Ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi bất ngờ tăng mạnh
Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi trên cả nước giảm sâu. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần nay, giá lợn hơi bất ngờ quay đầu tăng mạnh. Có những địa phương, giá lợn hơi tăng lên mức hơn 40.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi không có lợn để bán.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 5/2019, giá lợn hơi trong nước giảm mạnh do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều tỉnh mặc dù đã công bố hết dịch nhưng lại tái bùng phát trở lại.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, nhiều hộ chăn nuôi bán lợn chạy dịch khiến nguồn cung lợn hơi tăng đột biến, kéo theo giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc giảm mạnh xuống còn 28.000-32.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Phú Thọ và Tuyên Quang giảm chỉ còn 29.000 đồng/kg,Thái Bình còn 31.000 đồng/kg và Yên Bái, Lào Cai còn 32.000 đồng/kg. Các tỉnh khác như Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định giá thịt lợn hơi xuất chuồng cũng chỉ dao động quanh mốc 28.000-31.000 đồng/kg, tức giảm 5.000 đồng/kg so với tháng 4.
Tuy nhiên, trong vòng 5 ngày trở lại đây, giá lợn hơi bất ngờ tăng mạnh. Cụ thể, tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc giá lợn hơi đang dao động trong khoảng từ 38.000 - 39.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước). Một số tỉnh khác có mức tăng nhẹ hơn như Tuyên Quang giá lợn dao động ở mức 36.000 đồng/kg; Yên Bái, Lào Cai cũng đang được thu mua ở mức 35.000 - 36.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với tuần trước; Hà Nam tăng lên 34.000 đồng/kg; Ninh Bình tăng lên 35.000 đồng/kg... Cá biệt, tại một số địa phương, gia lợn hơi đạt mốc trên 40.000 đồng/kg. Theo ghi nhận, giá lợn hơi tại huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đạt mức 40.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với những ngày trước. Còn tại TP Hà Nội, mấy ngày nay, giá lợn hơi tăng lên mức trên 41.000 đồng/kg. Cùng chung xu hướng tăng với miền Bắc, tại khu vực miền Trung cũng ghi nhận tăng giá bán vào cuối tuần. Một loạt địa phương như: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế giá heo tăng từ 1.000 đến 4.000 đồng/ kg, đưa giá lợn lên mức 37.000 - 39.000 đồng. Ở phía Nam, các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp đều ghi nhận tăng nhưng mức giá thu mua vẫn thấp hơn so với các khu vực trên. Hiện, mức giá khu vực này dao động 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, 5 ngày qua, giá lợn tại công ty này tăng 2.000 đồng/kg mỗi ngày, đẩy giá lợn hơi lên mức bình quân 40.000 đồng/ kg. Cũng tăng giá liên tục, giá lợn hơi tại trại của Dabaco đạt mức 42.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp nhỏ ở miền Bắc cho biết, 5 ngày trước giá lợn hơi chỉ quanh mức 33.000 - 35.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 39.000 - 40.000 đồng. Đây là những mức giá thường được các thương lái lấy làm tham chiếu để nhập hàng.
Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi đến nay đã bùng phát tại 55 tỉnh, thành. Đã có hơn 2,3 triệu con lợn mắc bệnh, chiếm hơn 5% tổng đàn bị tiêu hủy. Tại một số nơi, đã phải tiêu hủy 30 – 40% tổng đàn lợn. Lo ngại dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn nên thị trường đang bắt đầu thiếu hụt lợn hơi. Khan hàng khiến giá lợn tăng giá trở lại. Theo dự đoán, giá lợn còn tăng mạnh trong thời gian sắp tới, đặc biệt là dịp cuối năm.
Giá lợn hơi đang tăng lên từng ngày nên một số người dân có lợn đang ở thời kỳ xuất chuồng không muốn bán, chờ giá tăng thêm. Một số người dân còn muốn tái đàn để nhanh chóng có lợn thịt cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp khuyến cáo, tuy giá lợn có tăng, nhưng thời điểm này người chăn nuôi không nên vội tái đàn, bởi dịch tả lợn châu Phi còn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch mới. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của người chăn nuôi là tiếp tục duy trì đàn hiện có, bên cạnh đó thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, bảo vệ đàn lợn của gia đình. Đối với những hộ đã có lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi, thời điểm này có thể tạm thời chuyển sang chăn nuôi một số vật nuôi khác, để cung cấp lượng thực phẩm thiếu hụt cho thời gian sắp tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận