Amazon sẽ để các doanh nghiệp Pháp 'cõng' thuế công nghệ mới
Amazon thông báo chi phí phát sinh từ các biện pháp đánh thuế công nghệ mới sẽ do các doanh nghiệp sử dụng nền tảng giao dịch trực tuyến của Amazon tại tại Pháp chi trả.
Loại thuế mới được Quốc hội Pháp thông qua hồi tháng trước đã đưa nước này vào danh sách các quốc gia tiên phong yêu cầu các công ty công nghệ phải trả thuế tại thị trường hoạt động. Tuy nhiên, động thái này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ khi những công ty công nghệ lớn của quốc gia này sẽ chịu tác động trực tiếp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa đánh thuế trả đũa với các sản phẩm nhập khẩu từ Pháp. Theo luật mới, có hiệu lực hồi tố từ tháng 1/1/2019, các công ty công nghệ sẽ phải chịu mức thuế 3% lợi nhuận từ các hoạt động cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các nhà bán lẻ là bên thứ 3 và các hoạt động quảng cáo số và bán dữ liệu riêng tư.
Trong thông báo mới đưa ra, Amazon cho rằng tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ có tính cạnh tranh cao và ít sinh lời trong khi phải đầu tư lớn cho việc tạo ra các công cụ và dịch vụ mới cho các khách hàng và đối tác bán hàng, do đó không thể chịu thêm bất kỳ khoản thuế nào. Amazon cũng cho biết khi tập đoàn chuyển khoản phí phát sinh từ thuế mới ở Pháp sang phía các đối tác bán hàng đồng nghĩa với việc các đối tác Pháp, đặc biệt là các công ty nhỏ, sẽ chịu bất lợi trong cạnh tranh với các đối thủ đến từ các quốc gia khác. Điều này đã được Amazon và các công ty công nghệ khác cảnh báo với giới chức các nước.
Thông thường, các công ty công nghệ của Mỹ sẽ đổ lợi nhuận kiếm được từ hoạt động tại thị trường châu Âu về các quốc gia thành viên đánh thuế doanh nghiệp thấp như Ireland, Luxembourg và hầu như không phải trả một khoản tiền nào tại các thị trường sinh lời cao trong khu vực. Theo Bộ Kinh tế Pháp, khoảng 30 công ty lớn sẽ phải trả thuế theo luật mới, đặc biệt là những công ty có doanh thu toàn cầu tối thiểu 750 triệu euro (831 triệu USD) và doanh thu tối thiểu tại Pháp là 25 triệu euro.
Chính phủ Pháp khẳng định dù đã có luật riêng nhưng cũng mong muốn đảm bảo một thỏa thuận quốc tế về vấn đề này với sự tham gia của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) sẽ được ký kết trước cuối năm 2020. Vấn đề này cũng được dành ưu tiên cao trong chương trình nghị sự khi Pháp chủ trì Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thị trấn Biarritz vào cuối tháng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận