Ấn Độ muốn cạnh tranh với chip Trung Quốc
Ít ngày sau khi các lãnh đạo “Bộ tứ” (gồm các nước: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc) nhất trí triển khai sáng kiến hình thành một chuỗi cung ứng nhằm cạnh tranh với ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc, Ấn Độ đặt tham vọng trở thành trung tâm sản xuất thiết bị bán dẫn mới của thế giới.
Các thiết bị bán dẫn, còn gọi là chip, là một trong những bộ phận quan trọng nhất của hàng loạt thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh đến máy tính, máy móc y tế và ô tô.
New Delhi đang đàm phán với Đài Loan (Trung Quốc) nhằm đạt được thoả thuận 7,5 tỷ USD để đưa các nhà sản xuất chip đến Ấn Độ xây nhà máy. Chính phủ Ấn Độ cũng sắp đề ra lộ trình để tạo nên “những nhà vô địch trong thiết kế thiết bị bán dẫn” và thành lập ngành công nghiệp sản xuất chip trong vòng 5 năm, Bộ trưởng Công nghệ thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar cho biết.
Nỗ lực mở rộng ngành thiết bị bán dẫn sẽ giúp Ấn Độ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Hơn 1/3 tổng lượng hàng điện tử của Ấn Độ được nhập từ Trung Quốc. Đến năm 2025, nhu cầu sử dụng thiết bị bán dẫn ở Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 100 tỷ USD, Economic Times đưa tin.
Sự phụ thuộc đó đã gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp Ấn Độ. Tháng trước, Maruti Suzuki - nhà sản xuất ô tô lớn nhất Ấn Độ - buộc phải giảm 60% sản xuất vì tình trạng thiếu chip toàn cầu. Tình trạng đó cũng làm chậm kế hoạch ra mắt dòng điện thoại thông minh rẻ nhất của Ấn Độ trong vài tháng tới.
Dù Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới với 47% tổng doanh số bán chip toàn cầu, các công ty Trung Quốc đã vươn lên nhanh chóng kể từ thời điểm chỉ cung cấp 5% vào năm 2003. Ấn Độ sẽ phải vượt qua một chặng đường khó khăn để khẳng định mình là một lựa chọn có thể thay thế Trung Quốc, nhất là khi một thoả thuận thương mại với Đài Loan (Trung Quốc) có thể khiến Bắc Kinh nổi giận vì cho là vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.
Giấc mơ làm chip của Ấn Độ đã hai lần kết thúc bằng thất bại, nhưng Chính phủ Ấn Độ hy vọng nỗ lực lần thứ ba này sẽ làm nên điều khác biệt. Dù là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, Ấn Độ đến nay vẫn chưa thể thành lập một nhà máy thiết bị bán dẫn tư nhân vì quá trình ban hành chính sách chậm chạp và quản trị kém.
Tháng 6 năm nay, New Delhi thông báo có 20 công ty nộp kế hoạch ban đầu về việc thành lập nhà máy sản xuất chip. Trong danh sách đó, hãng Tower Semiconductor của Israel tháng trước viết thư cho Thủ tướng Narendra Modi dọa sẽ rút dự án vì quá trình quyết định quá chậm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận