Ấn Độ-Trung Quốc: Xung đột biên giới có chuyển sang xung đột kinh tế?
Liệu thời gian tới, cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ-Trung Quốc có chuyển sang mặt trận kinh tế?
Phụ thuộc về thương mại
Bên cạnh các biện pháp an ninh khác thường như công khai việc triển khai các tên lửa tầm xa và tái trang bị vũ khí sát thương đặc biệt cho quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới, một số nhà phân tích Ấn Độ còn kêu gọi áp thuế cao đối với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cùng các biện pháp hạn chế khác.
Liên đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, tổ chức đại diện cho khoảng 70 triệu thương nhân và nhà bán lẻ địa phương, đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và chuẩn bị một danh sách gồm 500 sản phẩm có thể sản xuất tại địa phương thay vì mua từ Trung Quốc. Bộ trưởng Tư pháp và trao quyền xã hội Ấn Độ Ramdas Athawale thậm chí còn yêu cầu cấm các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc, cho dù đề xuất này không được dư luận ủng hộ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà còn gây tổn hại tới người tiêu dùng Ấn Độ khi họ buộc phải mua nhiều sản phẩm với mức giá cao hơn. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất Ấn Độ, bao gồm cả các nhà xuất khẩu khi họ phải nhập nhiều nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc.
Trên thực tế, theo giới quan sát, mức phạt nặng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ làm tê liệt một số ngành công nghiệp của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đang nhập khẩu hơn 70% thiết bị viễn thông và hoạt chất cũng như hơn 80% thiết bị bán dẫn và kháng sinh từ Trung Quốc. Bất luận ra sao, tác động của sự trả đũa thương mại như vậy đối với Trung Quốc sẽ là không đáng kể, do Ấn Độ chỉ chiếm 3,2% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Dư luận Ấn Độ cũng đã có những đề xuất về việc mở rộng năng lực sản xuất của Ấn Độ đối với nhiều mặt hàng vốn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyển sang mua một số thành phần từ các nhà cung cấp khác như Việt Nam, Hàn Quốc và Thái Lan, vốn đã thay thế Trung Quốc trong dây chuyền sản xuất một số sản phẩm vào năm 2019.
Nhưng ngay cả như vậy, Ấn Độ vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Ảnh hưởng đòn bẩy
Đầu tư được đánh giá là lĩnh vực Ấn Độ có thể chịu ảnh hưởng đòn bẩy từ cuộc xung đột với Trung Quốc. Theo tính toán của Chính phủ Trung Quốc, chỉ trong 3 năm từ 2014-2017, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần lên khoảng 8 tỷ USD.
Một nghiên cứu được Viện Brookings Ấn Độ công bố vào tháng 3 năm nay chỉ ra rằng con số này thấp hơn nhiều so với thực tế, vì không tính đến đầu tư của Trung Quốc qua các nước thứ ba như Singapore và Mauritius hay đầu tư kiểu liên doanh có sự tham gia của các đối tác Trung Quốc và không phải Trung Quốc. Nghiên cứu ước tính tổng số tiền đầu tư hiện tại và theo kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ là 26 tỷ USD.
Dù con số thực sự là bao nhiêu, thì điểm chính vẫn là mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Ấn Độ đã không còn đơn giản là giao dịch giữa hai bên độc lập với nhau như cách đây 5 năm.
Thay vào đó, mối quan hệ này đã chuyển sang giai đoạn mới, trong đó các công ty Trung Quốc thiết lập các hoạt động quy mô lớn ở Ấn Độ, xây dựng từ các nhà máy, các trung tâm nghiên cứu và phát triển cho đến các cửa hàng bán lẻ, mua cổ phần trong các công ty Ấn Độ cũng như tham gia các liên doanh với họ.
Có hơn 800 công ty Trung Quốc ở Ấn Độ, hoạt động rộng khắp trong nhiều ngành nghề, bao gồm năng lượng, đường sắt, thép, ô tô, thiết bị hạng nặng, viễn thông, hóa dầu, dược phẩm, bất động sản và đồ gia dụng.
Theo công ty phân tích công nghiệp toàn cầu Counterpoint Research có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), nổi bật nhất là các công ty sản xuất điện thoại thông minh như Xiaomi, Vivo, Realme và Oppo, chiếm tổng cộng hơn 70% thị trường Ấn Độ.
Thông qua các chiến dịch quảng cáo rộng rãi với hàng nghìn cửa hàng bán lẻ và các nhà máy, những công ty này vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa Ấn Độ, vừa xuất khẩu sang phần còn lại của Nam Á và những nơi khác.
Theo tổ chức tư vấn chiến lược Gateway House, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, dẫn đầu là Alibaba và Tencent, cũng đã đầu tư ít nhất 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ thuê xe và truyền thông di động.
Ứng dụng video truyền thông xã hội TikTok có khoảng 300 triệu người dùng ở Ấn Độ. Theo Báo cáo tình trạng sử dụng di động năm 2019 của App Annie, một nửa số ứng dụng được tải xuống ở Ấn Độ trong giai đoạn 2016-2018 nhận đầu tư từ Trung Quốc.
Nghiên cứu của Viện Brookings Mỹ chỉ ra rằng các công ty công nghệ nhận thấy thị trường Ấn Độ có những đặc điểm tương tự như Trung Quốc về quy mô, hành vi người tiêu dùng và tiềm năng tăng trưởng. Nhiều người coi đây là xu hướng của tương lai.
Mặc dù ngày càng tỏ thái độ thù địch, nhưng giới phân tích nhận định, Ấn Độ sẽ không khôn ngoan nếu tìm cách kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc, vốn không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp Ấn Độ mà còn đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.
Tuy nhiên - và nhất là sau cuộc đụng độ ở biên giới - việc Ấn Độ xem xét kỹ lưỡng hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng như áp dụng thêm nhiều biện pháp hạn chế đối với các lĩnh vực nhạy cảm như 5G hay thu thập và phổ biến dữ liệu, mà cụ thể là các công ty công nghệ tài chính, phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử, có lẽ là điều không thể tránh khỏi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận