24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Ảo thuật’ biến hàng Trung Quốc thành ‘Made in Vietnam’

Các hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin.

Việc gian lận xuất xứ không chỉ gia tăng lo lắng và nghi ngờ cho người sử dụng tại thị trường nội địa mà còn gây ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trong quan hệ thương mại quốc tế.

Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc, nghi vấn cắt mác, thay đổi nhãn hiệu, biến hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sau khi nhập khẩu trở thành “Made in Vietnam’ khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Chuỗi cửa hàng thời trang Seven.Am tại Hà Nội mới đây đã đóng cửa hàng loạt sau nghi vấn “đội lốt” hàng Trung Quốc. Đội quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ sản phẩm, kiểm tra việc bóc tem, thay nhãn.

Khoảng 2 năm trước, lụa Khaisilk từng một thời là niềm tự hào thương hiệu Việt bỗng lộ ra hàng loạt sai phạm khi khách hàng phát hiện khăn lụa gắn mác Trung Quốc.

Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh.

Những sự vụ sau đó như Con Cưng hay Asanzo khiến người tiêu dùng ngày càng trở nên nghi ngờ và lo lắng về xuất xứ hàng hóa.

Không chỉ vậy, việc gian lận xuất xứ trên thị trường nói chung còn gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong quan hệ thương mại với các đối tác, gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tại hội thảo mới đây trong khuôn khổ dự án tạo thuận lợi thương mại hỗ trợ bởi Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết việc gian luận xuất xứ được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau.

‘Ảo thuật’ biến hàng Trung Quốc thành ‘Made in Vietnam’
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan.

Nhóm thứ nhất bao gồm những hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ trong nước.

Các hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin.

Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài như “Made in China” nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp đã bóc nhãn và thay bằng nhãn “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam”.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn có hành vi thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng lại ghi sản xuất tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa.

Đầu tháng 10 vừa qua, Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện và bắt giữ lô hàng của một doanh nghiệp theo khai báo là quần áo nam nữ xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên kết quả kiểm tra cho thấy ngoài một số mặt hàng quần áo ghi xuất xứ Trung Quốc và không thể hiện xuất xứ, 3.000 quần áo trên tem/mác thể hiện “Made in Vietnam” và 5.000 quần áo thể hiện “Made in Korea”.

Nhóm thứ hai bao gồm những hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp FDI nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu, linh kiện để sản xuất, gia công, lắp ráp hàng xuất khẩu nhưng những công đoạn này không đáp ứng tiêu chí xuất xứ. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Trước thực tiễn trên, ông Tuấn kiến nghị Bộ Tài chính cần theo dõi việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước về Việt Nam cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi thị trường lớn.

Rà soát các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ, siết chặt quản lý đối với một số nhóm hàng nhập khẩu, xuất khẩu có kim ngạch tăng đột biến.

Ông Tuấn đề xuất Bộ Công thương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm về xuất xứ hàng hóa.

Cần ban hành Thông tư quy định cụ thể về tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông nội địa, trong đó quy định cụ thể các tiêu chí với hàng hóa sản xuất, lắp ráp để tiêu thụ nội địa ít nhất phải bằng với tiêu chí xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả