24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ấn Độ trước nguy cơ rơi vào xung đột với cả Trung Quốc và Pakistan

Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc xung đột với cả Trung Quốc và Pakistan sau những căng thẳng vừa qua.

Pakistan sẽ tham gia xung đột?

Các chuyên gia tin rằng cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir tại Himalaya đã biến Nam Á thành điểm nóng nguy hiểm mới tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Khi triển khai quân đội để tranh chấp ở Ladakh, phía Bắc Kashmir, Trung Quốc làm gia tăng đáng kể khả năng bùng phát xung đột sâu rộng hơn giữa Ấn Độ và Pakistan khi mối quan hệ giữa hai nước này vốn đã trở nên căng thẳng.

Ấn Độ bị cáo buộc thực hiện một cuộc không kích vào trại huấn luyện ở Pakistan vào tháng 2/2019, cũng như đơn phương sáp nhập một phần của Kashmir mà họ kiểm soát.

Vùng Kashmir thuộc dãy núi Himalaya có tuyên bố chủ quyền của cả Ấn Độ và Pakistan. Hai bên đều cáo buộc phía bên kia khiêu khích trước cũng như vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn.

Cả hai bên cũng đã triệu hồi các đại sứ của họ và đình chỉ liên lạc song phương vào năm 2019. Tuần trước, họ trục xuất một nửa số nhân viên khác khỏi các đại sứ quán ở Islamabad và New Delhi vì nghi ngờ gián điệp.

Khi Trung Quốc tái gia nhập xung đột Kashmir lần đầu tiên kể từ giao tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962, các chuyên gia tin rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi có một cuộc xung đột khác - thậm chí là xung đột hai mặt trận liên quan đến cả ba quốc gia hạt nhân có tuyên bố ở Kashmir.

"Tôi nghĩ rằng xung đột là khả năng thực sự. Đối với Trung Quốc, không có động cơ để bắt đầu một cuộc chiến với Ấn Độ vì Kashmir. Nhưng vấn đề về sự cân bằng lực lượng dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) có thể là nguyên nhân châm ngòi xung đột."

LAC là biên giới tranh chấp dài 4.000 km chưa được xác nhận giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trải dài từ Ladakh ở phía Tây đến ngã ba với Bhutan ở phía Đông - địa điểm họ đụng độ 3 tháng vào mùa hè năm 2017.

Trong khi đó, biên giới tranh chấp của Ấn Độ với Pakistan ở Kashmir, được gọi là Đường kiểm soát (LOC), đã được Liên Hợp Quốc phân định vào năm 1949.

Ấn Độ trước nguy cơ rơi vào xung đột với cả Trung Quốc và Pakistan
Một đoàn xe quân đội Ấn Độ trên đường cao tốc Srinagar-Ladakh. (Ảnh: AP)

LOC và LAC được ngăn cách bởi đèo Karakoram. Gần đèo là sông băng Siachen, nơi giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan những năm 1984.

"Chúng ta không thể tách biệt cuộc khủng hoảng Ladakh khỏi tranh chấp Kashmir. Chừng nào LAC còn căng thẳng - và nó có thể sẽ căng thẳng hơn - LOC chắc chắn sẽ nóng hơn", Michael Kugelman, nhà nghiên cứu Nam Á tại Trung tâm Wilson, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington cho biết.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu của việc Trung Quốc và Pakistan sẽ hợp tác chống lại Ấn Độ ở Kashmir, theo Rabia Akhtar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, An ninh, Chiến lược tại Đại học Lahore.

"Về mặt lý thuyết, Ấn Độ có thể đã chuẩn bị cho một cuộc chiến hai mặt trận, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy Pakistan và Trung Quốc đang chuẩn bị cho khả năng này", theo Akhtar. Bà đồng thời là thành viên Hội đồng cố vấn của Thủ tướng Pakistan Imran Khan về các vấn đề đối ngoại.

Phát biểu tại một cuộc họp video tuần trước, Thiếu tướng Athar Abbas, cựu Phát ngôn viên quân đội, cho biết Pakistan không quan tâm đến việc hợp tác với Trung Quốc để chiến đấu trong một cuộc chiến hai mặt trận chống lại Ấn Độ, vì xung đột giữa ba quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "sẽ không chỉ ảnh hưởng đến mình họ" và có khả năng sẽ leo thang thành một cuộc chiến rộng lớn hơn liên quan đến Mỹ và các cường quốc khác.

Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri), trong cuốn niên giám xuất bản vào ngày 15/6, cho biết Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đang dần hiện đại hóa kho vũ khí chiến lược của họ để đối phó với các mối đe dọa từ các đối thủ.

Sipri ước tính rằng Trung Quốc có 320 đầu đạn hạt nhân, trong khi Pakistan có 160 và Ấn Độ 150. "Không thể phớt lờ thực tế rằng đang có một bộ ba vũ trang hạt nhân đầy biến động là Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc đặc biệt là khi họ liên quan vào một điểm nóng lớn như Kashmir", ông Kugelman từ trung tâm Wilson nói.

Ấn Độ trước nguy cơ rơi vào xung đột với cả Trung Quốc và Pakistan
Khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. (Nguồn: AP)

Xung đột tài nguyên

Lãnh thổ Himalaya đang tranh chấp này cũng là nơi có các sông băng nuôi sông Ấn và các nhánh của nó. Đây là hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới mà 270 triệu người ở Ấn Độ và Pakistan phụ thuộc vào.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã phát hiện ra rằng hầu hết các sông băng đang tan chảy với tốc độ đáng báo động, và có thể đạt đến "đỉnh" từ năm 2050 trở đi.

Trong khi đó, tăng trưởng dân số ở Ấn Độ và Pakistan sẽ làm tăng cả nhu cầu và sự cạnh tranh đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm này.

Nhà phân tích Harsh Pant tại London cho biết: "Nguồn tài nguyên nước của dãy núi Himalaya sẽ là một yếu tố quan trọng trong những năm tới. Nhu cầu ngày càng tăng và nguồn cung giảm dần sẽ khiến nó trở thành một lý do mạnh mẽ dễ dẫn đến xung đột."

Ấn Độ trước nguy cơ rơi vào xung đột với cả Trung Quốc và Pakistan
Các binh sĩ Pakistan nạp pháo để bắn vào các vị trí Ấn Độ từ sông băng Siachen trong trận chiến năm 1999. (Ảnh: Reuters)

Hiệp ước sông Ấn (IWT) với trung gian là Ngân hàng Thế giới năm 1960, quy định cách Ấn Độ và Pakistan quản lý tài nguyên nước chung, đã "ở dưới áp lực từ cả hai phía, khi họ cho rằng đó là sự bất công và lỗi thời", theo Kugelman.

Để đối phó với việc Ấn Độ xây dựng một con đập trên sông Jhelum, một nhánh được phân bổ cho Pakistan theo IWT, Islamabad đã tái khẳng định quyền sử dụng nước với sự giúp đỡ của Bắc Kinh.

Vào tháng 6, Pakistan trao hợp đồng 3 dự án thủy điện lớn trên sông Jhelum - mà Ấn Độ gọi là Kishanganga - cho các tập đoàn nhà nước Trung Quốc. Một công ty khác thuộc sở hữu của Bắc Kinh dẫn đầu liên doanh được giao công việc xây dựng đập lớn thứ ba Pakistan ở sông Ấn, ngoại vi khu vực Gilgit-Baltistan đang tranh chấp, nơi liên kết đường bộ duy nhất với Trung Quốc.

Akhtar cho biết quyết định của Ấn Độ vào tháng 8 năm ngoái khi sáp nhập một phần của Kashmir họ kiểm soát có thể là tiền đề cho việc rút khỏi IWT.

"Nếu ngày mai, Ấn Độ rút lui (khỏi hiệp ước), sẽ gây bất lợi cho Pakistan và vì điều đó Pakistan cần phải lên chiến lược ngay hôm nay. Vì vậy, có một khả năng xung đột liên quan đến cạnh tranh tài nguyên, thay đổi tình trạng hiệp ước và xây dựng các con đập ở cả hai phía".

Trong khi đó, Trung Quốc vốn đã liên quan đến tranh chấp nước Ấn Độ-Pakistan vì sông Ấn xuất phát từ Tây Tạng.

Các chuyên gia cho biết việc Trung Quốc đột ngột khẳng định vai trò là cường quốc quân sự mạnh nhất ở Kashmir sẽ gia tăng căng thẳng Nam Á trong những năm tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả