menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Áp lực cạnh tranh mở lối cho ngành sữa

Hồi giữa năm vừa qua, Coca Cola đã chính thức nhảy vào lĩnh vực sữa trên thị trường Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên trên toàn cầu được Coca Cola chọn ra mắt sản phẩm này. Đó chỉ là một trong số các tín hiệu cho thấy ngành sữa trong nước vẫn đầy tiềm năng. Tuy nhiên đi cùng với đó là áp lực cạnh tranh từ nhiều bề.

Áp lực cạnh tranh tăng lên

Việc đại gia Mỹ này tham gia vào thị trường sữa sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh lên các công ty Việt Nam, bởi Coca-Cola là DN FDI lâu năm, có thương hiệu mạnh và nguồn lực dồi dào để cạnh tranh, thậm chí với cả người đang dẫn đầu thị trường sữa hiện nay là Vinamilk.

Theo các DN sữa trong nước, đây cũng là kịch bản đã được dự báo từ trước. Trong bối cảnh mở cửa hội nhập, không chỉ Coca Cola mà có thể có nhiều đối thủ khác sẽ gia nhập thị trường. Vấn đề là DN nội làm thế nào để cạnh tranh tốt. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hà Nội Milk cũng cho rằng sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các công ty sữa nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên các DN này có lợi thế ở mảng sữa bột công thức, còn mảng sữa chua và sữa thanh trùng thì bị hạn chế vì sản phẩm phải bảo quản mát, thời gian vận chuyển dài, chi phí cao. Đây là cơ hội cho các công ty sữa trong nước.

Bên cạnh đó, từ đầu năm nay khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, ngành sữa đã tiếp tục phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn về giá. Thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản cắt giảm xuống còn 0% khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá.

Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cảnh báo, trong các năm tới, do thuế giảm, kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Đây là kịch bản đã và sẽ diễn ra đối với nhiều ngành hàng tiêu dùng chứ không riêng gì ngành sữa. Khi đó người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ hơn, song các DN sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt. Thậm chí nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, rất có thể các DN sữa nội địa sẽ mất dần thị phần.

BVSC mới đây cũng vừa công bố báo cáo nhận định, EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, các DN sữa nội địa gần như không được hưởng lợi gì từ việc này do EU vẫn chưa cấp phép nhập khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam. Thêm vào đó, việc EVFTA có hiệu lực còn tạo sức ép cạnh tranh lên các DN sữa của Việt Nam do phải cạnh tranh với sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU vốn có ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng và độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

BVSC cũng cho biết các sản phẩm sữa mà Việt Nam nhập khẩu khá nhiều từ EU gồm sữa whey và các biến thể, bơ, pho mát, sữa bột và kem dạng bột. Tuy nhiên hiện nay các sản phẩm này đang chiếm tỉ trọng nhỏ trong tiêu thụ ở thị trường Việt Nam nên cuộc chiến đó sẽ còn nhiều ẩn số.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2010 - 2018, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 7,2 tỷ USD các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm người tiêu dùng bỏ ra 890 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa là 266 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, thị trường nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam chủ yếu từ các nước New Zealand, EU và một số nước khác như Singapore, Thái Lan, Australia, Đức, Mỹ, Pháp.

Mở lối xuất khẩu

Trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các DN sữa trong nước đang gấp rút tính tới phương án đẩy mạnh xuất khẩu. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khoảng trung tuần tháng 10/2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thực tế là hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đã có từ lâu, song hoàn toàn thực hiện qua đường tiểu ngạch. Vì vậy đây sẽ là chuyến hàng mở đường để xuất khẩu bền vững hơn sang thị trường lớn hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho hay, ngày 26/4/2019 Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, chính là văn bản tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Với thị trường Trung Quốc, các DN Việt Nam đang tiếp cận ở hai phân khúc là mặt hàng cao cấp dành cho người thu nhập cao, và hàng bình dân. Cả hai phân khúc này, mức giá mà các DN sữa Việt Nam chào hàng đều rất cạnh tranh. “Mới đây, qua khảo sát một DN chuẩn bị xuất khẩu, chúng tôi ghi nhận người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao sự an toàn, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hương vị với các dạng sữa lỏng, sữa chua…”, ông Toản cho hay.

Thách thức lớn trên thị trường Trung Quốc hiện nay là sữa của Úc và New Zealand đang chiếm thị phần lớn. Do đó, sữa của Việt Nam vào Trung Quốc có triển vọng nhưng sẽ gặp phải cạnh tranh khá gay gắt từ những thương hiệu đi trước.

Ông Toản cũng cho rằng, trong tương lai khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm sữa, sản phẩm chế biến từ sữa của Việt Nam cũng còn dư địa rất lớn. Việt Nam đã xuất khẩu sữa tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%. Tuy nhiên xét về kim ngạch nhập khẩu, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) mới là những thị trường hàng đầu thế giới. Mỗi năm quốc gia này nhập khoảng 5 tỷ USD sữa và sản phẩm từ sữa, chiếm 18,3% tổng sữa nhập khẩu trên thế giới.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người tăng liên tục. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của nước này hiện chỉ đủ đáp ứng 75% nhu cầu trên thị trường.

Ngoài ra, trong khu vực ASEAN thì Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đều là nước có nhu cầu nhập khẩu sữa với giá trị rất lớn, khoảng 500 - 600 triệu USD/năm. Dựa trên lợi thế so sánh về ưu thế sản xuất, thương mại, ngành sữa Việt Nam có thể xác định các thị trường quốc tế mục tiêu là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Bên cạnh đó là các thị trường tiềm năng như Ả rập Saudi và Nga.

Không chỉ xuất khẩu sản phẩm, nhận thấy những khoảng trống lớn từ thị trường, Vinamilk và TH true Milk cũng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực này. Trong đó Vinamilk đầu tư sang Mỹ, New Zealand, Campuchia, Ba Lan, Lào, Myanmar và đang tìm kiếm, mở rộng thị trường sang EU, châu Phi và Nam Mỹ; TH true Milk đầu tư dự án khoảng 2,7 tỷ USD sang Nga để chăn nuôi, chế biến sữa…

Bộ NN&PTNT khuyến nghị, để mở rộng thị trường xuất khẩu sữa, trước mắt các DN nói riêng và ngành sữa nói chung cần ưu tiên phát triển sản phẩm sữa chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường hàng đầu thế giới (Trung Quốc) theo tinh thần nghị định thư. Đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm đáp ứng thị trường tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả