menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hồng Nhung

Ẩn số 'room' tín dụng với lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm

Ngân hàng được dự báo kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm nhưng phải đối mặt nhiều rủi ro về room tín dụng, nợ xấu...

Mới đây, SeABank công bố lợi nhuận trước thuế quý II/2022 đạt hơn 2.800 tỷ đồng, tăng đến 180% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận lũy kế nửa đầu năm hơn 4.100 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch 6 tháng. Trước đó, TPBank báo lợi nhuận lũy kế đạt gần 3.790 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Chưa công bố kết quả kinh doanh chính thức, Eximbank ước tính lãi bán niên đạt 1.800 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với con số thực tế của nửa đầu năm ngoái. Với Vietcombank, trong 5 tháng đầu năm nay, lợi nhuận ngân hàng này tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.

Những mức tăng trưởng này hé lộ tiềm năng khả quan cho kết quả kinh doanh của các nhà băng trong nửa đầu năm nay. Ngân hàng Nhà nước gần đây điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng, kết quả cho thấy tình hình hoạt động trong quý II tăng trưởng tốt hơn so với quý liền trước.

Chứng khoán Yuanta dự báo lợi nhuận ròng 27 ngân hàng niêm yết tăng 36% so với cùng kỳ trong quý II. Thu nhập lãi ròng tăng 14% và thu nhập phí tăng 15% so với cùng kỳ. VnDirect dự báo các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong cả năm, dựa trên tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt.

Tuy vậy, tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào việc Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng trong thời gian tới. Số liệu hai tháng gần đây chỉ rõ tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã chậm lại. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tính đến hết tháng 5 tăng 2,07% trong khi con số này vào cuối quý I/2022 là 5,97%. Nguyên nhân là nhiều ngân hàng lớn đã gần chạm room tín dụng.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp room tín dụng ngay đầu quý III, còn Chứng khoán Yuanta lại cho rằng, quyết định trên sẽ được dời sang tháng 8 khi kinh tế vĩ mô đã có "sự tăng trưởng ấn tượng" trong quý II.

Theo SSI Research, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm. Hạn mức được cấp thêm có thể ở mức "vừa phải", kèm điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Do đó, dự báo mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ thấp hơn nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn cao do mức nền thấp của cùng kỳ.

Nhóm phân tích của FiinGroup cũng cho rằng ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức. Trước hết thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi các yếu tố hỗ trợ tăng biên lãi ròng (NIM) cân bằng với việc tăng tỷ lệ chi phí huy động vốn (COF). Ngân hàng cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và điều chỉnh lãi vay, song lại tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, tín dụng các quý sau khó có thể giữ mức tăng trưởng cao như 3 tháng đầu năm. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ để bù đắp cho khoản hụt của thu nhập lãi thuần.

Về chất lượng tài sản, dữ liệu Chứng khoán Yuanta chỉ ra dư nợ tái cơ cấu có liên quan đến Covid-19 đạt đỉnh vào tháng 12/2021 và đã giảm kể từ đó. Dự phòng cho khoản này được cho là tăng 5% so với quý đầu năm trong quý II/2022, do các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) thấp vẫn cần phải chuẩn bị cho sự gia tăng của nợ xấu sau khi Thông tư 14 hết hạn vào ngày 30/6.

SSI Research cũng nêu quan điểm, rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 không quá lo ngại với các ngân hàng lớn. Tính đến cuối tháng 4, dư nợ tái cơ cấu đã giảm 24% so với đầu năm và bằng khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay. Một số ngân hàng đã giảm mạnh dư nợ tái cơ cấu, trong đó có Vietcombank giảm 62%, BIDV giảm 31% so với đầu năm. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, ACB, MBBank, Techcombank... đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19.

Tuy nhiên các ngân hàng chưa trích lập đủ nợ tái cơ cấu sẽ gặp áp lực lớn, theo FiinGroup. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi do khả năng vỡ nợ chéo.

Ngoài ra, sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản cũng có ảnh hưởng lớn đến ngành ngân hàng. Số liệu từ đơn vị này tính đến cuối tháng 4 cho thấy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó nợ xấu chiếm 1,62%. Ngành địa ốc gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả