Áp lực giải ngân vốn đầu tư công còn lại là vô cùng lớn
“Giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt được kết quả vượt trội, nhưng áp lực những tháng cuối năm là vô cùng lớn”, TS.Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành IV, Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Làm thế nào để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận khi cho ý kiến về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Phiên họp thứ 49, khai mạc đầu tuần này. “Giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt được kết quả vượt trội, nhưng áp lực của những tháng cuối năm là vô cùng lớn”, TS. Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành IV, Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Không phải năm nay, mà từ năm 2016 đến nay, năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng “thúc” giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhưng không năm nào hoàn thành kế hoạch. Theo ông, vì sao giải ngân vốn đầu tư công năm nay lại đạt kết quả vượt trội?
Vốn đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng, mà còn giải quyết đời sống cho hàng triệu người. Vốn đầu tư công vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực, cả trực tiếp lẫn gián tiếp liên quan đến đầu tư công.
Chính vì vậy, những năm gần đây, ngay những tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng thực tế, kết quả đạt được cao nhất cũng chỉ khoảng 90%.
Nguyên nhân là phải đến năm 2015 mới có Luật Đầu tư công và kể từ năm 2016 mới thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Những năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa quen với cơ chế mới, quy trình mới, chính sách mới.
Hơn nữa, cơ chế, chính sách, quy trình mới có những quy định chưa phù hợp với thực tế, chưa tương đồng với các quy định pháp luật hiện hành, nên cần phải có thời gian sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, dẫn đến thế tốc độ giải ngân không đạt được như mong muốn.
Còn năm nay, Luật Đầu tư công (sửa đổi), các văn bản quy phạm liên quan đến đầu tư, xây dựng, giám sát đầu tư, quản lý sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi… đã khắc phục được rất nhiều hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, nên tiến độ giải ngân trong 9 tháng đầu năm đã có khởi sắc. Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ giải ngân chỉ bắt đầu khởi sắc từ giữa quý II và tăng tốc từ đầu quý III, còn trước đó vẫn… ì ạch như mọi năm.
Ít có năm nào mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đầu tư công như năm nay. Phải chăng, ngoài nguyên nhân đã hoàn thiện cơ chế, chính sách, thì sự quyết tâm cao độ của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến này, thưa ông?
Đúng là năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đẩy nhanh vốn đầu tư công, một phần vì năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nên phải tập trung hoàn thành. Bởi theo Luật Đầu tư công, chỉ những dự án đặc biệt mới được phép kéo dài đến ngày 31/12/2021; nếu không hoàn thành, không giải ngân hết kế hoạch vốn, thì phải dừng lại, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025.
Nhưng quan trọng hơn, năm 2020, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân đều cầm chừng, thậm chí đứt gãy, gián đoạn. Vì vậy, muốn nền kinh tế không rơi vào suy thoái, buộc phải đẩy mạnh đầu tư từ khu vực nhà nước. Bởi đầu tư từ khu vực nhà nước không chỉ nhằm thực hiện chính sách công, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là động lực kéo các nguồn lực khác đầu tư, qua đó giải quyết những khó khăn trước mắt.
Do vậy, năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến giải ngân đầu tư công. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là Nghị quyết 84/NQ-CP (ngày 29/5/2020). Đích thân Thủ tướng Chính phủ không chỉ gửi nhiều công văn đến lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành yêu cầu xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020, mà còn trực tiếp chỉ đạo 2 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương; trực tiếp dẫn đầu 1 trong 7 đoàn công tác xuống tận địa phương để nắm bắt khó khăn, vướng mắc.
Sự chỉ đạo quyết liệt này đã gặt hái được thành công nhất định, song để hoàn thành kế hoạch, những tháng cuối năm còn rất nhiều áp lực.
Vướng mắc, khó khăn đã được gỡ, quyết tâm “có thừa”, tiến độ giải ngân đã vào guồng, vậy còn áp lực nào nữa?
Như tôi nói, thực ra tiến độ giải ngân mới thực sự được đẩy mạnh kể từ đầu quý III, nên đến hết tháng 9 mới hoàn thành được hơn 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; so với kế hoạch Quốc hội giao, mới hoàn thành khoảng 50% kế hoạch (535.576 tỷ đồng); còn nếu tính cả nguồn vốn các năm trước chuyển sang (97.017 tỷ đồng) phải giải ngân hết trong năm nay, thì kết quả đạt được còn thấp hơn rất nhiều.
Chính vì vậy, áp lực giải ngân trong 4 tháng còn lại của kế hoạch giải ngân năm 2020 (đến hết tháng 1/2021) là vô cùng lớn, nhất là phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, bao gồm nguồn vốn các năm trước chuyển sang theo tinh thần Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Để tránh tình trạng chậm trễ giải ngân, Nghị quyết 84/NQ-CP yêu cầu cắt giảm, điều chuyển vốn của bộ, ngành, địa phương nào mà đến ngày 30/9/2020 mới giải ngân đạt dưới 60% kế hoạch. Ông có đồng ý với việc cắt giảm vốn không, vì theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện còn rất nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân chưa đạt tỷ lệ này, trong đó có 12 bộ, ngành, địa phương giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch?
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay nhiều khả năng chỉ đạt khoảng 2%, thay vì 6,7% như mục tiêu đặt ra, thì dứt khoát phải thực hiện giải pháp mạnh tay này trên tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là “ai không làm thì để người khác làm”, “ai không muốn làm, thì đứng sang một bên”.
Cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công đối với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án là giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, nếu “nương tay”, sẽ dẫn tới tiền lệ là nếu không hoàn thành thì cũng sẽ được “châm chước”.
Nhưng trên thực tế, nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ do liên quan đến dự án khác. Ví dụ, dự án nạo vét lòng sông bị chậm tiến độ, thì dự án làm đường 2 bên bờ sông không thể hoàn thành tiến độ. Nếu cắt giảm nguồn vốn sẽ không công bằng, thưa ông?
Tất nhiên, phải xem xét từng dự án cụ thể, chứ không phải nói cắt là cứ “thẳng mực tàu” cắt vốn với những bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án không đạt mức giải ngân tối thiểu bằng 60% kế hoạch.
Trong những trường hợp cụ thể này, nếu chưa đạt 60% kế hoạch, chủ đầu tư phải cam kết đến hết thời hạn giải ngân (ngày 31/1/2021) phải hoàn thành kế hoạch. Đây là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Còn nếu chủ đầu tư nào không dám cam kết, thì dứt khoát cắt giảm vốn, điều chuyển vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận