Ấn Độ muốn Trung Quốc 'đến trước, rút trước' ở biên giới tranh chấp
Liên quan tới căng thẳng ở biên giới, Ấn Độ vẫn muốn Trung Quốc là bên có hành động nhượng bộ trước vì Bắc Kinh được cho là nguồn cơn khơi mào xung đột.
Hôm 21/9, các chỉ huy cấp cao của quân đội Trung - Ấn đã nhóm họp ở Moldo, khu vực do Trung Quốc kiểm soát tại Đường Kiểm soát thực tế (LAC). Động thái này được cho nhằm giúp hai bên hạ nhiệt căng thẳng sau 5 tháng xung đột. Tuy nhiên, New Delhi được cho vẫn giữ nguyên quan điểm chính Bắc Kinh là nguồn cơn gây ra căng thẳng và quân đội Trung Quốc sẽ là bên đầu tiên có hành động giải tán binh lính ở khu vực tranh chấp.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cuộc gặp trên được tiến hành vào sáng ngày 21/9 và kéo dài suốt 12 giờ đồng hồ. Sự kiện này diễn ra sau cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung - Ấn ở Moscow cách đây hơn một tuần. Tại cuộc họp, hai quan chức ngoại giao đã nhất trí về 5 điểm nhằm "nhanh chóng tán giải tán binh sĩ và hạ nhiệt căng thẳng” dọc LAC dài 3.488 km, khu vực xảy ra tranh chấp giữa Trung - Ấn suốt hàng thập niên qua.
Nếu không giải quyết được bất đồng, hàng ngàn binh sĩ hai nước sẽ tiếp tục phải hiện diện ở khu vực biên giới trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Bởi vào cuối tháng Chín, mùa đông sẽ đến ở vùng Ladakh trên dãy núi Himalaya, nơi nhiệt độ có thể xuống dưới -60 độ C.
Phía đoàn Ấn Độ tham gia cuộc đàm phán có Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh quân đoàn 14 hiện đóng quân tại Leh, thị trấn lớn nhất ở vùng Ladakh làm trưởng đoàn, cùng đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Đây là lần đầu tiên chỉ huy cấp quân đoàn 2 bên gặp nhau, kể từ sau cuộc thảo luận kéo dài 10 tiếng đồng hồ vào ngày 2/8. Cũng kể từ đó, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại LAC. Hồi tháng Tám, binh sĩ Trung - Ấn cũng đã xảy ra va chạm ở Chushul, khu vực nằm gần với địa điểm quan chức hai bên nhóm họp hôm 21/9.
"Đến trước, rút trước"
Hàng chục ngàn binh sĩ Trung - Ấn đã được điều động tới vùng biên giới tranh chấp kể từ hồi tháng Năm, sau khi căng thẳng xuất hiện ở nhiều khu vực tại vùng Ladakh trên LAC.
Đáng nói, binh sĩ Trung - Ấn đã xảy ra đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6. Phía Trung Quốc chưa từng tiết lộ số quân nhân thương vong trong vụ việc này. Song đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Có ít nhất 17 vòng đối thoại cấp ngoại giao và quân sự đã được Trung - Ấn tiến hành kể từ tháng Sáu, bao gồm các cuộc gặp mặt của Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moscow hồi đầu tháng này.
Tướng nghỉ hưu quân đội Ấn Độ Vinod Bhatia nhận định, cuộc họp của các chỉ huy quân đội Trung - Ấn hôm 21/9 đóng vai trò quan trọng hướng tới sự đồng lòng như kết quả đã đạt được trong cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar ở Moscow.
“Giới chức quân sự của cả hai bên sẽ bàn thảo và tìm cách biến những kết quả chính trị đã đạt được thành hành động trên mặt đất. Do đó, cuộc gặp là để bàn về chi tiết hoạt động giải tán binh sĩ như giải tán ở khu vực nào, khi nào và quân số là bao nhiêu”, ông Bhatia cho hay.
Còn theo giới chức Ấn Độ, phái đoàn nước này tham gia đàm phán vẫn sẽ nhắc lại quan điểm của chính phủ về việc binh sĩ Trung Quốc cần phải quay trở lại các vị trí hoạt động như tháng Tư, thời điểm trước khi xảy ra căng thẳng biên giới giữa hai nước.
Cũng theo giới chức Ấn Độ, New Delhi hy vọng Bắc Kinh cần thực hiện những hành động đầu tiên trong hoạt động giải tán quân, bởi đây là một phần trong chính sách “đến trước,rút trước” của Ấn Độ. Nói cách khác, Trung Quốc “khơi mào” căng thẳng đối đầu, thì Trung Quốc cũng phải là bên rút quân trước.
Tăng cường công tác hậu cần
Trong khi căng thẳng biên giới Trung - Ấn chưa thể giải quyết triệt để, chính phủ hai nước đã cho tăng cường công tác hậu cần hỗ trợ lực lượng binh sĩ hoạt động ở vùng biên chuẩn bị đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Theo đó, các thực phầm giàu năng lượng, thiết bị đặc biệt như lò sưởi, bếp lò và lều giữ nhiệt đều được tăng cường tới vùng biên. Truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin, quân đội nước này đang được tăng cường cung cấp nhiêu liệu, dầu mỏ và dầu nhờn để vận hành và bảo dưỡng thiết bị hoạt động trên các khu vực có độ cao lớn thuộc dãy Himalaya.
Thậm chí, Ấn Độ sắp cho thông đường hầm chiến lược dài 9 km mang tên Atal Rohtang nối hai thị trấn Manali và Leh, nằm trên độ cao hơn 3.000 m thuộc dãy núi Himalaya.
Atal Rohtang hiện là một trong những đường hầm dài nhất thế giới nằm ở cao lớn. Một khi đường hầm được thông, nó sẽ giúp quân đội Ấn Độ giảm được khá nhiều thời gian điều động binh sĩ và vũ khí tới khu vực đang xảy ra tranh chấp khu biên giới với Trung Quốc ở tỉnh Ladakh. Theo kế hoạch, hầm Atal Rohtang sẽ đi vào hoạt động từ cuối tháng Chín.
Hồi tuần trước, Thiếu tướng Arvind Kapoor của quân đội Ấn Độ khẳng định rằng, quân đội nước này đã “làm chủ” hoạt động hậu cần và có bề dày kinh nghiệm trong các tình huống cả chiến đấu lẫn không chiến đấu ở vùng Jammu và Kashmir.
Đáp lại, hôm 20/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh các binh sĩ Trung Quốc hoạt động dọc LAC đã được trang bị những thiết bị “công nghệ cao” vốn được phát triển trong nước để chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt trên vùng núi lạnh giá và có độ cao lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận