Áp giá sàn vé máy bay – Chơi như thế không đẹp
Covid-19 khiến xã hội như cơ thể trải qua cơn bạo bệnh, rất cần những chính sách an dân và kích cầu để khôi phục, phát triển kinh tế. Việc áp giá sàn vé máy bay, thực chất là nâng giá, sẽ đi ngược lại mục tiêu này.
Việc áp giá sàn đối với vé máy bay do Cục Hàng không nêu ra trong dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 vốn đã gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận, mới đây lại dấy lên những tranh luận tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng 27/9.
Báo chí đưa tin, trong khi các chuyên gia đánh giá đề xuất áp giá sàn vé máy bay là không phù hợp, thiếu công bằng thì Chủ tịch Vietnam Airlines cho rằng, việc đưa ra mức giá vé máy bay không quá thấp là để bảo đảm an toàn hàng không. Dư luận đều hiểu, việc người đứng đầu Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lấy yếu tố an toàn để cố bảo vệ cho việc áp giá sàn là nhằm triệt tiêu sự cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ.
Ai cũng biết, với sự ra đời của một số hãng hàng không tư nhân ở Việt Nam, trong đó có những hãng hàng không giá rẻ, đã tạo rất nhiều cơ hội cho người dân ở tầng lớp bình dân được đi máy bay, nhưng cũng lấy đi không ít thị phần nội địa vốn là độc quyền của Vietnam Airlines trước đó. Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã ảnh hưởng cực kỳ nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt là hai lĩnh vực hàng không và du lịch. Do đó, các hãng hàng không giá cao lo sợ khi giãn cách được nới lỏng, thị trường từng bước mở cửa trở lại, nếu không áp giá sàn, họ sẽ bị các hãng hàng không giá rẻ cạnh tranh càng quyết liệt hơn. Doanh nghiệp nào cũng muốn bảo vệ tối đa lợi ích của mình, đó là điều dễ hiểu. Vấn đề quan trọng ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có thái độ và cách hành xử công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt là Nhà nước hay tư nhân; tôn trọng thị trường; và quan trọng nhất là phải thượng tôn pháp luật.
Vậy, thực chất và hậu quả của việc áp giá sàn nếu được thông qua này là thế nào?
Đã có nhiều chuyên gia, ý kiến trên cơ sở pháp lý, khoa học, lý luận và thực tiễn phân tích về sự không phù hợp của dự thảo quy định áp giá sàn vé máy bay. Trong bài viết này, tôi chỉ xin đưa ra một số ví dụ, so sánh cụ thể để chứng minh cho sự bất hợp lý của đề xuất trên.
Không thể áp giá que kem = máy tính bảng
Một điều đến đứa trẻ con cũng nhận thức được là trên thị trường, hàng hóa được bán ra với những mức giá khác nhau. Đứa trẻ biết rằng nó không thể lấy giá của que kem để mua một chiếc máy tính bảng về học online được. Ngay trong cùng chủng loại hàng hóa, thì phẩm cấp, chất lượng khác nhau cũng dẫn đến giá cả khác nhau. Một bà nhặt ve chai không thể lấy giá chiếc điện thoại cùi để nua chiếc Iphone X; nhưng ngược lại, Nhà nước cũng không thể bắt bà phải mua chiếc điện thoại cùi (vì bà chỉ cần đến loại như thế) với giá của một chiếc Iphone X được.
Ấy vậy mà dự thảo thông tư của Cục Hàng không với quy định áp giá sàn vé máy bay lại đang tính làm chính chuyện như thế.
Các hãng hàng không giá rẻ sở dĩ bán vé giá rẻ là bởi ngoài việc có nền quản trị tiến tiến, hiện đại, chiến lược kinh doanh hợp lý, thì một trong những mấu chốt là họ đã tiết giảm tối đa các dịch vụ. Ví dụ như không có bữa ăn trên máy bay, ví dụ như số cân hành lý xách tay rất thấp, không có hành lý ký gửi… Những điều trên tuyệt đối không phù hợp với hành khách là đại gia hay tầng lớp trung lưu, nhưng lại rất thiết thực đối với tầng lớp bình dân, bởi họ chỉ cần có thế.
Ấy thế mà với việc áp giá sàn, Cục Hàng không lại đang muốn làm cái điều bắt giá vé không có suất ăn, ít hành lý xách tay và không có ký gửi phải bán ngang giá với suất vé có phục vụ bữa ăn trên máy bay, hành lý xách tay lớn và có ký gửi, thì là điều thậm vô lý.
Lấy một ví dụ cụ thể cho dễ hiểu: Theo báo Công Thương, giá gạo NL IR 504 trên thị trường ngày 27/9/2021 là 7.100 – 7.300 đồng/kg; gạo TP IR 504 giá 8.000 – 8.200 đồng/kg. Trong khi đó gạo ST 25 ngon nhất thế giới của ông Hồ Quang Cua được bán với giá 42.000 đồng/kg. Nếu bây giờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quy định khung giá sàn, bắt nông dân phải bán gạo bình dân theo giá loại gạo ngon nhất thế giới, thì chỉ có người thần kinh không bình thường mới đi mua gạo cấp thấp. Và đại đa số người nông dân trồng giống lúa đại trà sẽ chết đầu nước vì không thể cạnh tranh được. Còn nếu làm như thế để ép tất cả nông dân đều phải trồng lúa ST 25 thì đâu phải ai cũng có đủ điều kiện để trồng giống lúa cao cấp kia; và nếu trên thị trường đều chỉ là loại gạo giá cao kia thì đại đa số người lao động bình dân sẽ chết đói vì không đủ tiền để mua.
Việc áp giá sàn kết cục là dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng, bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, và tước mất cơ hội được đi máy bay của tầng lớp bình dân.
Phá vỡ luật chơi hay “chơi thế không đẹp”
Trong mọi cuộc chơi, điều kiện tiên quyết là phải có luật chơi. Luật chơi định trước, ai chấp nhận thì chơi, ai không chấp nhận thì đứng ngoài. Ngược lại, luật chơi đã định ra rồi thì giữ vững, không ai có quyền thay đổi luật chơi ấy, trừ khi được tất cả các bên cùng đồng ý.
Thị trường hàng không suy cho cùng cũng là một sân chơi, luật chơi do Nhà nước xây dựng bằng văn bản pháp luật. Căn cứ vào các văn bản pháp luật, các doanh nghiệp nghiên cứu để quyết định có tham gia sân chơi này hay không.
"Một hãng 3 sao phải bán giá như hãng 5 sao thì ai mua của hãng 3 sao? Rõ ràng, nếu hàng không áp giá như vậy thì bằng chính sách, chúng ta có thể giết chết một hãng hàng không".TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Thực tế, các hãng hàng không giá rẻ cũng phải nghiên cứu luật rất kỹ trước khi gia nhập thị trường. Và tôi tin, ngay từ đầu họ đã xác định sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không ra đời trước đó, trong đó có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline, nhưng là cạnh tranh bằng giá. Giá rẻ nhưng đều là máy bay mới, hiện đại, đội ngũ phi công lành nghề, thái độ phục vụ tốt. Nhưng họ bán giá rẻ bởi như trên đã đề cập, là bằng cách tiết giảm một số dịch vụ đối với những đối tượng không cần đến lắm. Và thực tế chứng minh là họ đã thành công trong những năm qua, thậm chí là thành công rực rỡ.
Ấy thế nhưng đùng một cái, bằng việc áp dụng giá sàn, Cục Hàng không lại bắt họ phải đưa giá vé lên ngang với các hãng 5 sao, tức là tước đi của họ lợi thế cạnh tranh. Điều đó cũng có nghĩa bắt họ từ bỏ cái chiến lược cốt lõi, cái lợi thế chính khiến họ tham gia thị trường, tham gia cuộc chơi, cái vũ khí để họ cạnh tranh. Như vậy thì có khác gì bắt họ tự trói tay mình để chịu chết. Điều đó giống như bắt các chiến sỹ bộ binh đấu với đặc công nước ở dưới sông. Thua là cái chắc.
Tôi xin đặt ra giả thiết, nếu ngay từ đầu Nhà nước đã có quy định về giá sàn, bắt các hãng hàng không phải theo khung giá, thì có lẽ các hãng hàng không giá rẻ kia họ đã không lập hãng, đã không tham gia thị trường Việt Nam. Hoặc giả nếu có lập hãng thì họ phải tính đến cạnh tranh bằng thứ khác, chứ không phải bằng giá. Bây giờ đang hoạt động, “cuộc chơi đang vui” thì đột nhiên Cục Hàng không lại thay đổi luật chơi, suy cho cùng chính là Cục đã vi phạm luật chơi và dồn họ vào thế khó, và như thế là có sự thiên vị, không công bằng.
Tôi lấy ví dụ về bóng đá cho dễ hiểu: Luật bóng đá của FIFA hiện nay là bóng đá sân lớn số lượng cầu thủ mỗi bên là 11 người, kể cả thủ môn. Giả định bây giờ đang diễn ra trận đấu giữa đội A và đội B, đột nhiên đội A có cầu thủ bị chấn thương nặng không thể thi đấu, trong khi đội A đã hết quyền thay người. Như vậy đội B sẽ có được lợi thế hơn người. Thế nhưng Ban tổ chức quyết định sửa luật, quy định mỗi đội chỉ có 10 cầu thủ thi đấu, đương nhiên xóa đi lợi thế hơn người của đội B. Như vậy Cục Hàng không nghĩ sao?
Ai biết bóng đá sẽ đều thấy rõ sự thiên vị trong đó. Và điều đó không những đã phá vỡ luật chơi, mà còn là cách chơi không đẹp.
Đi ngược lại mục tiêu phục hồi kinh tế
Còn rất nhiều điều để nói xung quanh đề xuất việc áp giá sàn vé máy bay, như các chuyên gia đã chỉ ra là vi phạm Luật giá, Luật Doanh nghiệp; không phù hợp với quy luật thị trường.
Giá cả trên thị trường là phản ánh quan hệ cung cầu và do thị trường quyết định, chứ không thể can thiệp thô bạo vào thị trường. Thậm chí nếu có can thiệp của Nhà nước, thì cũng thường là quy định giá trần để bảo vệ người tiêu dùng, chứ hiếm khi có nước nào lại áp giá sàn với mục đích bảo vệ doanh nghiệp có mức giá bán cao.
Điều đó sẽ làm cho thị trường trở nên méo mó, triệt tiêu cạnh tranh, thậm chí là nuôi dưỡng, dung túng cho sự trì trệ, dựa dẫm, ỷ lại, quen núp bóng Nhà nước. Như thế thì doanh nghiệp sẽ không lớn mạnh được và thị trường sẽ không thể phát triển. Điều này còn tạo ra tiền lệ xấu: Vậy cứ Doanh nghiệp Nhà nước nào gặp khó sẽ lại đề nghị Nhà nước khống chế giá để tạo lợi thế hay sao?
Còn nói là để cứu ngành hàng không. Vậy các hãng hàng không giá rẻ chả lẽ không phải là hàng không? Sao lại chỉ ra chính sách để có lợi cho hãng hàng không giá cao mà bất chấp lợi ích của hãng hàng không giá rẻ? Dó là chưa kể đã có gói cứu trợ trước đó cho riêng hãng hàng không quốc gia.
Đó là chưa nói, ngành du lịch cũng đang rất cần được cứu trợ, nhưng nếu vé máy bay đều là giá cao thì liệu có kích cầu được du lịch? Và như thế khi Nhà nước cứu ngành hàng không giá cao, thì không những giết chết hãng hàng không giá rẻ, mà đồng thời còn giết luôn cả ngành du lịch đang cần được cứu hơn ai hết.
Cục Hàng không nói rằng, phương án áp giá sàn dự thảo đưa ra có 3 hãng đồng ý, 2 hãng không đồng ý, ngụ ý muốn lấy đa số áp đảo thiểu số là không đúng cả về lý và tình. Vì điều đó mới đứng ở phía người chuyên chở. Còn lợi ích của hành khách thì sao? Nếu các hãng hàng không giá rẻ yêu cầu Cục Hàng không trưng cầu ý kiến của toàn dân thì liệu Cục Hàng không có dám không? Mà không có hành khách, thì dù Cục Hàng không có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể cứu vớt được hãng hàng không nào.
Còn để cứu Vietnam Airline thì phải bằng cách khác, chứ không thể đè các hãng hàng không giá rẻ ra bắt phải gánh lấy hậu quả của hãng hàng không quốc gia được.
Đại dịch Covid-19 quét qua thế giới với sức tàn phá khủng khiếp. Nền kinh tế nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung như cơ thể trải qua cơn bạo bệnh, rất cần những chính sách an dân và kích cầu để khôi phục và phát triển. Trong khi sức mua xã hội giảm sút nghiêm trọng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay, thực chất là tăng giá, chẳng khác gì bồi thêm cú đánh lên cơ thể vốn đã rệu rã. Chính sách này nếu có thì cùng lắm là chỉ cứu được các hãng hàng không giá cao, trong khi sẽ giết chết các hãng hàng không giá rẻ hoạt động đúng luật, nguy hiểm hơn là vùi dập cả một lĩnh vực du lịch rộng lớn. Như vậy suy cho cùng, điều đó là đi ngược lại với mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận