menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đoan Trang

Áp lực lạm phát ở phương Tây dịu lại khi xuất khẩu của châu Á suy yếu

Giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, tính trên cơ sở 12 tháng, đạt đỉnh vào tháng 9 năm ngoái ở mức 6,1 nghìn tỉ đô la Mỹ. Kể từ đó, xuất khẩu của các nền kinh tế này suy giảm, giúp áp lực giả cả dịu lại đối với người tiêu dùng ở Mỹ và các nước phương Tây khác.

Tuy nhiên, giá cả đồ nội thất, hàng điện tử và các hàng hóa sản xuất công nghiệp khác suy giảm, không có nghĩa là mức lạm phát cao ở phương Tây sẽ sớm được kiểm soát. Tiền lương và giá các dịch vụ vẫn tăng, khiến ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu cảnh báo họ chưa hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát.

Trong nhiều thập niên trước đại dịch, hàng hóa giá rẻ từ châu Á đã giúp hạn chế các mức tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng ở phương Tây. Các nhà kinh tế cho rằng hiện tượng đó khó có thể quay trở lại khi thời kỳ hưng thịnh của toàn cầu hóa đã qua.

Các cường quốc xuất khẩu của châu Á hưởng lợi lớn từ cơn bùng nổ doanh số bán hàng ở nước ngoài trong thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng, bị mắc kẹt ở nhà, vung tiền mua máy tính mới, thiết bị tập luyện và sửa chữa nhà cửa.

Tính trên cơ sở 12 tháng, giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đạt đỉnh vào tháng 9 năm ngoái ở mức 6,1 nghìn tỉ đô la Mỹ. Con số này cao hơn 40% so với mức được ghi nhận trong 12 tháng tính đến tháng 3 -2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến, theo phân tích của Wall Street Journal dựa trên số liệu của nhà cung cấp dữ liệu CEIC.

Xuất khẩu của châu Á bắt đầu trượt dốc vào cuối năm ngoái khi lãi suất tăng, làm giảm bớt sức nóng tăng trưởng kinh tế. Người tiêu dùng phương Tây đã giảm chi tiêu cho hàng hóa để chuyển sang đi ăn ngoài, đi du lịch và các dịch vụ khác mà họ đã bỏ lỡ trong đại dịch. Kỳ vọng Trung Quốc tái mở sẽ thúc đẩy sự phục hồi trong thương mại đã lụi tắt.

Xuất khẩu từ Hàn Quốc trong 12 tháng tính đến tháng 5 thấp hơn 11% so với 12 tháng tính đến tháng 9-2022. Xuất khẩu của Đài Loan giảm 14% trong cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu của Singapore, Nhật Bản Trung Quốc lần lượt giảm 6%, 4% và 3%.

Sự suy yếu trong thương mại thể hiện ở giá hàng hóa bán từ cổng các nhà máy ở châu Á. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 4,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó, đánh dấu tháng suy giảm thứ tám liên tiếp. Các thước đo lạm phát giá sản xuất tương tự ở các nền kinh tế xuất khẩu châu Á khác cũng đang suy yếu do giá nguyên liệu thấp hơn làm giảm chi phí và nhu cầu đối với hàng hóa suy yếu làm giảm sức mạnh định giá của các nhà sản xuất.

Những tác động từ sự hạ nhiệt thương mại châu Á đang bắt đầu được cảm nhận ở Mỹ, nơi Cục Dự trữ liên bang (FDI) báo hiệu ​​sẽ tăng lãi suất cao hơn nữa sau khi giữ nguyên lãi suất trong tháng này.

Theo Bộ Lao động Mỹ, giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc giảm 6,3% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc và ASEAn lần lượt giảm 2% và 3,7% trong cùng giai đoạn này.

Giá mà các nhà nhập khẩu ở Mỹ phải trả không hoàn toàn tương đồng với giá bán lẻ trên các kệ hàng vì các công ty cần trang trải chi phí lao động, vận chuyển và các chi phí khác để đưa sản phẩm vào cửa hàng.

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa ở Mỹ trong tháng 5 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ châu Á, bao gồm đồ nội thất, đồ gia dụng, tivi, dụng cụ thể thao, máy tính và điện thoại thông minh.

Dù vậy, lạm phát tổng thể của Mỹ vẫn đang ở mức cao. Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đo lường những gì người Mỹ phải trả cho hàng hóa và dịch vụ, tăng 4% so với một năm trước đó. Tốc độ này vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Fed. Giá tiêu dùng cốt lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 5,3%.

Giá hàng hóa tăng cao trong thời kỳ đại dịch gây ra đợt bùng phát lạm phát đầu tiên, tiếp đến giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine kích hoạt đợt bùng phát lạm phát thứ hai. Hiện tại, đà tăng trưởng tiền lương và giá các dịch vụ là nguyên nhân khiến lạm phát cao dai dẳng ở các nước phương Tây. Vì vậy, dù giả cả hàng hóa đang giảm hiện nay là tin tốt nhưng điều đó không có nghĩa là các ngân hàng trung ương đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại chi nhánh của HSBC ở Hong Kong, nhận định: “Động lực giảm phát đến từ châu Á sẽ không phải là phương thuốc thần kỳ cho vấn đề lạm phát của phương Tây”.

Trong những thập niên trước đại dịch, sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu góp phần tạo ra một giai đoạn dài lạm phát thấp và ổn định ở nhiều nền kinh tế phương Tây.

Giờ đây, chính phủ Mỹ và các đồng minh châu Âu đang xa rời khỏi quá trình toàn cầu hóa tự do vì lợi ích của an ninh và khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng. Họ đang đưa ra các khoản trợ cấp khổng lồ để các ngành công nghiệp chiến lược như bán dẫn và công nghệ xanh để thu hút đầu tư và việc làm về nước. Các tập đoàn đa quốc gia đang bổ sung các nhà máy ở Việt Nam hoặc Ấn Độ trong khi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi họ mối lo ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Bắc Kinh.

Bên cạnh nhu cầu toàn cầu cải thiện, các nhà kinh tế cho rằng, những rạn nứt thương mại như vậy có thể làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất, báo hiệu lạm phát trong tương lai sẽ không giảm mạnh như trong quá khứ gần đây.

Điều đó không có nghĩa là toàn cầu hóa đã kết thúc hay châu Á sẽ không còn là nơi cạnh tranh để sản xuất. Nhưng các cường quốc xuất khẩu của châu Á khó có thể giúp các nền kinh tế phát triển ở phương Tây kiềm chế đà tăng giá cả như trước đây.

“Tôi cho rằng kỷ nguyên vàng của toàn cầu hóa và áp lực giảm lạm phát đi kèm với điều đó, đã qua rồi”, Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics ở London, nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại