Áp lực lãi suất 6 tháng cuối năm
Mặt bằng lãi suất trong quý II có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên, 6 tháng cuối năm có thể chứng kiến xu hướng gia tăng trở lại.
Gửi ngân hàng còn hấp dẫn?
Lạm phát hiện vẫn nằm trong vòng kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 và dự kiến không vượt mục tiêu 4% đề ra trong năm nay, theo đó đảm bảo lãi suất thực dương và giúp kênh tiền gửi ngân hàng vẫn sinh lời cho những người muốn đồng vốn an toàn.
Tỷ giá ổn định cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất hiện nay. Sau khi có những biến động nhất thời trong tháng 4 và tháng 5/2019, tiền đồng hiện nay có dấu hiệu tăng giá so với USD, trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế đi xuống trước dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào cũng là cơ sở giúp nhà điều hành quản lý thị trường ngoại hối hiệu quả hơn.
Dù vậy, mặt bằng lãi suất có thể đối mặt với một số áp lực tăng trở lại trong thời gian còn lại của năm nay. Đầu tiên, việc thị trường vàng quốc tế lẫn trong nước đang tăng trở lại trong những tuần qua đã thu hút dòng tiền đầu tư đổ vào. Với rủi ro khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới ngày càng hiện rõ, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến kim loại quý này như một nơi trú ẩn an toàn, do đó dòng tiền gửi ngân hàng có thể bị ảnh hưởng.
Nếu như sự điều chỉnh trong quý II của thị trường chứng khoán đã góp phần giúp kênh tiền gửi ngân hàng được lợi, khi nhiều nhà đầu tư tạm thời thoát khỏi thị trường khó khăn và gửi tiền ngân hàng để hưởng lãi suất ngắn hạn thì sự hồi phục của chứng khoán được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới có thể hút tiền quay trở lại. Thực tế là trong những ngày gần đây, VN-Index đã có dấu hiệu tăng.
Một kênh đầu tư khác cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ với kênh tiền gửi ngân hàng là trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian qua, không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, theo đó đã thu hút không ít nhà đầu tư cá nhân tham gia. Thậm chí nhiều ngân hàng cũng tích cực chào mời khách hàng gửi tiền mua trái phiếu và xu hướng này có thể tiếp tục trong thời gian tới, do đó cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên lượng tiền gửi ngân hàng.
Nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh
Trong khi đó, nhu cầu vốn được dự kiến sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cho một loạt ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng đáp ứng được hệ số an toàn vốn mới theo chuẩn Basel 2.
Đơn cử như thông tin từ VPBank cho biết, cuối tháng 6/2019 NHNN đã chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 16% thay vì 12% như ban đầu. Một nguồn tin từ Techcombank cũng chia sẻ ngân hàng này được nới hạn mức tín dụng từ 13% lên 17%, còn ACB trong buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư mới đây cũng thông tin được nâng hạn mức cho vay từ 13% lên 17% trong năm 2019. Hay Ngân hàng Quân đội cũng được NHNN chấp thuận tăng chỉ tiêu tín dụng từ 13% lên 17%, trong khi thông tin chia sẻ từ phía lãnh đạo của Sacombank cũng cho biết được nới chỉ tiêu tín dụng từ mức cũ 7% trước đó.
Bên cạnh các ngân hàng đã được chấp thuận nâng chỉ tiêu tín dụng, một số nhà băng khác cũng đang kỳ vọng có thể được điều chỉnh. Như OCB đã đạt tăng trưởng cho vay 18% sau 6 tháng, gần tiếp cận mức 20% được NHNN giao đầu năm, trong khi ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 30% trong năm 2019. VIB năm nay cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 35%, và đã đề nghị NHNN mở thêm hạn mức tăng trưởng trên cơ sở là một trong hai ngân hàng đầu tiên hoàn thành Basel 2.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng mới cao hơn, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng cũng buộc phải tăng theo để đáp ứng, do đó sẽ có những áp lực nhất định lên mặt bằng lãi suất. Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay là 6,22%, trong khi tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 6,09%.
Sự chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn kể trên có thể sẽ tiếp tục bị khoét sâu thêm nếu như tín dụng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và các nhà băng không có những giải pháp tăng cường huy động vốn. Vì vậy, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút vốn có thể sẽ lại diễn ra như giai đoạn cuối năm trước.
Đáng lưu ý là dù dòng vốn FDI vẫn tiếp tục rót vào Việt Nam, nhưng các cơ quan quản lý khó có thể tiếp tục mua ròng ngoại tệ và bơm tiền đồng với khối lượng lớn ra nền kinh tế, do lo ngại vi phạm các tiêu chí có thể khiến Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, theo đó cũng sẽ không còn hỗ trợ thanh khoản tiền đồng mạnh mẽ cho các ngân hàng như đã từng diễn ra trong những tháng đầu năm nay.
Sự chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn có thể sẽ tiếp tục bị khoét sâu thêm nếu như tín dụng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và các nhà băng không có những giải pháp tăng cường huy động vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận