24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mạnh Tưởng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Áp lực 'nhập linh kiện' của ôtô Việt Nam

80% linh kiện sản xuất một chiếc ôtô tại Việt Nam phải nhập khẩu, điều này khiến giá xe luôn cao hơn các nước trong khu vực.

"Giá bán ôtô ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận xét như vậy khi đề cập tới thực trạng công nghiệp ôtô tại hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam, ngày 24/9.

Tiếp lời sau đó, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho hay, giá xe ở Việt Nam cao phần nhiều do phụ thuộc nhập khẩu linh phụ kiện. Ở Việt Nam, để lắp ráp, sản xuất một chiếc xe, nhà sản xuất phải nhập khoảng 80% linh phụ kiện, trong khi con số này tại các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia...) là 10-20%.

"Linh kiện nhập khẩu chiếm phần lớn trong mỗi chiếc xe lắp ráp, sản xuất ở Việt Nam, cộng với chi phí khấu hao thiết bị, khuôn dưỡng sản xuất, chi phí vận chuyển linh kiện... nên giá bán xe ở Việt Nam cao hơn 10-20% các nước trong khu vực", ông Kinoshita nói.

Lý do buộc các doanh nghiệp lắp ráp trong nước phải nhập phần lớn linh phụ kiện là các nhà cung ứng nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện Việt Nam mới có khoảng 200 doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện, trong khi con số này tại Thái Lan gấp 10 lần.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đề cập thực tế này. Ông nói, dù có nhiều chính sách cho ngành ôtô trong nước nhưng sau 20 năm ngành này mới "tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành".

"Sản xuất, lắp ráp xe trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự, chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi hay hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn", ông Tuấn Anh nhận xét.

Không những vậy, các nhà sản xuất trong nước đáp ứng được cũng hạn chế khi chỉ cung cấp được những linh kiện đơn giản như cụm dây điện, ghế đệm... Còn các sản phẩm có giá cao hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn như động cơ, hệ thống truyền động, điều khiển... phải nhập khẩu, đẩy chi phí lên.

Ông Kinoshita tỏ ý sốt ruột và đề nghị Việt Nam thúc đẩy nội địa hoá sớm hơn. Ví dụ, cần hỗ trợ nhà sản xuất linh kiện giảm đầu tư mua khuôn và đồ gá, miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư linh kiện, giảm chi phí nhập khẩu, duy trì thị trường tăng trưởng ổn định, đảm bảo hoạt động sản xuất trong nước bằng cách bù đắp chi phí 10-20%, thúc đẩy nhanh nội địa hoá linh kiện thép và nhựa cỡ trung bình.

Là doanh nghiệp sản xuất trong nước, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải đề nghị, miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ôtô và cơ khí; sớm ban hành chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ôtô sản xuất trong nước.

Ông cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Đáp lại mong muốn của các doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất trình Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô lớn (bao gồm cả ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ô tô điện), như hỗ trợ về hạ tầng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực..., và đặc biệt là hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ động cơ, hộp số, hệ thống ECU điều khiển, pin (cho ô tô điện).

Tại hội nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là tăng tỷ lệ nội địa hóa trong phát triển công nghiệp ôtô. Theo ông, công nghiệp ôtô là ngành tạo giá trị gia tăng cao, nhiều việc làm nên "không thể mãi nhập khẩu về tiêu thụ".

"Chúng ta có 100 triệu dân thì không thể chỉ nhập ôtô về tiêu thụ. Chính phủ sẽ xem xét các kiến nghị của các nhà sản xuất, tạo dư địa cho các doanh nghiệp trong nước tăng nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ", Phó thủ tướng khẳng định.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với tổng công suất thiết kế 680.000 xe một năm. Năm 2018 Việt Nam lắp ráp được hơn 258.110 xe, riêng nửa đầu năm 2019 đã có hơn 131.000 xe.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả