Áp lực kép khiến trung tâm thương mại phải thay đổi mô hình vận hành
Ít ai biết được rằng bất chấp xu thế bùng nổ của thương mại điện tử (eCommerce), các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại vẫn giữ được ưu thế về thị phần, ngay cả ở các nền kinh tế hàng đầu.
Đơn cử như tại Mỹ, tỉ lệ hàng bán trực tuyến trên tổng doanh thu bán lẻ ghi nhận ở mức 20% vào năm 2020. Ở Trung Quốc, con số này là 27%. Có thể thấy trong nhiều năm nữa, vai trò của các cửa hàng vật lý tuy có giảm nhưng cơ bản vẫn giữ được ưu thế nếu có chiến lược hợp lý.
Ở Việt Nam, sau thời gian dài ngủ đông vì các lệnh giãn cách trong dịch bệnh COVID-19, các trung tâm thương mại đang tìm cách quay trở lại trạng thái bình thường. Sau hơn 4 tháng tạm đóng cửa để phòng chống dịch, mấy ngày đầu mở cửa, lượng khách đến trung tâm thương mại tại TP.HCM mua sắm không nhiều, nhiều cửa hàng vắng vẻ. Tình hình này tiếp tục gây áp lực cho các trung tâm thương mại khi các đối thủ eCommerce đã tận dụng cơ hội giãn cách xã hội vừa qua để mở rộng.
Khảo sát của YoGov xuất bản vào tháng 6/2021 đánh giá sự chuyển biến của hành vi khách hàng trong đợt dịch bệnh bùng phát cho thấy, 65% khách hàng có tần suất mua sắm trực tiếp từ vài lần/ngày, 1 lần/ngày, vài lần/tuần, 1 lần/tuần cho đến vài lần/tháng. Kênh mua sắm không chỉ dừng lại ở những sàn thương mại tập trung lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo nữa, mà còn những hình thức mua sắm trực tuyến tự phát triển theo các nhãn hãng như nhóm mỹ phẩm Sociolla, Watsons, The Body Shop, Kiehl’s... với các chức năng hoàn thiện tương tự; hoặc nhóm F&B có Pizza 4P’s, Yen Sushi & Sake Pub, The Pizza Company, Otoké Chicken...; hay Fahasa (bán sách). Khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm trực tuyến theo sở thích và sự thuận tiện của mình nhiều hơn.
Cạnh tranh trong mua sắm bán lẻ trực tuyến vì vậy cũng sâu sắc hơn và đòi hỏi các nhà bán hàng trực tuyến triển khai combo khuyến mãi và chương trình chăm sóc khách hàng chu đáo hơn để giữ được lượng khách hàng trung thành. Xu hướng thanh toán trả trước bằng ví điện tử hoặc thẻ, không dùng tiền mặt cũng trở nên phổ biến hơn, với 51% người tiêu dùng ở Việt Nam đã chuyển từ thanh toán tiền mặt khi nhận hàng sang hình thức thanh toán trả trước kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Thị phần của eCommerce trên tổng mức bán lẻ đạt khoảng 9% và do đó vẫn còn dư địa gia tăng thêm đáng kể.
Dưới tác động của dịch bệnh và bán lẻ trực tuyến sống động hơn, vai trò của trung tâm thương mại cũng như các siêu thị bán lẻ đã thay đổi. Tuy nhiên, vai trò của trung tâm thương mại tại Việt Nam vẫn khá quan trọng. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định: “Nhu cầu đi lại mua sắm của người tiêu dùng vẫn rất lớn. Bán lẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hóa mà còn là cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đơn cử như những trải nghiệm về ẩm thực, giải trí hoặc thư giãn. Khách hàng sẽ mua sắm trực tuyến nhưng song song đó, họ vẫn tới các trung tâm thương mại một khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận