông Nguyễn Huy Phương, Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, phiên cuối tuần, thị trường tiếp tục giảm điểm sau khi đánh mất vùng hỗ trợ 1.240 điểm trong phiên trước đó. Thanh khoản tăng so với phiên trước đó, cho thấy nguồn cung vẫn gây áp lực đến thị trường.
Mặc dù VN-Index có dao động khá mạnh quanh 1.220 điểm nhờ lực cầu giá thấp nhưng vẫn chưa thể giúp thị trường tích cực hơn. Có khả năng thị trường sẽ có những nỗ lực hồi phục trong thời gian tới, nhưng có thể chỉ mang tính chất kỹ thuật.
Đồng thời rủi ro thị trường lùi về vùng 1.200 điểm vẫn đang tiềm ẩn. Do vậy, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng và chờ tín hiệu hỗ trợ cụ thể của dòng tiền trong thời gian tới, ông Phương khuyến nghị.
Theo ông Phương, hiện tại, độ ổn định của thị trường thấp và rủi ro tiềm ẩn nên nhà đầu tư cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.
Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhìn nhận, thị trường như biết “chiều lòng” những nhà đầu tư theo trường phái “Buy in November” – mua vào cổ phiếu trong tháng 11, khi có tuần thứ 2 điều chỉnh liên tiếp về vùng giá thấp nhất kể từ đầu tháng 8.
VN-Index đóng cửa ở mức gần thấp nhất tuần. Đây là lần thứ 3 trong năm, chỉ số đóng cửa dưới mức MA200 (đường trung bình động được tính dựa trên giá đóng cửa trong khoảng thời gian 200 ngày gần nhất) trên khung đồ thị tuần.
Thị trường kết thúc một tuần giao dịch ảm đạm với 4/5 phiên điều chỉnh; trong đó có 2 phiên liên tiếp bị “thổi bay” gần 28 điểm. Phía bên bán dường như mất dần kiên nhẫn và chủ động đẩy giá xuống. Càng về cuối tuần áp lực bán càng có xu hướng gia tăng; trong đó, nhóm vốn hóa lớn “châm ngòi” cho làn sóng bán tháo, chỉ số VN30-Index kết tuần ghi nhận mức giảm hơn 46 điểm.
Đóng cửa tuần giao dịch từ 11-15/11, VN-Index ở mức 1.218,57 điểm, giảm 33,99 điểm. Thanh khoản thị trường bật tăng, tương đương với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 665 triệu cổ phiếu, tăng 28,78% so với tuần trước đó, tương đương 16,773 tỷ đồng (tăng 24,56% so với tuần trước đó) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường tuần qua chìm trong sắc đỏ với 16/21 nhóm ngành giảm điểm. Gây áp lực lớn lên chỉ số và tâm lý giao dịch trong tuần qua là những nhóm ngành như: Chứng khoán (giảm 7,88%), bán lẻ (giảm 5,64%), dầu khí (giảm 5,21%), thép (giảm 4,65%)...
Ở chiều ngược lại, số ít các nhóm ngành ngược dòng thành công phải kể đến như: Cảng biển (tăng 2,62%), công nghệ viễn thông (tăng 1,04%), hóa chất (tăng 0,78%)...
Khối ngoại bán ròng 4.015 tỷ đồng trên sàn HOSE trong bối cảnh tỷ giá “neo” quanh mức cao nhất từ đầu năm. Tâm điểm bán ròng khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM (871 tỷ đồng), FPT (608 tỷ đồng), SSI (428 tỷ đồng)...
VN-Index có phiên giảm điểm khá sâu trong ngày giao dịch cuối tuần. Mở cửa phiên là khoảng GAP (được hình thành khi giá đóng cửa của ngày hôm trước và giá mở cửa của ngày hôm sau có sự chênh lệch) giảm 2,53 điểm. Càng giao dịch áp lực bán càng gia tăng khiến VN-Index đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên.
Thanh khoản phiên hôm cuối tuần qua cũng gia tăng mạnh, khối lượng khớp lệnh trên HOSE vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy xu hướng giảm điểm chưa có tín hiệu dừng lại. Phiên giảm hôm cuối tuần cũng phát đi tín hiệu tiêu cực. Cùng đó, thanh khoản tuần qua gia tăng nên khả năng áp lực bán sẽ còn tiếp diễn trong tuần tới.
Ngưỡng hỗ trợ trong tuần tiếp theo theo quan điểm của CSI là mốc 1.208 điểm, tại mốc này nếu VN-Index bật tăng trở lại, nhà đầu tư có thể quay lại mở vị thế mua thăm dò, CSI khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận