Áp lực lạm phát quý II/2024 có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ
Xu hướng tăng giá các mặt hàng hoá có thể sẽ xảy ra trong quý II/2024, gây áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ vốn đang duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Còn nhiều “cơn gió ngược”
Kinh tế toàn cầu quý I/2024 vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như căng thẳng địa chính trị dải Gaza, xung đột Nga - Ukraine,... làm gia tăng rủi ro trong thương mại quốc tế và đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức trên, các xu thế mới tích cực đang định hình: tiêu dùng nội địa phục hồi tại nhiều quốc gia, chính sách hỗ trợ - kích thích tăng trưởng từ các chính phủ, tiến bộ công nghệ 4.0 mang tới cơ hội bứt phá tăng trưởng.
Tiếp nối đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 cho thấy những kết quả tương đối tích cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, lạm phát dù tăng nhưng vẫn nằm trong mức kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI thực hiện quý I đạt mức kỷ lục từ năm 2020, thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng mạnh. Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện linh hoạt mặc dù còn chịu nhiều áp lực từ việc tăng tỷ giá và giá vàng.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều “cơn gió ngược” trong các tháng còn lại của năm 2024. Tăng trưởng kinh tế dù phục hồi nhưng sẽ tương đối chậm do động lực tăng trưởng đến từ doanh nghiệp và người dân còn khá yếu, cùng với đó là những thay đổi trong chính sách lãi suất tại Mỹ, EU và áp lực giảm phát tại Trung Quốc.
Đặc biệt, lạm phát có thể đi vào chu kỳ tăng mới do giá một số mặt hàng như xăng, điện và thịt heo vẫn trên đà tăng mạnh. Điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do đó cần phải đảm bảo sự linh hoạt, thích ứng nhanh với sự biến động mạnh mẽ của các điều kiện vĩ mô, tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ sự hồi phục nền kinh tế thực. Đây là những thách thức không nhỏ mà ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang phải đối diện.
Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), có 4 yếu tố rủi ro chính ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới đó là:
Thứ nhất, tăng giá hàng hóa do các sự kiện địa chính trị và biến đổi khí hậu có thể làm giảm triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với việc xung đột tăng ở Trung Đông và Ukraine cũng như các cú sốc thời tiết cực đoan khác.
Thứ hai, lạm phát kéo dài có thể đòi hỏi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định tài chính toàn cầu.
Thứ ba, sự chậm lại của tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt nếu không có biện pháp tái cơ cấu hiệu quả, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.
Thứ tư, các nền kinh tế chuyển hướng củng cố tài khóa có thể làm chậm lại tăng trưởng do áp lực từ việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Trước các diễn biến kinh tế về cơ bản là tích cực trong quý I/2024, nhu cầu tăng trở lại trên diện rộng, nhiều tổ chức kinh tế đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 theo hướng tăng khoảng 0,2 điểm % so với dự báo của năm ngoái.
Theo đó, nguy cơ suy thoái đã được làm dịu bớt, các kịch bản "hạ cánh mềm" cho các nền kinh tế lớn trên toàn cầu được đề cập nhiều hơn. Đồng thời, các dự báo tỏ ra lạc quan với triển vọng của sản lượng, đơn hàng, việc làm trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Áp lực lạm phát tăng
Nhìn chung, kịch bản tăng trưởng cho các quý tiếp theo cho thấy kinh tế sẽ vẫn đi theo xu hướng phục hồi, tuy nhiên quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian do động lực tăng trưởng đến từ doanh nghiệp và người dân vẫn còn khá yếu. Ngoài ra, những thay đổi sắp tới trong chính sách lãi suất tại Mỹ, EU và áp lực giảm phát tại Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.
Về tăng trưởng GDP, với kết quả tăng trưởng khá của quý I, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và trong tầm kiểm soát; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố,... tăng trưởng GDP quý 2 dự báo sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9- 6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8 - 6,2%. Cả năm 2024 có thể tăng 6- 6,5% theo kịch bản cơ sở, đạt mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra; hoặc có thể khả quan hơn từ 6,5 - 7% với kịch bản tích cực.
Đối với lạm phát, chúng tôi nhận thấy mặc dù lạm phát vẫn đang ở mức ổn định trong ba tháng đầu năm 2024 nhưng diễn biến của giá hàng hóa trong những tháng tiếp theo có thể sẽ kéo lạm phát vào chu kỳ tăng mới. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến CPI như giá xăng, giá điện và giá thịt heo đang có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, các vấn đề căng thẳng địa chính trị đang tạo nên những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung về xăng dầu. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất dầu mỏ vẫn đang duy trì thắt chặt sản lượng dẫn đến giá dầu giữ xu hướng tăng. Do đó, trong quý II/2024, nhìn chung giá xăng dầu sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.
Giá điện sau hai lần điều chỉnh tăng trong năm 2023 thì đã được Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục xem xét điều chỉnh trong năm 2024 trong bối cảnh EVN vẫn đang báo lỗ. Với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 06 tháng xuống 03 tháng, các đợt điều chỉnh giá điện có thể diễn ra ngay từ giữa quý II.
Như vậy, xu hướng tăng giá của các mặt hàng nói trên sẽ ảnh hưởng đến các cấu phần CPI chính là giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông. Nếu các cấu phần kể trên tiếp tục đà tăng quý II, áp lực lạm phát sẽ tăng cao và có thể ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ vốn đang duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận