24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mạc Văn Chiến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang: Lo ngại sự đổ vỡ mang tính hệ thống

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang của Việt Nam. Tình trạng này, nếu tiếp tục sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Ngày 31/08/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ đã ban hành Thông báo số 15/2015-2020 (Thông báo số 15) điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti).

Theo đó, việc nhập khẩu phải xin phép và được Ủy ban liên Bộ Ấn Độ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Ngoài ra, thông báo từ Bộ Công Thương Ấn Độ đưa ra có hiệu lực ngay từ ngày ký nhưng không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.

Lo ngại sự đổ vỡ mang tính hệ thống

Việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu khiến không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, xưởng sản xuất hương nhang bị ảnh hưởng nặng nề mà cả những hộ kinh doanh nguyên vật liệu như tăm (chân hương), bột đen, keo... cũng điêu đứng.

Ông Trịnh Hữu Việt, Giám đốc Công ty CP sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Hương Việt cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang trong cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì Ấn Độ hạn chế nhập khẩu từ ngày 31/8.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 9, cả nước có khoảng 10.000 tấn hàng ngừng xuất khẩu với tổng số tiền thiệt hại khoảng 7 - 10 triệu USD. Thêm vào đó, các doanh nghiệp sẽ phải trả phí lưu kho bãi do nhiều container nằm lưu cảng và một số đơn vị nhận thông tin chậm, tàu đã đi và hàng đang trên biển. Ngoài ra, tất cả khoản nợ vay vốn lưu động đến hạn phải có nguồn tiền trả nợ, song do không xuất được hàng khiến doanh nghiệp gặp khó trong quay vòng vốn lưu động.

Đặc biệt, do Thông báo 15 có hiệu lực ngay lập tức, không có độ trễ, khiến nhiều doanh nghiệp không kịp xoay sở, không thu xếp được nguồn tiền trả lương cho công nhân khiến công nhân kéo đến xưởng liên tục nhằm gây áp lực với lãnh đạo doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự.

Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang: Lo ngại sự đổ vỡ mang tính hệ thống

Ông Trịnh Hữu Việt, Giám đốc Công ty CP sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Hương Việt

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Việt điều đáng lo ngại hơn cả là việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang còn kéo theo sự đổi vỡ mang tính hệ thống.

“Tính đến thời điểm hiện tại, Thông báo 15 của Ấn Độ đã ban hành được hơn 1 tháng. Việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang không chỉ làm doanh nghiệp khốn khổ mà còn khiến các hộ gia đình, các nhân công nhân gia công cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều hộ gia đình, do sự biến đổi của thị trường kèm theo vốn mỏng nên không có khả năng tiếp tục duy trì sản xuất. Nhiều hộ gia đình đã tính bỏ nghề, thanh lý máy móc và chuyển sang một công việc khác. Nhưng mỗi chiếc máy khi mua vào có giá từ 13 đến 14 triệu đồng, bây giờ bán đi chỉ được từ 3 đến 4 triệu. Thiệt hại vô cùng lớn”, ông Việt nói.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn người đứng trước nguy cơ mất việc

Ông Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Nga Lâu cho biết vùng nguyên liệu cung cấp cây tre cho các làng nghề sản xuất tăm. Dân cư ở đây chủ yếu là các dân tộc thiểu số.

Dân số chúng tôi ước tính khoảng 10 nghìn dân sống bằng nghề khai thác và bán các cây tre này cho các chủ thu mua, rồi họ mang về bán lại cho các làng nghề để làm tăm. Ước tính mỗi một người dân thu nhập 5 triệu đ/ người x 10nghìn bằng 50 tỷ/ tháng. Vậy nếu ngành hương xuất khẩu mà dừng lại thì 10 nghìn người dân này sẽ mất việc và cũng mất luôn thu nhập 50 tỷ của bộ phận dân cư này”, ông Vũ nói.

Đó là với những lao động đi tìm kiếm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, còn đối với những lao động tại làng ghề gia công sản xuất tăm phục vụ cho sản xuất hương xuất khẩu thì tình cảnh cũng “bi đát” không kém.

Các hộ dân sản xuất sản phẩm tăm tre thường tập trung ở các huyện như huyện Ứng Hòa, huyện Phú Xuyên, huyện Thanh Oai của Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên.

Theo tính toán của ông Vũ, ước tính lao động ở các xã trên khoảng 10 nghìn lao động, các hộ dân sản xuất trực tiếp khoảng 1.000 hộ dân. Vốn đầu tư của 1 hộ dân trung bình khoảng 1 tỷ đồng/ hộ dân. Vậy tổng số vốn của khu vực này khoảng 1 nghìn tỷ.

Chúng ta có thể thấy rõ tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng nếu như các hộ dân ở đây phá sản. Vấn đề này, nếu không tháo gỡ được cho ngành sản xuất hương thì chúng ta cũng sẽ cơ nguy cơ mất việc làm cho 10 nghìn lao động ở khu vực này”, ông Vũ nói.

Theo thống kê của Ấn Độ, kim ngạch nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2018 - 2019, Ấn Độ nhập khẩu 83,58 triệu USD hương nhang từ các nước. Hai nước xuất khẩu chính hương nhang sang Ấn Độ là Việt Nam và Trung Quốc.

Trong đó, Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần nhập khẩu của Ấn Độ đối với mặt hàng hương nhang, nhờ Việt Nam có lợi thế ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ với thuế nhập khẩu mặt hàng này là 5%.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, nguyên nhân của việc áp dụng hạn chế nhập khẩu của Ấn Độ đối với hương nhang có thể xuất phát từ việc giá thành hương nhang của Việt Nam quá rẻ (giá CIF 600 - 650 USD/tấn) so với giá thành sản phẩm sản xuất của Ấn Độ, làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất hương nhang, khiến nhiều doanh nghiệp của Ấn Độ phải đóng cửa thời gian vừa qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả