Ẩn số ghế nóng ngân hàng mùa đại hội
Ghế nóng ngân hàng luôn nóng trong mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), đặc biệt với những ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông.
Nóng trước thềm đại hội
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 của Eximbank dự kiến tổ chức ngày 26/4 tới, Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị, nâng tổng số thành viên lên 11 người, trong đó có 2 thành viên độc lập.
Hiện tại, Hội đồng Quản trị của Eximbank có 9 người, gồm Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, Phó chủ tịch Nguyễn Quang Thông, thành viên độc lập Lê Minh Quốc và các thành viên khác là ông Cao Xuân Ninh, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Được biết, cuối năm 2020, Hội đồng Quản trị Eximbank đã nhận được công văn của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu “thanh lọc” Hội đồng Quản trị tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 3. Theo đó, yêu cầu tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, nhằm giảm số lượng thành viên Hội đồng Quản trị từ 9 người hiện nay xuống còn 5 - 7 người.
Những kiến nghị về nhân sự không phải là nội dung quá xa lạ với cổ đông Eximbank. Các nhóm cổ đông, đặc biệt là SMBC, trong hơn 1 năm qua, đã nhiều lần yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để xử lý các vấn đề tồn đọng cũ, trước khi ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 3 bầu ra Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới. Không chỉ ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vẫn chưa thể thành công, mà ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 của nhà băng này đến nay cũng chưa được tiến hành theo yêu cầu của nhóm cổ đông SMBC. Bên cạnh đó, chỉ trong hơn 1 năm, “ghế nóng" của Eximbank cũng đã đổi chủ đến 5 lần.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, mã chứng khoán KLB) cũng thông báo đến cổ đông việc ứng cử, đề cử nhân sự bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2022 tại ĐHĐCĐ thường niên sẽ diễn ra vào ngày 29/4.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cuối tháng 1/2021, cổ đông Kienlongbank đã thông qua việc bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2022, gồm ông Lê Hồng Phương và bà Trần Thị Thu Hằng (cả 2 đều đến từ nhóm cổ đông mới). Ngay sau đó, Hội đồng Quản trị Kienlongbank đã tiếp tục họp và bầu ông Phương giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kể từ ngày 1/2/2021, thay ông Lê Khắc Gia Bảo. Đồng thời, ông Bảo vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Quản trị trong nhiệm kỳ.
Cũng tại cuộc họp trên Kienlongbank thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng Quản trị đối với ông Lê Trung Việt. Tính tới thời điểm này, Hội đồng Quản trị Kienlongbank có 8 thành viên, gồm: ông Lê Khắc Gia Bảo, ông Mai Hữu Tín, ông Phạm Trần Duy Huyền, ông Trần Văn Trọng, bà Nguyễn Thụy Quỳnh Hương, bà Trần Tuấn Anh, ông Lê Hồng Phương và bà Trần Thị Thu Hằng. Trong đó, bà Trần Tuấn Anh là thành viên duy nhất tham gia điều hành với chức vụ Tổng giám đốc Kienlongbank.
Không ngừng thay “ghế nóng”
Cận kề ngày diễn ra đại hội, câu chuyện nhân sự cấp cao tại các ngân hàng luôn được hâm nóng khi hàng loạt ngân hàng công bố các quyết định bổ nhiệm mới.
Mới nhất, vào cuối tháng 2/2021, VietBank thông báo về việc ông Bùi Xuân Khu, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank, thay thế ông Dương Ngọc Hòa kể từ ngày 23/2/2021.
Theo VietBank, việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Chủ tịch HĐQT để phù hợp với tình hình hoạt động của Hội đồng Quản trị VietBank nói riêng và VietBank nói chung trong giai đoạn mới cũng như trong điều kiện thị trường hiện nay chịu các tác động của Covid-19.
Trong khi đó, Techcombank bổ nhiệm ông Kalyanaraman Sivaramakrishnan giữ vị trí Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của ngân hàng này kể từ ngày 10/1 (Hội đồng Quản trị VietABank cũng quyết định bổ nhiệm ông Phương Thành Long giữ chức vụ Phó tổng giám đốc).
Trong làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp trong những ngày đầu năm 2021 còn có Ngân hàng Standard Chartered. Mới đây, nhà băng này phát đi thông báo bổ nhiệm bà Michele Wee làm Tổng giám đốc thị trường Việt Nam kể từ ngày 1/2/2021. Bà Michele Wee sẽ báo cáo ông Patrick Lee, Tổng giám đốc khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN khác, bao gồm Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và các văn phòng đại diện trong khu vực.
Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc thị trường Việt Nam, bà Michele Wee giữ vai trò Giám đốc Khối Thị trường tài chính phụ trách Singapore, Australia và Brunei, đảm nhiệm việc xây dựng và triển khai các chiến lược cho khối thị trường tài chính tại các thị trường này.
Trước đó, cuối năm 2020, SCB đã bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc người nước ngoài là ông Chen Yi-Chung (Jeremy Chen). Còn ông Hoàng Minh Hoàn, người tiền nhiệm của ông Chen Yi-Chung, giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực. Việc bổ nhiệm này diễn ra trong bối cảnh SCB triển khai quyết liệt "Chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2030" với sự tư vấn chiến lược của McKinsey & Company.
Ông Jeremy Chen được kỳ vọng là sẽ dẫn dắt SCB thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi và đưa SCB vào nhóm các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận