Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở lại vào năm 2024
Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ trở lại vào năm 2024 với tổng giá trị 297.006 tỷ đồng và chủ yếu đến từ nhóm bất động sản là 126.637 tỷ đồng, chiếm 42% giá trị trái phiếu đến hạn.
Định hướng ủng hộ tăng trưởng
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam so với GDP đến cuối quý 2/2023 đạt mức 11%, cao hơn Philippines (7%) và Indonesia (2%); nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Thái Lan (27%), Singapore (27%), Malaysia (54%) và thấp hơn so với giai đoạn đỉnh điểm phát triển TPDN năm 2021 là 15%.
Tính đến cuối tháng 9/2023 dư nợ TPDN đạt 9,6% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, giảm nhiều so với thời điểm cuối năm 2022 là 11,9% và 2021 là 15,1% do hoạt động mua lại trước hạn và phát hành chậm hơn.
Sau hai quý đầu năm khá ảm đạm, giai đoạn quý 3/2023 thị trường TPDN đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Có thể thấy, chủ trương của Việt Nam vẫn là định hướng thị trường TPDN trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, còn ngân hàng sẽ là nơi cung ứng vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp với những hoạt động sản xuất kinh doanh ngắn hạn.
Đó cũng là lý do vì sao giai đoạn từ năm 2018-2021, quy mô thị trường TPDN đã tăng khá mạnh, nhưng do ở giai đoạn đầu còn nhiều vấn đề bất cập, nên chúng ta cần phải đi chậm lại để chắc hơn, dẫn đến sự co hẹp về quy mô trong 2 năm trở lại đây.
Theo quan điểm của chúng tôi, khi nhìn vào định hướng của Chính phủ thì thị trường trái phiếu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, vì hiện mới chỉ chiếm khoảng 11% GDP ở thời điểm quý 2/2023 và trong thời gian tới chắc chắn quy mô này sẽ tiếp tục tăng lên.
Sôi động từ quý III
Từ quý III/2023, thị trường TPDN bắt đầu sôi động hơn cùng với hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ HNX đi vào hoạt động. Lũy kế 10 tháng năm 2023 ghi nhận giá trị phát hành đạt 214.000 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó 192.000 tỷ đồng phát hành riêng lẻ và 22.000 tỷ đồng phát hành qua kênh chào bán công chúng.
Xu hướng phát hành đại chúng đã tăng trưởng mạnh với giá trị phát hành tăng gần gấp đôi cùng kỳ, trong khi phát hành riêng lẻ giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước trước những quy định mới trên thị trường trái phiếu.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, cơ cấu phát hành TPDN tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng và bất động sản. Riêng với ngân hàng, những năm gần đây khu vực này chịu áp lực về việc vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, khiến họ có nhu cầu gia tăng nguồn vốn khá mạnh. Vì vậy, xu hướng phát hành trái phiếu của các ngân hàng vẫn sẽ duy trì tiếp trong năm sau.
Ngoài ra, ngành dịch vụ tài chính có các công ty chứng khoán cũng có nhu cầu tăng vốn, vì thị trường tài chính cụ thể là thị trường chứng khoán có quy mô ngày càng tăng, nhìn vào số lượng tài khoản mở mới sẽ thấy nhu cầu vốn dành cho thị trường này khá cao.
Lãi suất phát hành neo cao
Về xu hướng lãi suất, ở khu vực ngân hàng bắt đầu giảm đáng kể từ quý 2, quý 3/2023 và bắt đầu từ quý 4 đã liên tục giảm mạnh. Tuy nhiên, lãi suất phát hành TPDN thì không giảm tương đương, bởi vì sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu vẫn chưa quay trở lại. Đây là một trong những lý do lớn khiến lãi suất phát hành trái phiếu đang duy trì ở mức cao.
Năm 2024, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản là lớn nhất, chúng ta cần tiếp tục theo dõi tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong nhóm này xem có đủ khả năng để trả nợ trong xu hướng tiếp theo không
Trong đó, nhóm ngành bất động sản có lãi suất phát hành cao nhất, đồng thời ngành du lịch giải trí cũng có lãi suất phát hành cao hơn so với 2 năm trước. Chỉ riêng nhóm ngân hàng có lãi suất bình quân giảm so với năm trước, bởi vì họ vẫn còn có nguồn huy động vốn từ dân cư.
Nhìn vào kỳ hạn phát hành trái phiếu trong 10 tháng vừa qua, xu hướng tăng ở hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên giá trị phát hành lại tập trung chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 1- 3 năm chiếm 36% so với năm 2021 là 21% và 2022 là 30%; kỳ hạn 3 - 5 năm sụt giảm đáng kể còn 19%, trong khi năm 2021-2022 chiếm tới 44% và 35% tổng giá trị phát hành.
Chúng tôi đánh giá, lãi suất phát hành ở mức cao và thị trường TPDN chưa hồi phục hoàn toàn là những yếu tố khiến kỳ hạn ngắn được lựa chọn nhiều hơn.
Có thể thấy, phát hành là một chuyện, nhưng câu chuyện mua lại trái phiếu cũng là yếu tố rất nổi bật từ năm 2022 đến nay, khi thị trường trái phiếu có nhiều lùm xùm. Mặt khác, các doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn cũng có nhu cầu mua lại TPDN, chủ yếu xuất phát từ nhóm ngân hàng.
Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ khoảng 7% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11%. Như vậy ở giai đoạn trước, việc giải ngân vốn đầu tư rất dồi dào đi theo xu hướng của thị trường, thì đến giai đoạn này việc giải ngân không được như kỳ vọng, từ đó gây ra hậu quả là các ngân hàng thừa thanh khoản rất nhiều, khiến họ có động thái mua trở lại trái phiếu trước hạn.
Trong quý III/2023, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 48.261 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hầu hết đều là trái phiếu thuộc nhóm ngân hàng (27.147 tỷ đồng) chiếm 56% tổng giá trị mua lại; nhóm xây dựng và bất động sản lần lượt đứng sau với 5.532 tỷ đồng tương đương 11,5% và 3.481 tỷ đồng tương đương 7,2%.
Có một số ý kiến cho rằng các ngân hàng mua lại trái phiếu sau đó phát hành mới thêm những kỳ hạn dài hơn, tuy nhiên bức tranh này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Áp lực đáo hạn quay trở lại từ năm sau
Về áp lực trái phiếu đáo hạn trong quý IV/2023 là không quá lớn, với 57.286 tỷ đồng trong đó nhóm bất động sản chiếm 46,7%. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 lại đang đè nặng với tổng giá trị 297.006 tỷ đồng và chủ yếu đến từ nhóm bất động sản là 126.637 tỷ đồng chiếm 42% giá trị trái phiếu đến hạn.
Như vậy, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản là lớn nhất, chúng ta cần tiếp tục theo dõi tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong nhóm này xem có đủ khả năng để trả nợ trong xu hướng tiếp theo không, hay vẫn phải có bài toán liên quan đến giãn nợ. Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đàm phán với các trái chủ cho gian hạn trả nợ đến khoảng năm 2025-2026 sắp tới.
Chúng tôi đánh giá áp lực trong quý IV này không quá đè nặng, nhưng câu chuyện sẽ trở nên nặng nề hơn từ năm sau. Và chắc chắn chúng ta sẽ có biện pháp nào đó để thoát ra khỏi khó khăn này, vì bất động sản vẫn là nhóm ngành chiếm tỉ trọng khá lớn trong nền kinh tế.
Liên quan đến thị trường thứ cấp trở nên sôi động hơn kể từ khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ hoạt động. Trong tháng 10/2023, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên thị trường thứ cấp đạt 29,29 nghìn tỷ đồng; bình quân khối lượng giao dịch đạt hơn 4,66 triệu trái phiếu/phiên; giá trị giao dịch đạt hơn 1.330,47 tỷ đồng trên một phiên, gấp 2,5 lần so với tháng 9.
Nhìn chung, sau những nỗ lực từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có động thái hỗ trợ cho thị trường bất động sản thì thị trường TPDN trong 10 tháng 2023 đã có dấu hiệu ấm dần trở lại từ quý 3 vừa qua và quý 4 này sẽ vẫn duy trì sự tích cực. Còn trong năm 2024 sẽ cần phải xem xét thêm một số Thông tư, Nghị định hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu ra sao.
Chúng tôi cho rằng, đầu năm 2024 thị trường vẫn cần phải theo dõi thêm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, từ đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho thị trường TPDN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận