Áp lực thanh khoản bao trùm các công ty nặng nợ tại Trung Quốc
Đến nay, mọi thứ dần lộ rõ những doanh nghiệp nào tại Trung Quốc có nguy cơ gặp áp lực tín dụng lớn nhất khi Bắc Kinh rút lại thanh khoản: Các công ty bất động sản, các công ty tài trợ cho chính quyền địa phương và các nhà sản xuất than đá.
Các nhà phát triển bất động sản chiếm 20% trong tổng số 10 tỷ USD giá trị vỡ nợ tại Trung Quốc trong năm nay. Trong khi đó, lo ngại cũng dần nhen nhóm ở các công ty địa phương có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc sau khi một công ty ở Trùng Khánh không thanh toán đúng hạn với các hóa đơn thương mại. Các công ty than đá ở Đông Bắc Trung Quốc cũng chật vật tái cấp vốn sau khi đối mặt với cú sốc vỡ nợ của một công ty sở hữu Nhà nước vào cuối năm 2020.
Bắc Kinh đang gặp tình huống hết sức khó xử. Họ muốn cho phép các công ty yếu kém về tài chính vỡ nợ sao cho không gây áp lực lây lan ra cả thị trường tín dụng. Chính phủ Trung Quốc đang đặt ưu tiên hàng đầu cho vấn đề giảm bớt rủi ro tài chính trong năm 2021 khi nền kinh tế ngày càng mạnh mang lại khoảng trống để các quan chức giải quyết núi nợ chồng chất tại Trung Quốc. Cho tới nay, nỗ lực của các quan chức đã phát huy tác dụng: Chỉ báo quan trọng về tâm lý chấp nhận rủi ro trên thị trường vẫn còn mạnh bất chấp những đợt vỡ nợ gần đây.
“Khi chính sách tín dụng bình thường hóa, sẽ khó khăn để đảo nợ và chúng tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều đợt vỡ nợ trong những quý tới”, Carol Liao, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Pimco Asia, cho hay. Các ngành công nghiệp đang thừa công suất, các dấu hiệu quả nhiệt hoặc môi trường không còn thuận lợi sẽ đối mặt với rủi ro lớn nhất, bà nói.
Các công ty gặp rủi ro nhiều nhất bao gồm các công ty trong ngành than đá cũng như các nhà phát triển bất động sản quy mô nhỏ nhưng nặng nợ và có các dự án tập trung ở các thành phố cấp thấp.
Những công ty đi vay đã vỡ nợ khoảng 10 tỷ USD trái phiếu trên thị trường tín dụng nội địa và nước ngoài từ đầu năm 2021, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức kỷ lục, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Bất động sản
Việc kiểm soát chặt chẽ đòn bẩy ở lĩnh vực nặng nợ như bất động sản đã đẩy nhiều công ty vào trạng thái vỡ nợ, giữa lúc Bắc Kinh muốn kìm hãm hoạt động đi vay với chính sách “3 lằn ranh đỏ”. Chính sách này giới hạn khả năng huy động vốn mới của các công ty nặng nợ trên thị trường tín dụng.
Một số trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có tình hình tài chính yếu kém đã giảm giá trong năm nay khi nhà đầu tư tỏ rõ lo ngại về khả năng tái cấp vốn của các công ty này, nhất là sau các vụ vỡ nợ của các công ty lớn như China Fortune Land Development Co. và hai lần thanh toán nợ không đúng hạn của Chongqing Sincere Yuanchuang Industrial Co.
Hiện tổng giá trị phát hành nợ của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết thấp hơn tổng mức nợ đến hạn từ tháng 6/2021, theo dữ liệu từ Bloomberg. Các công ty bước vào năm 2021 với gánh nặng tái cấp vốn hoặc thanh toán 309 tỷ Nhân dân tệ (48 tỷ USD) trái phiếu địa phương, mức nợ đến hạn cao nhất trong 11 năm, dữ liệu cho thấy.
Các công ty tài trợ cho chính quyền địa phương (LGFV)
Các tổ chức đi vay có sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương tại Trung Quốc cũng xuất hiện dấu hiệu căng thẳng cực độ, nhất là sau vụ vỡ nợ đối với các hóa đơn thương mại của công ty có sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương trong năm nay.
Lượng trái phiếu bằng USD đến hạn vào năm 2022 của Chongqing Energy Investment Group đã mất hơn 50% giá trị sau khi xuất hiện thông tin công ty không thể thanh toán 915 triệu Nhân dân tệ tiền nợ. Các chuyên viên phân tích cũng “cắm cờ đỏ” về rủi ro tín dụng ngày càng tăng của các LGFV ở tỉnh Hồ Nam và Vân Nam. Lượng nợ ngầm (hidden debt) ở cấp độ địa phương được nâng lên thành “vấn đề an ninh quốc gia” tại cuộc họp chính sách thường niên của Trung Quốc trong tháng này.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ cẩn trọng hơn với việc sàng lọc tại thời điểm này, khi hầu hết công ty vẫn còn phụ thuộc vào một thị trường để đảo nợ và cần thêm vốn mới”, Edmund Goh, Giám đốc đầu tư trái phiếu châu Á tại Aberdeen Standard Investments ở Thượng Hải, cho hay.
Các công ty than đá
Áp lực tái cấp vốn trong lĩnh vực sản xuất than đá tại Trung Quốc cũng đang bóp nghẹt các công ty hàng hóa. Lĩnh vực này đang chật vật khôi phục niềm tin của nhà đầu tư sau vụ vỡ nợ của Yongcheng Coal & Electricity Holding Group trong tháng 11/2020. Hiện tại, lĩnh vực than đá cũng đối mặt với áp lực từ Chính phủ Trung Quốc khi Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu giảm bớt lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Tỷ lệ tái cấp vốn – vốn đo lường mức độ phát hành hàng tháng so với lượng nợ đến hạn – đã giảm mạnh nhất ở tỉnh Sơn Tây và Hồ Bắc, theo dữ liệu từ Bloomberg. Các công ty ở Sơn Tây – là một trong những nơi sản xuất than đá lớn nhất Trung Quốc – chỉ huy động đủ để tái cấp vốn cho 25% nợ đến hạn trong tháng 2/2021, mức thấp nhất trong gần 3 năm, quá thấp so với mức 184% hồi tháng 12/2020. Con số này của các công ty tỉnh Hồ Bắc chỉ là 18%, so với mức 124% của tháng 12/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận