Amazon và toan tính sau thương vụ “bom tấn” MGM
Vậy là một trong những hãng phim lâu đời nhất của Hollywood, MGM đã thuộc về "gã khổng lồ" bán lẻ Amazon, trong một thương vụ "bom tấn"...
Hôm thứ Năm, Amazon thông báo họ đã hoàn tất việc mua lại hãng phim Hollywood MGM, hai ngày sau khi các nhà quản lý châu Âu cho biết, thỏa thuận này "sẽ không làm giảm đáng kể sự cạnh tranh" ở các thị trường châu Âu.
Hồi tháng 5 năm ngoái, “gã khổng lồ” bán lẻ của Mỹ đã công bố thương vụ 8,5 tỷ USD, thương vụ mua lại lớn thứ hai của công ty sau vụ thâu tóm Whole Foods trị giá 13,7 tỷ USD vào năm 2017. Theo Amazon cho biết, thương vụ mới này nhằm thúc đẩy các dịch vụ phát trực tuyến của Amazon “vẽ lại” bản đồ thị trường với Netflix và Disney +.
Với thương vụ mua lại này, Amazon khá vất vả, họ đã phải cung cấp thông tin cho các nhà điều tra chống độc quyền tìm kiếm liên quan đến thỏa thuận. Và đầu tháng 3 vừa rồi, Amazon đã “dỗi” khi nói rằng, họ có thể tự do đóng giao dịch mua nếu ủy ban này không đưa ra thách thức pháp lý trước giữa tháng 3 hạn chót.
Trong khi đó, MGM là một trong những hãng phim lâu đời nhất ở Hollywood. Ra đời năm 1924 bằng một cuộc hợp nhất giữa Metro Pictures, Goldwyn Pictures và Louis B. Mayer Production để tạo ra một cái tên kinh điển trong làng giải trí thế giới: Metro - Goldwyn – Mayer (MGM).
Họ là một minh chứng cho thời kỳ hoàng kim của Hollywood với nhiều bộ phim nổi tiếng như: Phù thủy xứ Oz, Singin, In The Rain và Ben Hur, cùng hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng Greta Garbo, Clark Gable, Buster Keaton hay là Joan Crawford...
Nhưng, tác phẩm đỉnh cao nhất của MGM phải là Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind), bộ phim kinh điển cùng 2 diễn viên nổi tiếng, có vai diễn để đời Vivien Leigh (trong vai Scarlett O’Hara) và Clark Gable (vai Rhett Butler). MGM cũng là hãng phim nhận được rất nhiều giải Oscar danh giá.
Bộ phim Cuốn theo chiều gió của MGM.
Tuy nhiên, “vật đổi sao dời”, lẽ đời vốn dĩ chẳng bao giờ bất biến. MGM là một trong những hãng phim bảo thủ và chậm tiến nhất Hollywood. Họ vẫn cố duy trì những cách thức cũ và tụt hậu với các hãng phim non trẻ sau này. Những năm sau đó, MGM chỉ còn là cái bóng của chính mình và trải qua nhiều cuộc bán mình.
Có điều đáng buồn là trong lịch sử tồn tại của mình, MGM đã bị mua đi, bán lại tới 3 lần và một lần phá sản. Lần gần nhất, vào năm 2005, tổ hợp các nhà đầu tư tư nhân cùng với Hãng Sony (Nhật Bản) và Comcast (Mỹ) mua lại với giá 5 tỷ USD từ chủ cũ, gồm cả nhà tỷ phú Kirk Kerkorian.
Giờ đây, với toan tính của Amazon, họ đang kỳ vọng vào kho tàng đồ sộ của MGM với hơn 4.000 tựa phim, 17.000 tập phim truyền hình và các giải thưởng. Điều này “sẽ bổ sung cho Prime Video và Amazon Studios trong việc cung cấp đa dạng các lựa chọn giải trí cho khách hàng”, Amazon cho biết.
Thực tế cho thấy, các hãng phim truyền thống giờ đây ngày càng hạn chế việc nhượng bản quyền thư viện phim của mình cho các dịch vụ giải trí trực tuyến, thay vào đó họ tự phát triển các nền tảng riêng. Chính vì vậy, với việc sở hữu MGM, sẽ giúp cho Amazon sở hữu một khối lượng khổng lồ các tựa phim bom tấn, và dễ dàng hơn trong cuộc chiến nền tảng xem phim trực tuyến.
Mặc dù Amazon chẳng có gì ngoài tiền, nhưng trong lĩnh vực phát trực tuyến, Prime Video của họ không đạt được nhiều thành công như Netflix và Disney+. Disney+ mặc dù mới chính thức hoạt động từ tháng 11/2019 nhưng họ đã cán mốc 100 triệu thuê bao chỉ sau 18 tháng. Trong khi, Netflix đang có hơn 207 triệu thuê bao toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận