Anh kêu gọi sớm đưa ra quyết định về vai trò của Huawei trong dự án 5G
Bất cứ ai nắm giữ cương vị Thủ tướng Anh trong thời gian tới cũng cần sớm đưa ra quyết định về vai trò của Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) trong kế hoạch phát triển mạng 5G thế hệ mới.
Lời kêu gọi trên được Ủy ban An ninh và Tình báo (ISC) của Quốc hội Anh đưa ra ngày 19/7 khi cảnh báo về những tranh cãi xung quanh vấn đề trên đang hủy hoại các mối quan hệ quốc tế.
Anh đã trở thành mặt trận chủ chốt trong một trận chiến địa chính trị liên quan tới Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Viện dẫn những lý do an ninh, Mỹ đe dọa sẽ chấm dứt việc chia sẻ thông tin tình báo giá trị với các đồng minh nếu họ sử dụng các thiết bị của Huawei. Trung Quốc đã cảnh báo Anh rằng việc "cấm cửa" Huawei có thể ảnh hưởng tới đầu tư và thương mại.
Hồi tháng 4 vừa qua, Hội đồng An ninh quốc gia Anh, đứng đầu là Thủ tướng Theresa May, đã nhất trí cho Huawei "tiếp cận có giới hạn" nhằm hỗ trợ xây dựng một số hạng mục ít nhạy cảm của mạng lưới 5G như các trạm ăng-ten và cơ sở hạ tầng "không thiết yếu" khác. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về vai trò của Huawei sẽ do Chính phủ Anh đưa ra và quyết định từ chức của Thủ tướng May có thể khiến tiến trình này bị đình trệ.
Trong bối cảnh đó, ISC đã ra tuyên bố nhấn mạnh: "Quyết định quan trọng này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và thấu đáo". Tuy nhiên, việc trì hoãn đưa ra quyết định đang hủy hoại nghiêm trọng đến các mối quan hệ quốc tế và do đó "đây là một vấn đề cấp bách".
ISC cho biết giới chức an ninh mạng của Anh đã thể hiện rõ quan điểm rằng vấn đề này không phải chỉ riêng đối với một đất nước hay một công ty, mà các mạng lưới quốc gia cũng phải có khả năng ứng phó với bất kỳ vụ tấn công nào, cũng như hành động thù địch hay sai sót đơn thuần do con người. Theo Ủy ban này, vấn đề trên có thể đạt được bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp.
ISC nhấn mạnh vấn đề hiện tại đối với việc phát triển mạng 5G là chỉ có 3 doanh nghiệp chạy đua trong lĩnh vực này gồm Huawei, Nokia và Ericsson. Việc quá phụ thuộc hay thiếu sự cạnh tranh đã dẫn tới các tiêu chuẩn an ninh bị hạ thấp. Do đó, ISC cho rằng "việc bao gồm một công ty thứ ba, dù thậm chí có những lo ngại về an ninh cũng như buộc các nước tăng cường các biện pháp đối phó, vẫn sẽ giúp nâng cao vấn đề an ninh nói chung".
Tuy nhiên, ISC cũng thừa nhận rằng việc đưa ra quyết định về vai trò của Huawei không chỉ mang tính kỹ thuật, mà chính phủ cũng phải xem xét đến những mối quan ngại về chính trị, cũng như không có bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho liên minh tình báo Five Eyes, gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand.
Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G. Tuy nhiên, hãng này đã bị cấm phát triển mạng 5G tại Mỹ do những quan ngại xung quanh các nguy cơ an ninh, điều mà tập đoàn Trung Quốc này luôn bác bỏ.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ quyết định đặt Huawei vào "Danh sách thực thể", theo đó, các bộ phận và linh kiện công nghệ cao của Mỹ sẽ không được bán cho những đối tượng nằm trong danh sách trên mà không có giấy phép đặc biệt của chính phủ. Không dừng lại ở đó, Mỹ cũng đang kêu gọi chính phủ các nước tẩy chay các thiết bị của Huawei trong bối cảnh thế giới đã sẵn sàng triển khai mạng viễn thông 5G - lĩnh vực mà Huawei được dự báo sẽ dẫn đầu thế giới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận