Áp lực chi phí nhiên liệu đè nặng, đà hồi phục ngành hàng không gặp nhiều thách thức
Trước những áp lực về chi phí nhiên liệu tăng cao, con đường hồi phục của các doanh nghiệp trong ngành hàng không đang vấp phải trở ngại lớn.
Các hãng hàng không đang rơi vào tình cảnh khó khăn do ảnh hưởng kép của giá nhiên liêu tăng cao đột biến và dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn tiếp diễn.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, chi phí nhiên liệu là thành phần chi phí lớn nhất của các hãng hàng không tại Việt Nam, lần lượt chiếm 29% và 43% tổng chi phí bình quân của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet trong giai đoạn 2015 - 2019. Giá nhiên liệu máy bay trong báo cáo tháng 1/2022 của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dựa trên giá dầu Brent là 86 USD/thùng. Tuy nhiên, do xung đột Ukraine - Nga, giá dầu Brent đã tăng lên 95 USD/thùng vào giữa tháng 2/2022 và 124 USD/thùng vào ngày 8/3/2022, đẩy giá dầu trung bình tính từ đầu năm tính đến ngày 8/3/2022 lên 93 USD/thùng, tăng vọt so với giả định trung bình năm 2022 là 70 USD/thùng được VCSC đưa ra trước đó.
“Chi phí nhiên liệu cao hơn có thể gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng hàng không”, VCSC nhận định.
Giám đốc Tiếp thị truyền thông Hãng hàng không Vietravel Airlines Nguyễn Vũ Hoàng cho biết, thời điểm ngày 15/3/2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã lên mức 168,5 USD/thùng, tức gần gấp đôi giá nhiên liệu theo kế hoạch hãng đặt ra.
Với mức giá trên, theo ông Hoàng, chi phí nhiên liệu của hãng đã đội lên thêm 9-10 tỷ đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 25% so với trung bình các tháng trước.
Vietnam Airlines vừa có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng áp dụng chính sách miễn thuế môi trường với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần hàng không cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.
Hiện tại, dòng tiền của các hãng hàng không đang gặp khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch. Nếu không có sự hỗ trợ, giải cứu của Nhà nước, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động...
Airlines kiến nghị Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tín dụng/bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3 - 5 năm.
Vietravel Airlines cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (từ mức 7% hiện nay); đồng thời, điều chỉnh giảm thuế môi trường với xăng dầu về 1.000 đồng/lít. Thời gian áp dụng kiến nghị từ nay cho đến hết năm 2022.
“Các hãng hàng không Việt Nam vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch đầy khó khăn, chưa kịp phục hồi; trong khi đó chi phí phát sinh do khôi phục lại thị trường và phòng, chống dịch giờ lại phát sinh chi phí xăng dầu tăng, đây rõ ràng là thách thức với các hãng bay,” ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA) phân tích.
Đối mặt với nhiều khó khăn, năm 2021, Vietnam Airlines báo lỗ 13.337 tỷ đồng. Trong khi Vietravel Airlines vẫn thua lỗ kể từ khi cất cánh đến nay. Riêng Vietjet báo lãi 100 tỷ đồng trong năm qua, tăng 46% so với năm 2020 nhờ tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay và giảm chi phí thuê tàu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận