menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tiến Thành

Áp lực lạm phát đang lớn dần, Bộ Tài chính nói gì?

Theo các chuyên gia, cùng với việc giá USD, vàng và bất động sản một số nơi tăng, chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ 1/7,... có thể tác động lên lạm phát thực của quý còn lại.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý II tăng 4,39% so với quý II/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Nhìn nhận kết quả này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), dù về mặt tổng thể lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ.

Lý giải cho dự báo này, theo ông Việt, trong năm 2023, lạm phát kiểm soát được dưới mục tiêu phần lớn là do kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.

Còn trong 6 tháng đầu năm, kinh tế trong nước đã có nhiều điểm sáng về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI, …tạo ra kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu (6 – 6,5%) mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Điều này cũng tạo ra áp lực cho lạm phát trong năm 2024.

Đáng quan ngại, những áp lực và rủi ro bên ngoài như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Đặc biệt, chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ 1/7 cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội. Bởi, không chỉ có mỗi khu vực công mà cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ có sự gia tăng về chi phí sản xuất do phải tăng một phần chi phí lương và bảo hiểm xã hội và các chi phí khác.

“Chúng ta phải cẩn trọng bởi các yếu tố đầu vào có thể tạo ra vòng xoáy nhất là khi những yếu tố bất định về giá tài sản trong giai đoạn đầu năm như giá vàng, USD hay giá bất động sản một số nơi tại khu vực đô thị lớn đang có xu hướng tăng, cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội” ông Việt nêu rõ

Tăng cường giám sát chặt chẽ biến động giá cả

Trước lo ngại này, chiều 5/7, Bộ Tài Chính cho biết, 6 tháng đầu năm mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ Tết đầu năm và giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo. Sang tháng 3, nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau Tết và yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm.

Tháng 4 và tháng 5, mặt bằng giá tương đối ổn định, chỉ số CPI tăng nhẹ 0,05 - 0,07% so với tháng trước chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.

Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý", Bộ Tài chính nêu rõ.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát và đề xuất để làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.

Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả