24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Áp lực của Fed khi thoát khỏi chính sách nới lỏng

Đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh nhất trong lịch sử đã là một khó khăn vô cùng lớn. Thế nhưng việc thoát khỏi chính sách siêu nới lỏng này cũng không hề dễ dàng.

Con đường gập ghềnh

Theo kế hoạch, đầu tiên Fed sẽ thu hẹp và tiến tới chấm dứt hoàn toàn chương trình mua trái phiếu mà họ đang tiến hành với quy mô 120 tỷ USD/tháng hiện nay. Sau đó, Fed sẽ tìm thời điểm thích hợp để tăng lãi suất ngắn hạn khỏi mức gần bằng 0 - mức mà Fed đã duy trì suốt từ tháng 3/2020 đến nay để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch.

Lãi suất thấp luôn khiến các quan chức Fed lo ngại là họ sẽ có ít dư địa để nới lỏng chính sách trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, việc đưa lãi suất trở lại mức bình thường đã không kết thúc tốt đẹp đối với Fed trong lần gần đây là giai đoạn năm 2015-2018 khi họ đã phải dừng lại vào giữa chu kỳ do nền kinh tế đảo chiều đi xuống.

Khó khăn đối với Fed không chỉ là việc xoay chuyển các chính sách nới lỏng mạnh nhất từ trước đến nay, mà còn phải thực hiện một cách chính xác và làm sao để không xảy ra bất kỳ vấn đề gì trong quá trình này.

“Mọi thay đổi của Fed trong chính sách tiền tệ đều quan trọng”, Priya Misra – Trưởng bộ phận chiến lược lãi suất toàn cầu của TD Securities cho biết. “Nhưng tôi nghĩ điều đó đặc biệt có ý nghĩa hơn trong thời điểm hiện tại vì chúng tôi biết rằng tăng trưởng đang chậm lại và Fed đang cố gắng thoát ra”.

Quả vậy, mặc dù kinh tế Mỹ vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau khi suy giảm 3,5% trong năm ngoái vì đại dịch. Nhưng sự phục hồi dường như đang bị đình trệ. Ngay cả các quan chức Fed cũng cho rằng, tăng trưởng sẽ chậm hơn đáng kể trong những năm tới khi mà cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ được thắt chặt hơn.

“Họ có đang thoát ra đúng nơi không? Họ có đang thoát ra đúng lúc, đúng độ lớn không? Với sự chậm lại của nền kinh tế, chúng tôi có những câu hỏi về cả hai vấn đề này”, Misra nói. Hiện các nhà đầu tư trên thị trường đang đặt cược cơ hội là Fed chỉ có thể tăng lãi suất một vài lần lên có thể là 1,25%; sau đó, Fed sẽ phải dừng lại khi tăng trưởng chững lại.

Ngoài ra thông điệp từ Fed cũng vô cùng quan trọng để tránh các cú sốc cho thị trường. “Vào năm 2013, Fed đã mắc sai lầm trong truyền thông về việc thu lại chính sách nới lỏng”, Deepak Puri - Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ của Deutsche Bank Wealth cho biết.

Tuy nhiên, Misra của TD Securities tin tưởng, Fed hiểu rất rõ bài học này. “Họ đang làm tốt công việc có nghĩa là họ đang thực sự cố gắng để không gây bất ngờ cho thị trường. Điều đó tránh được sai lầm mà họ đã mắc phải vào năm 2013. Đó là một điều tích cực”, Shawn Snyder - Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của Citi US Consumer Wealth Management cho biết.

Rủi ro Covid và áp lực chính trị

Đặc biệt theo các chuyên gia, Fed đang ở vào một tình thế rất khó khăn do sự bùng phát và lan rộng của biến thể delta đang đe dọa sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, một số chủ tịch Fed khu vực đã tuyên bố là virus này dường như ít ảnh hưởng đến tăng trưởng và hiện không ảnh hưởng nặng nề đến các dự báo kinh tế của họ. “Người tiêu dùng và doanh nghiệp đang trở nên thích nghi hơn, linh hoạt hơn và tôi nghĩ rằng mọi người đang mong đợi rằng (virus) sẽ được kiểm soát”, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan - một trong những người ủng hộ việc sớm loại bỏ chính sách nới lỏng cho biết.

Sự đồng thuận không chính thức hiện nay trên thị trường là Fed bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản trước thời điểm cuối năm nay và sẽ kết thúc quá trình này trong 8 đến 10 tháng. Sau đó, Fed sẽ đánh giá diễn biến hiện tại trên tất cả các phương diện trước khi tăng lãi suất.

Vấn đề càng trở nên phức tạp đối với Powell là một số áp lực chính trị đến từ bên trong và bên ngoài Fed. Phe “diều hâu” đang lên từ các Chủ tịch Fed khu vực như Kaplan và James Bullard tại Fed St. Louis đang đụng độ với các thành viên ôn hòa hơn như Thống đốc Lael Brainard và Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly.

Trên hết là Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ mãn nhiệm vào tháng 2/2022, trong khi hiện Tổng thống Joe Biden vẫn chưa công bố ứng cử viên của mình. Bản thân ông Powell cũng rất thấm tâm lý muốn giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế sau kinh nghiệm của ông với cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng ở một mức độ nào đó, ông sẽ vẫn phải cố gắng dung hòa để giữ sự đồng thuận của Fed khi điều kiện kinh tế và đại dịch thay đổi.

“Mối lo cho cả Fed và nền kinh tế là nguy cơ áp dụng áp lực chính trị để đạt được kết quả mà người ta mong muốn và do đó làm suy yếu tính độc lập của Fed”, cựu Chủ tịch Fed Philadelphia Charles Plosser nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC. “Powell đang ở một vị thế nhạy cảm”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả