Ấn Độ áp lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, Việt Nam sẽ hưởng lợi?
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với hoạt động xuất khẩu nhiều loại gạo khác nhau trong ngày 08/09, khi quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cố gắng đảm bảo nguồn cung và hạ nhiệt giá nội địa.
Ấn Độ xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia và việc nước này giảm nguồn cung cho thế giới sẽ gây thêm áp lực lên giá thực phẩm – vốn đã tăng rất mạnh vì hạn hán, các đợt nắng nóng và cuộc chiến ở Ukraine.
Hàng rào thuế quan mới có thể làm nản lòng những người mua gạo từ Ấn Độ và buộc họ chuyển sang các nước như Thái Lan và Việt Nam.
Chính phủ Ấn Độ loại trừ gạo đồ (parboiled rice) và gạo basmati trong đợt áp thuế này và hàng rào thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 09/09. Ngoài ra, New Delhi cũng cấm xuất khẩu 100% gạo tấm. Loại gạo này thường được xuất khẩu sang những nước châu Phi nghèo khổ, hoặc là làm thức ăn chăn nuôi.
Lệnh áp thuế cũng bao gồm gạo trắng và gạo lứt – vốn chiếm hơn 60% xuất khẩu của Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, cho hay.
“Với lệnh áp thuế này, gạo từ Ấn Độ sẽ trở nên kém cạnh tranh trên thế giới. Người mua sẽ chuyển sang Thái Lan và Việt Nam”, Rao cho biết.
Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu và cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar trên thương trường toàn cầu.
Lượng mưa dưới mức trung bình ở một số bang sản xuất lúa gạo như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh khiến Ấn Độ lo ngại về hoạt động sản xuất gạo. Nước này trước đó đã cấm xuất khẩu lúa mì và hạn chế xuất khẩu đường trong năm nay.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ giảm ít nhất 25% trong vài tháng tới vì lệnh áp thuế này, Himanshu Agarwal, Giám đốc tại Satyam Balajee -nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, cho hay.
Các nhà xuất khẩu Ấn Độ mong muốn Chính phủ miễn áp dụng thuế mới đối với các đơn hàng đã ký hợp đồng và đang chờ giao.
“Khách mua không thể trả thêm 20% trên giá đã thỏa thuận được. Kể cả bên bán cũng không đủ khả năng trả thuế này. Chính phủ nên miễn thuế với các hợp đồng đã ký”, ông Agarwal kiến nghị.
Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục 21.5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng số của 4 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sau quốc gia này cộng lại, gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Ông Agarwal dự báo lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm sẽ ảnh hưởng lớn tới các đơn hàng của Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu gạo tấm lớn nhất của Ấn Độ với 1.1 triệu tấn năm 2021.
Gạo đã trở thành mặt hàng nông sản chính thứ ba của Ấn Độ bị áp đặt hạn chế xuất khẩu trong năm nay. New Delhi trước đó đã hạn xết xuất khẩu lúa mỳ và đường, gây đảo lộn thị trường toàn cầu khi quốc gia này đi theo con đường bảo hộ lương thực. Giá cả các mặt hàng lương thực chủ đạo trên thế giới đã tăng kỷ lục, trước khi giảm xuống thời gian gần đây nhờ triển vọng về vụ mùa trên toàn cầu khả quan.
Động thái của Chính phủ Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh diện tích trồng gạo trong vụ mùa hiện tại của nước này đã giảm 5.6% do thiếu mưa ở một số địa phương. Lượng mưa đã giảm bình quân hơn 25% tại một số bang trồng gạo lớn của nước này như Uttar Pradesh, Jharkhand và Bihar. Trong khi đó, hàng năm, lượng mưa vào khoảng thời gian này thường cao hơn 5% so với mức bình thường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận