Ấn Độ sẽ không vội vàng ký các FTA
Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, nước này sẽ không ký bất kỳ FTA nào một cách "vội vàng" để tránh tổn hại đến lợi ích của ngành công nghiệp trong nước.
Ấn Độ sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do (FTA) nào một cách "vội vàng" và nước này sẽ tham gia trên cơ sở không làm tổn hại đến lợi ích của ngành công nghiệp trong nước.
Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal hôm 30/10 tại một hội thảo tư vấn nhà nước về sáng kiến "Make in India".
PTI dẫn lời ông Goyal nhấn mạnh, Ấn Độ sẽ tham gia các FTA hoặc thỏa thuận đối tác toàn diện theo cách của mình và sẽ làm những điều tốt nhất cho người dân và lợi ích quốc gia. Ông nói: "Về Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), rất nhiều thông tin sai lệch đã được lan truyền khắp nơi. Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng Ấn Độ sẽ không ký bất kỳ FTA nào một cách vội vàng nữa. Ấn Độ không phải là một nhà lãnh đạo yếu kém chỉ làm việc theo các thời hạn chót để thực thi FTA. Ấn Độ sẽ tham gia vào một FTA hoặc các quan hệ đối tác toàn diện theo cách của mình".
Bộ trưởng Goyal khẳng định Chính phủ Ấn Độ hết sức thận trọng khi đàm phán các hiệp định thương mại. Ông cho rằng thương mại là một tiến trình phức tạp, "do đó, bất kỳ sự can dự nào mà chúng ta thực hiện cũng sẽ đều mang lại kết quả tốt nhất cho người dân và ngành công nghiệp của chúng ta".
Ông cũng lưu ý Ấn Độ đang cố gắng tạo sự cân bằng để đảm bảo nước này là một phần của các khối thương mại và tương tác quốc tế, nhưng không phải theo bất cứ cách nào làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Hiện quá trình đàn phán về RCEP đã đạt đến một giai đoạn cơ bản khi các nước thành viên đặt mục tiêu kết thúc đàm phán vào tháng 11/2019. Theo mục tiêu của các nước thành viên, việc kết thúc đàm phán có thể được công bố tại hội nghị thượng đỉnh RCEP vào đầu tháng 11/2019.
Tuyên bố trên được ông Goyal đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Ấn Độ thuộc các ngành công nghiệp như kim loại, sữa, điện tử và hóa chất đã nêu quan ngại nghiêm trọng về RCEP do sự hiện diện của Trung Quốc trong nhóm này.
Hiện Ấn Độ đang phải chịu mức thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, lên đến hơn 50 tỷ USD. Ông Goyal khẳng định nhà chức trách sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết và đầy đủ để đảm bảo rằng ngành công nghiệp Ấn Độ được hỗ trợ và có đầy đủ tiềm năng để phát triển và khám phá các thị trường mới nhằm gia tăng xuất khẩu./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận