Ấn Độ và Việt Nam - tâm điểm của nỗ lực chuyển dịch chuỗi sản xuất của Apple
Câu chuyện Apple chuyển bớt hoạt động sản xuất tai nghe không dây AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam - giữa lúc giới phân tích nhận định đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc - đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
Lâu nay, nhờ thế mạnh lực lượng lao động có tay nghề khổng lồ và vai trò trung tâm chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, Trung Quốc được Apple chọn làm “đại bản doanh” cho các hoạt động lắp ráp các sản phẩm. Nhưng bắt đầu từ năm ngoái, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng đỉnh điểm, Apple phát thông điệp sẽ di dời một phần đáng kể của các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sang các nước khác, trong đó, Ấn Độ và Việt nam nằm trong số những điểm đến hàng đầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không mất ngôi vị công xưởng hàng điện tử lớn nhất thế giới sớm vì rất khó để thay thế mạng lưới các nhà cung cấp phức tạp và đội ngũ lao động có kỹ năng cũng như hệ thống phân phối hiệu quả và thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc. Hơn nữa, việc chuyển dịch quy mô lớn hoạt động sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian.
90% sản phẩm của Apple được lắp ráp ở Trung Quốc
Không có báo cáo đầy đủ nào về việc Apple sản xuất, lắp ráp linh kiện và sản phẩm ở đâu và Apple cũng không công bố chi tiết điều này. Nhưng giới phân tích ước tính Apple đang lắp ráp khoảng 90% sản phẩm từ iPhone, iPad, MacBook cho đến Apple Watch, AirPods tại Trung Quốc.
Bất kỳ ai mua iPhone hay bất kỳ sản phẩm nào khác của iPhone thường nhìn thấy dòng chữ in trên sản phẩm cho biết sản phẩm được “thiết kế ở California, lắp ráp tại Trung Quốc”.
Mỗi chiếc iPhone sử dụng đến hàng trăm linh kiện của hàng trăm nhà sản xuất khác nhau nên không thể liệt kê tên của mọi nhà sản xuất linh kiện trên iPhone. Vì vậy, cũng rất khó để biết chính xác các linh kiện này được sản xuất ở đâu vì đôi lúc, một nhà cung cấp của Apple có thể sản xuất một linh kiện cụ thể cho iPhone tại nhiều nhà máy khác nhau trên thế giới.
Chẳng hạn, mặt kính cường lực của dòng sản phẩm iPhone 5S, iPhone 6 và iPhone 6S do hãng Corning (Mỹ) cung cấp nhưng hãng này có các nhà máy sản xuất đặt ở hàng chục nước trên thế giới.
Có nhiều công ty tham gia lắp ráp các thiết bị của Apple nhưng nhìn chung, hoạt động lắp ráp các sản phẩm như iPod, iPhone và iPads đều do hai công ty Đài Loan đồng thời là hai nhà gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới Hon Hai Precision Industry (thường biết đến với cái tên thương mại Foxconn) và Pegatron đảm nhận. Foxconn là đối tác lắp ráp thiết bị lâu đời nhất của Apple.
Hiện nay, Foxconn này lắp ráp phần lớn iPhone ở các nhà máy khổng lồ tại hai thành phố Thâm Quyến và Trịnh Châu của Trung Quốc dù công ty này vận hành một chuỗi nhà máy khác trên thế giới bao gồm ở Thái Lan, Malaysia, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc, Singapore và Philippines. Bên cạnh đó, Wistron, một công ty khác của Đài Loan, cũng đang tham gia lắp ráp iPhone trong những năm gần đây.
Apple xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị âm thanh ở Việt Nam
Hôm 8-5, tờ Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết Apple sẽ sản xuất khoảng 3-4 triệu tai nghe không dây AirPods truyền thống ở Việt Nam trong quí 2. Con số này đương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods truyền thống của Apple quí 2.
Hiện tại, đa số các sản phẩm AirPods bao gồm AirPods truyền thống và AirPods Pro vẫn được sản xuất tại Trung Quốc.
Năm ngoái, Apple đốc thúc các nhà cung cấp lớn thẩm định kế hoạch chuyển 15-30% công suất sản xuất các sản phẩm phần cứng của Apple khỏi Trung Quốc để tránh tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà cung cấp này bao gồm Foxconn, Pegatron, Wistron (lắp ráp iPhone), Quanta Computer (lắp ráp MacBook), Compal Electronics (lắp ráp iPad), Inventec, Luxshare và GoerTek (lắp ráp AirPods). Luxshare và GoerTek là hai công ty của Trung Quốc và các nhà cung cấp còn lại là các công ty của Đài Loan.
Các nước được cân nhắc trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất của Apple gồm Mexico, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Các nguồn tin cho biết Ấn Độ và Việt Nam là sự lựa chọn được yêu thích nhất của các nhà cung cấp trên.
Khi Mỹ và Trung nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi giữa tháng 1-2020, kế hoạch đa dạng hóa chuỗi sản xuất của Apple bị chậm lại. Song tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu ở Trung Quốc do đại dịch Covid-19 trong tháng 2 nhắc nhở các công ty công nghệ đa quốc gia về tầm quan trọng của các nỗ lực đa dạng hóa và tình bền vững sản xuất cũng như chi phí thấp.
AirPods, mặt hàng tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong danh mục sản phẩm phần cứng của Apple, là tai nghe Bluetooth không dây bán chạy nhất thế giới. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, năm ngoái, Apple bán được 65 triệu AirPods, chiếm 50% thị phần tai nghe Bluetooth không dây toàn cầu. Counterpoint Research dự báo doanh số AirPods trong năm 2020 có thể đạt 100 triệu đơn vị.
Năm ngoái 2019, Luxshare đã khởi động đầu tư ở Việt Nam và được Apple cấp phép sản xuất AirPods hàng loạt tại đây. Trong khi đó, Inventec đang xây dựng một nhà máy ở Việt Nam theo yêu cầu của Apple.
Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng thiết bị âm thanh đầy đủ ở miền bắc Việt Nam, nơi nhiều nhà cung cấp đang sản xuất tai nghe có dây EarPods cho các sản phẩm iPhone.
Merry Electronics, nhà cung cấp linh kiện âm thanh đến từ Đài Loan, đang hợp tác với Luxshare để xây dựng một nhà máy ở Việt Nam có thể đi vào hoạt động sớm nhất là vào mùa hè này. Nhiều nhà cung cấp khác của Apple bao gồm Foxconn và Pegatron cũng như Compal Electronics, cũng đang mở rộng sản xuất ở miền bắc Việt Nam dù hiện tại họ chưa sản xuất các sản phẩm của Apple tại đây.
Hồi tháng 2, trang tin Appleinsider.com cho hay Apple có thể “giao việc” cho Luxshare nhiều hơn trong hai năm tới, bao gồm nhiệm vụ lắp ráp các iPhone đời cũ của Apple bắt đầu từ năm 2021. Hiện tại, Luxshare không chỉ lắp ráp AirPods mà còn đồng hồ thông minh Apple Watch.
Vào đầu năm nay, hãng tin Bloomberg đưa tin Pegatron đang theo chân hai nhà lắp ráp iPhone khác của Đài Loan, Wistron và Foxconn sang Việt Nam để phát triển cơ sở sản xuất mới hoặc tăng công suất tại cơ sở hiện tại của công ty này ở Việt Nam. Pegatron đang thuê một cơ sở ở Hải Phòng và dự định sản xuất bút cảm ứng cho smartphone của Samsung tại đây.
Đến tháng 3, Giám đốc điều hành Pegatron, Liao Syh-jang, cho biết Pegatron hy vọng sẽ khởi động sản xuất ở cơ sở mới ở Việt Nam vào năm sau. Phát biểu ẩn ý rằng Pegatron có thể chuyển bớt hoạt động lắp ráp iPhone từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Công ty này xây dựng một nhà máy mới ở Indonesia hồi năm ngoái và đang nhắm đến Ấn Độ để xây dựng thêm nhiều nhà máy mới khác. Hồi cuối tháng 3, Bloomberg cho biết Wistron cho biết chuyển bớt 50% công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong vòng một năm và sẽ dành ra 1 tỉ đô la Mỹ để phục vụ nỗ lực này. Những địa điểm sản xuất mới mà công ty này nhắm tới là Ấn Độ, Việt Nam và Mexico.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia, Warsito Ignatius, cho hay Pegatron đã ký một văn bản ghi nhớ đầu tư đến 1 tỉ đô la cho một nhà máy liên doanh sản xuất chip cho iPhone tại TP. Batam.
iPhone “lắp ráp tại Ấn Độ” sẽ sớm tràn ngập thị trường?
Tờ Economic Times (Ấn Độ) hôm 11-5 cho hay Apple đang có kế hoạch chuyển bớt 20% công suất lắp ráp iPhone ở Trung Quốc sang Ấn Độ trong vòng năm năm tới.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ nói: “Chúng tôi kỳ vọng Apple lắp ráp 40 tỉ đô la trị giá iPhone, phần lớn để phục vụ xuất khẩu thông qua các nhà sản xuất gia công Wistron và Foxconn”.
Hiện tại, doanh số iPhone ở Ấn Độ xấp xỉ 1,5 tỉ đô la mỗi năm nhưng lượng iPhone được lắp ráp tại Ấn Độ chỉ đáp ứng khoảng 0,5 tỉ đô la của mức doanh số này. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hãng “quả táo cắn dở” gia công lắp ráp khối lượng sản phẩm có trị đến 220 tỉ đô la trong năm tài chính 2018-2019.
Nếu kế hoạch trên được triển khai, Apple sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn của Ấn Độ và những chiếc iPhone có in dòng chữ “thiết kế tại California, lắp ráp tại Ấn Độ” sẽ tràn ngập trên thị trường quốc tế trong những năm tới.
Hồi tháng 3, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua khai ba chương trình ưu đãi trị giá 48.000 crore (6,3 tỉ đô la) dành cho các nhà sản xuất điện tử nước ngoài để nâng công suất sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ lên mức 190 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, trong đó, xuất khẩu 110 tỉ đô la. Chương trình PLI chiếm đến 5,4 tỉ đô la giá trị ưu đãi này. Để được nhận các lợi ích từ chương trình PLI, một công ty phải sản xuất ít nhất 10 tỉ đô la giá trị điện thoại di động trong giai đoạn 2020-2025.
Trên thực tế, Apple đã âm thầm mở rộng chuỗi cung ứng tại Ấn Độ trong hơn ba năm qua. Wistron đang lắp ráp các iPhone đời cũ thuộc dòng SE và 6S và 7 của Apple tại một nhà máy tại Ấn Độ. Trong khi đó, Flextronics (Singapore) và Salcomp (Phần Lan) sản xuất sạc iPhone tại các cơ sở của họ ở đất nước đông dân thứ hai thế giới.
Vào tháng 2 vừa qua, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Wistron sẽ sản xuất bảng mạch in của iPhone tại một nhà máy ở miền nam Ấn Độ. Họ cũng tiết lộ nhà máy lắp ráp iPhone thứ hai của Wistron ở Ấn Độ sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4-2020. Nhà máy này, tọa lạc ở TP. Bengaluru, có công suấi lắp ráp 8 triệu iPhone 7 và iPhone 8 mỗi năm.
Còn vào tháng 10 năm ngoái, Foxconn bắt đầu lắp ráp dòng điện thoại iPhone XR cho Apple tại một nhà máy ở TP. Chennai, Ấn Độ. Nhà máy lắp ráp điện thoại di động đầu tiên của Foxconn tại Ấn Độ đi vào hoạt động vào năm 2015 tại thành phố Sri, một đặc khu kinh tế ở bang Andhra Pradesh. Nhà máy sử dụng 15.000 công nhân và lắp ráp điện thoại cho nhiều thương hiệu khác nhau bao gồm Xiaomi. Năm ngoái, nhà máy bắt đầu lắp ráp iPhone X.
Tháng 4 vừa qua, trang tin iHelpBR (Brazil) cho biết Apple có thể sản xuất một phần của dòng iPhone SE giá rẻ mới tại Brazil trong những tháng tới. Cơ sở cho dự báo này là sau khi Apple thông báo ra mắt iPhone SE phiên bản năm 2020, trang web của Apple tại Brazil đã công bố các hình ảnh iPhone SE có in dòng chữ “Indústria Brasileira”, hiểu nôm na là “được lắp ráp ở Brazil”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận