Áp dụng nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ khi EVFTA có hiệu lực
Thuỷ sản, rau quả, đồ gỗ, giày dép và dệt may là 5 ngành hàng Việt Nam có thế mạnh về sản xuất và được EU cam kết giảm thuế. Tuy nhiên, muốn tăng trưởng, mở rộng thị phần xuất khẩu tại EU, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần chú trọng vào nhiều vấn đề, đặc biệt là quy tắc xuất xứ.
Tránh hệ luỵ từ vi phạm xuất xứ
Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn, nguy cơ hàng Việt bị "mượn danh" xuất sang EU cũng từng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Điều này gây ra nhiều hệ luỵ khiến hàng hoá Việt xuất vào EU có thể bị áp thuế chống bán phá giá cao.
“Quy tắc xuất xứ sẽ tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt. Hàng hoá xuất xứ Việt hoặc được kết hợp với hàng hoá từ các nước đã ký FTA với EU là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Quy tắc này không áp dụng cho nguồn gốc hàng hoá đến từ các quốc gia khác trong ASEAN”, ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham tại Việt Nam lưu ý.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần hết sức chú trọng vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định. Coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất và đối với hàng thủy sản ngoài những lưu ý trên, cần hết sức tuân thủ các quy tắc IUU về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký.
EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng sản phẩm tôm sang EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30-35% tỷ trọng các mặt hàng hải sản khác.
Từ nhiều năm nay, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao hơn hẳn so với thịt, do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn thủy sản nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày. Khoảng 70% thủy sản được chế biến/dùng tại nhà, phần còn lại sử dụng tại nhà hàng.
EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với tôm. Sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực..) sẽ được giảm thuế nhập khẩu ngay về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu có mức thuế 6-8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.
Rào cản với rau da giày, dệt may và củ quả
Về trở ngại của ngành da giày Việt Nam, điều đầu tiên phải kể đến là tỷ lệ sản xuất gia công của ngành còn cao, chiếm tới 70%, nên lợi nhuận thấp và hạn chế sự năng động của doanh nghiệp. Mặt khác, các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU cùng với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi thuế FTA cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Ngành dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Campuchia. Cùng với đó, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi đánh vào khâu yếu của dệt may Việt Nam, khi Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó khoảng 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan.
Mặt khác, EU là thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, với các quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường (quy định REACH) mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng được.
Ở chiều ngược lại, EVFTA sẽ mở cửa cho hàng hóa của EU vào Việt Nam. Đây cũng là thách thức bổ sung đối với ngành may mặc Việt Nam ở phân khúc khách hàng có thu nhập cao nhưng lại tạo nhiều cơ hội hợp tác mới vì các doanh nghiệp EU có thế mạnh về thiết kế thời trang, tài chính và phân phối nhưng lại rất thiếu công nhân lành nghề mà ngành dệt may Việt Nam có thể đáp ứng được.
Rất nhiều rào cản cần vượt qua của ngành rau củ quả Việt Nam nếu muốn tận dụng triệt để EVFTA bởi, EU là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao.
Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
Hiện sản xuất rau quả của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuát khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam phải áp dụng GlobalGap hoặc EuroGap.
Rau quả tươi Việt Nam chủ yếu bán trong các cửa hàng nhỏ lẻ Châu Á, chưa có mặt trong các siêu thị lớn. Như vậy có thể thấy, việc mở và giữ được thị trường cho từng loại rau quả tại thị trường EU là không hề đơn giản.
Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp. GlobalGap hiện là tiêu chuẩn tối thiểu để các sản phẩm vào được các siêu thị ở EU, vì thế doanh nghiệp Việt phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn này.
Đồng thời, nên từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.
Cụ thể, EU đã đặt ra mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong và trên thực phẩm.Việc tuân thủ nghiêm ngặt các MRLs và ngăn ngừa vi khuẩn lây nhiễm là những điều kiện tiên quyết để vào thị trường châu Âu.
Đối với nhóm rau củ và rau quả tươi cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà XK với người sản xuất đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn VSATTP của EU; Cần thiết phải triển khai hệ thống truy nguyên liệu XK và vùng sản xuất phải đạt chuẩn VietGAP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận