Áp lực chính là cơ hội
Năm 2020, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) dự báo tiếp tục mang lại cho Việt Nam những lợi thế về xuất khẩu (XK), thu hút đầu tư. Nhưng, để tận dụng được cơ hội đó, rất cần sự chủ động từ doanh nghiệp (DN). Đó là khẳng định của Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh với phóng viên Báo Công Thương.
Thực thi các FTA sẽ tiếp tục mở ra cho cộng đồng DN cơ hội như thế nào, thưa ông?
Hiện Việt Nam có 16 FTA được ký kết, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực. Đặc biệt, trong số các FTA đã ký kết, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Việc thực thi hai FTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại thông qua các cam kết cắt giảm thuế quan và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, nhờ các cam kết cao và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, CPTPP và EVFTA có thể đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, các DN trong nước cần làm gì để khai thác các cơ hội từ các FTA, thưa ông?
Thực tế cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế mở, trong bối cảnh hiện nay, rủi ro bên ngoài rất nhiều. Trong khi đó, nội tại, thể lực của kinh tế Việt Nam có tốt lên, nhưng cũng có nhiều vấn đề còn tồn tại. Thực thi các FTA cũng khiến DN Việt Nam phải đối mặt với thách thức khi hàng hóa bị cạnh tranh ngay trên sân nhà, trong đó, lĩnh vực phải chịu tổn thương lớn là nông nghiệp.
Song áp lực đó sẽ là cơ hội để DN, nông dân trong nước tái cơ cấu sản xuất, tăng cường liên kết để phát triển. Như vậy, có thể nói FTA đã mở ra cho DN, nhà sản xuất một sân chơi rộng hơn, song muốn tận dụng được cơ hội phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường... Ngoài ra, DN cần hiểu rằng, trong cạnh tranh sẽ có thắng, thua, có DN ở lại, DN ra đi. Tuy nhiên, ra đi không hẳn là "chết" mà để tìm đến một sân chơi khác, phù hợp hơn.
Đàm phán nhanh, ký kết sớm các FTA đã đưa Việt Nam trở thành một trong những tâm điểm thu hút đầu tư của thế giới, có cơ hội nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Đàm phán nhanh và ký kết sớm các FTA cũng là một trong những yếu tố đem đến cho Việt Nam một sức bật mới, giữ mức tăng trưởng thu hút đầu tư trong bối cảnh xu hướng thế giới đang chậm lại.
Song để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, nhà nước cần tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật thu hút FDI, nhất là đối với lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ DN khởi nghiệp, tăng cường phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo cơ hội cho DN FDI liên kết với DN trong nước thúc đẩy DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2019, các FTA đã giúp Việt Nam đạt kỷ lục mới trong xuất, nhập khẩu với kim ngạch 517 tỷ USD, tăng gần 100 tỷ USD so với năm trước. Năm 2020, dự báo các FTA vẫn đem lại cơ hội XK cho hàng hóa trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận