menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nghia Nguyen Pro

Áp dụng tư duy kinh doanh vào đầu tư chứng khoán

Với sự phát triển của công nghệ tài chính, việc giao dịch trên thị trường chứng khoán đã trở nên rất dễ dàng với một hai cái chạm tay trên màn hình điện thoại. Những màu xanh, đỏ, tím, vàng dần trở nên quen thuộc và khiến cho cái nhìn của chúng ta đối với thị trường đang trở nên khác xa so với bản chất thật sự của nó.

Trên thực tế, những nhà đầu tư cá nhân trên thị trường cần phải hiểu rằng họ chính là nhà kinh doanh, và sản phẩm họ mua vào để bán lại cho người khác ở đây chính là chứng khoán.

Tư duy kinh doanh

Để tôi cho bạn một ví dụ. Giả sử bạn là một người kinh doanh nước giải khát có một loại sản phẩm là nước lọc đóng chai của hãng A. Bạn mua nước lọc từ nhà phân phối của hãng với giá 5,000 vnd/chai, như vậy bạn xác định giá trị nội tại của một chai nước lọc phải lớn hơn 5,000 vnd. Sau đó bạn quyết định đặt giá bán là 5,500 vnd/chai, như vậy bạn sẽ thu lời 10% đối với mỗi chai nước được bán. Tuy nhiên, có một cửa hàng nước giải khát ở gần khu vực bạn cũng kinh doanh sản phẩm nước lọc y hệt, cùng một nhà phân phối, nhưng bán phá giá với mức giá 4,500 vnd/chai, nghĩa là chấp nhận chịu lỗ 10% mỗi chai nước chỉ để cạnh tranh và hút khách. Trong trường hợp này bạn sẽ nên làm thế nào để cạnh tranh lại?

  • Phương án 1: Bạn giảm giá theo đối thủ và chấp nhận chịu lỗ 10% để giành khách mua
  • Phương án 2: Bạn mặc kệ đối thủ vì biết kiểu gì đối thủ cũng chết vì lỗ và trước sau gì thì khách hàng cũng lại phải quay về mua nước với giá 5,500 vnd của bạn.
  • Phương án 3: Bạn lấy tiền mua hết nước của đối thủ với giá 4,500 vnd và đem về bán với giá 5,500 vnd, giờ đây bạn lãi tận 22.22% với mỗi chai nước. Còn đối thủ thì vừa lỗ vừa không thu hút thêm được khách nào.
  • Phương án 4: ...

Áp dụng tư duy kinh doanh vào đầu tư chứng khoán

Bạn có thể thấy thị trường chứng khoán cũng hoạt động theo cách tương tự, chỉ đơn giản là ta mua chứng khoán và đặt lên các kệ hàng với các mức giá bán khác nhau, và tất nhiên là người nào bán giá rẻ thì sẽ bán được nhanh và nhiều hơn. Tuy nhiên, giống như chai nước, giá sẽ không thể rẻ mãi được, vì sẽ có những nhà kinh doanh thông minh đến mua hết đống hàng giá rẻ đó và bán lại ở kệ hàng của họ với giá cao hơn nhiều. Vì thế, bán phá giá không phải là một quyết định sáng suốt trong kinh doanh cũng như đầu tư.

Giống như việc bán nước lọc trong ví dụ ở trên, đầu tiên chúng ta phải xác định được các giá trị cơ bản và định giá cho mỗi chai nước. Giả sử tôi có thể phân tích cơ cấu chi phí 5,000 vnd của mỗi chai nước mua từ nhà phân phối thành:

  • 500 vnd tiền nước
  • 500 vnd tiền vỏ chai
  • 3,000 vnd chi phí sản xuất, kiểm định, đóng gói
  • 1,000 vnd chi phí phân phối

Như vậy, về cơ bản giá trị của một chai nước từ nhà phân phối của hãng A này sẽ luôn lớn hơn 5,000 vnd, bất kì ai cố bán dưới giá trị này đều sẽ lỗ chứ không thể lãi được. Nếu muốn lãi thì tôi phải đặt giá bán cao hơn chi phí để tạo ra nó. Chứng khoán cũng như vậy, mua chứng khoán nghĩa là ta đang sở hữu một phần của doanh nghiệp và số tiền ta bỏ ra để đầu tư sẽ luôn đại diện cho các giá trị nào đó. Điều khác biệt là sẽ không có nhà phân phối nào đứng ở đó và nói với bạn là giá trị cơ bản của mỗi cổ phiếu là bao nhiêu. Và thực tế là việc xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp sẽ khó hơn rất nhiều so với một chai nước. Doanh nghiệp có thể sẽ tăng trưởng và khiến giá trị mà bạn đang sở hữu tăng lên, còn cái chai thì mãi mãi vẫn chỉ chứa 350ml nước mà thôi.

Chính vì việc định giá khó khăn mà trên thị trường chứng khoán có rất nhiều người đang đóng vai cửa hàng giải khát đối thủ trong ví dụ kể trên, họ sẵn sàng bán phá giá và chấp nhận lỗ để “bán nhanh chóng”, giúp cho rất nhiều nhà kinh doanh khôn ngoan khác có thể mua lại với giá hời và sau đó bán lại với giá cao hơn rất nhiều trên kệ hàng của mình. Nếu nhìn dưới góc độ kinh doanh, bạn sẽ thấy rằng ồ không phải tự nhiên mà vừa bán hết xong giá đã tăng vọt lên đâu, mà chính là “một ông bán nước gần nhà” đã mua lại hết hàng giá rẻ của bạn và đem về bán với giá của ông ý. Lúc đó, bạn sẽ ngồi ôm một cục lỗ to to còn ông ta thì cười hả hê và bảo “cho mày chừa cái tội bán phá giá”.

Cơ hội vàng trong kinh doanh

Trong kinh doanh, bạn cũng sẽ hiểu rằng có những thời điểm cầu vượt quá cung, đó là những thời điểm tuyệt vời để bạn có thể tăng giá bán của sản phẩm. Ví dụ khi thời tiết nắng nóng hoặc ngay gần khu vực nhà bạn mới xây một khu thể thao, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc nâng giá bán của chai nước lọc mà vẫn có người nhiều mua. Đó là những cơ hội vàng trong kinh doanh. Ban đầu sẽ có những sự dè dặt nhất định của người mua khi bạn nâng giá sản phẩm, nhưng dần dần vì nhu cầu quá cao nên họ buộc phải bước vào kệ hàng của bạn. Đó là điều rất dễ thấy trong kinh doanh và cả trên thị trường tài chính.

Các cơ hội vàng luôn xuất hiện một lúc nào đó và khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều, những nhà kinh doanh tài ba phát hiện được điều này sẽ ngay lập tức nghĩ đến việc nâng giá bán. Sẽ có những sự dè dặt, sẽ có những hoài nghi, để rồi khi mà cổ phiếu trở nên “hot hòn họt” thì ai cũng phải đặt tiền vào mua. Sự khác biệt về tư duy là ở chỗ đó. Có những người bán nước giải khát khác vẫn sẽ yên trí là “oke, mình cứ bán giá bình thường 5,500 vnd, nó nâng giá thì càng có lợi cho mình, người ta sẽ vào mua nhiều, tội gì!”. Nhưng rồi những nhà kinh doanh biết nắm bắt cơ hội sẽ vào mua sạch đống nước đó và mang về bán với giá 7,000 vnd, nhà phân phối cũng sẽ nâng giá phân phối lên 5,500 vnd để kiếm lời (vì có những người chấp nhận mua với giá vốn 5,500 vnd), liệu lúc đó còn cảm thấy vui được nữa không?

Như vậy, bạn có thể thấy cuộc chiến trên thị trường về bản chất thực sự là cuộc chiến giữa những nhà kinh doanh tài ba và những tay mơ, đây quả thực là cuộc chiến không hề cân sức chút nào. Đừng để bị đánh lừa bởi những màu xanh đỏ, những phím buy/sell, những công nghệ và công cụ phân tích ưu việt, thị trường chứng khoán về bản chất là một cái chợ không hơn không kém và chỉ những nhà kinh doanh hiểu bản chất vận động của nó mới có thể tồn tại một cách ổn định và lâu dài được.

Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn nhận ra nhiều điều và xây dựng được những chiến lược đầu tư an toàn, ổn định và hiệu quả. Hãy luôn giữ cái đầu tỉnh táo và ra những quyết định chính xác bạn nhé!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nghia Nguyen Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả