menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Như

Amazon đuối sức, rút khỏi Trung Quốc

Trong một dấu hiệu cho thấy sự đuối sức tại thị trường đông dân nhất thế giới, tập đoàn Amazon vừa phát thông báo sẽ đóng cửa gian hàng trực tuyến, chuyên bán hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Hôm 18-4, Amazon cho biết: “Chúng tôi đang thông báo cho những người bán hàng rằng chúng tôi không còn vận hành sàn giao dịch cho bên bán hàng thứ ba trên Amazon.cn và chúng tôi sẽ không còn cung cấp các dịch vụ cho người bán hàng trên Amazon.cn bắt đầu từ ngày 18-7 tới”.

Amazon cho biết sẽ tập trung vào mảng bán hành xuyên biên giới (hàng nhập khẩu từ nước ngoài) cho khách hàng Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Amzon.cn sẽ không còn bán hàng của doanh nghiệp Trung Quốc cho người Trung Quốc nữa nhưng vẫn tiếp tục bán hàng nhập khẩu chất lượng cao từ Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản cho người tiêu dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Amazon không nêu ra lý do cho quyết định nên nhưng giới phân tích cho rằng Amazon có thể chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ hai công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quố Alibaba và JD.com cũng như các đối thủ bản địa khác.

Amazon tiến vào thị trường Trung Quốc vào năm 2004 bằng cách thâu tóm công ty bán sách trực tuyến Joyoc.com (Trung Quốc) với giá 75 triệu đô la. Joyo.com được đổi tên thành Amazon China (Amazon.cn) vào năm 2011 và gặt hái thành công vào những ngày đầu với mức thị phần 15% vào các năm 2011 và 2012. Song hiện nay, con số này giảm về mức chưa đến 1%, theo công ty nghiên cứu thị trường Analysys (Trung Quốc).

Khi mới gia nhập thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, Amazon.cn nhanh chóng xác lập được uy tín là trang bán những sản phẩm hợp pháp, vậy nên, được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng. Vào lúc đó, các đối thủ Trung Quốc như Alibaba đang chật vật giám sát hàng giả xuất hiện nhan nhạn trên các nền tảng của họ. Tuy nhiên, dần dần, các đối thủ Trung Quốc chủ động ứng phó hiệu quả hàng giả và bào mòn thị phần của Amazon.cn.

Queenie Liao, một nhân viên văn phòng ở Quảng Châu, thường mua sắm trực tuyến vài lần mỗi tuần. Nền tảng Taobao của Alibaba và JD.com là những nơi cô truy cập để mua sắm nhưng trước đây không phải như vậy.

Cô nói: “Tôi từng mua hàng ở Amazon.cn cách đây vài năm. Amazon.cn là một trong những cửa hàng trực tuyến đầu tiên ở Trung Quốc. Rất nhiều bạn bè nói với tôi rằng hàng bán trên Amazon.cn đáng tin cậy hơn nhiều. Đó là lý do tôi sử dụng nó nhưng giờ đây, Taobao và JD.com có nhiều hàng hóa hơn”.

Amazon.cn không chỉ vất vả cạnh tranh với các ông lớn như Alibaba và JD.com, vốn có thế mạnh giao hàng nhanh hơn, mà còn phải đương đầu với các đối thủ bản địa nhỏ khác như Pinduoduo and VIP.com.

Hơn nữa, Amazon.cn cũng không quyết liệt trên mặt trận tiếp thị giống như các đối thủ. Alibaba và JD.com liên tục mở các đợt bán hàng khuyến mãi rầm rộ và các chiến dịch quảng bá lớn vào ngày 11 tháng 11 hàng năm, hay còn gọi là Ngày Độc thân ở Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng Amazon đã thất bại trong việc địa phương hóa các hoạt động tại Trung Quốc.

Li Chengdong, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn công nghệ Dolphin, nói: “Đội ngũ của Amazon tại Amazon thiếu quyền quyết định và quy trình quản lý của họ chậm chạp”.

Trong khi đó, Shaun Rein, Giám đôc công ty nghiên cứu thị trường China Market Research ở Thượng Hải nhận định Amazon phạm quá nhiều sai lầm sau khi thâu tóm Joyo.com, bao gồm quyền định giải thể đội ngũ quản lý của Joyo.com và đưa nhân sự người Mỹ vào thế chỗ, gây ra sự bất bình. Rein cho rằng đội ngũ quản lý người Mỹ không am hiểu thị trường địa phương.

Giờ đây, Amazon.cn tuyên bố tập trung phát triển mảng thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng Alibaba và JD.com cũng đang phát triển mạnh mẽ mảng kinh doanh này trong những năm gần đây. Hai ông lớn này đang chào bán đủ loại sản phẩm nước ngoài từ cherry Mỹ cho đến sữa công thức Úc với mức giá giảm sâu. Hồi tháng 11 năm ngoái, Amazon thông báo kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp toàn cầu bán 200 tỉ đô la hành hóa ở Trung Quốc trong năm năm tới.

Hiện nay, nền tảng Tmall Global của Alibaba đang thống lĩnh thương mại điện tử xuyên biên giới ở Trung Quốc với mức thị phần 29%, trong khi đó, con số này của Amazon.cn chỉ là 6%.

Cục diện chênh lệch này có thể thay đổi nếu Amazon bắt tay với một đối tác lớn ở Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, có nhiều tin đồn nói rằng Amazon đang đàm phán sáp nhập mảng kinh doanh xuyên biên giới với nền tảng Kaola của tập đoàn internet NetEase (Trung Quốc). Kaola là nền tảng chuyên bán hàng “phương Tây”, có mức thị phần thương mại điện tử xuyên biên giới 22,6% tại Trung Quốc.

Động thái đóng cửa gian hàng trực tuyến tại Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy Amazon có thể đang buông thị trường Trung Quốc để dồn lực cho thị trường Ấn Độ nơi Amazon có cơ hội lớn hơn để trở thành công ty thương mại thống lĩnh. Amazon đã rót nhiều tỉ đô la vào chi nhánh ở Ấn Độ kể từ khi ra mắt trang web bán hàng ở đây vào năm 2013. Tuy vậy, Amazon vẫn phải đối đầu các đối thủ Trung Quốc ngay tại thị trường Ấn Độ, nơi Alibaba đang đang mở rộng sự hiện diện và đang đầu tư lớn vào công ty thương mại điện tử lớn thứ ba Ấn Độ Paytm Mall.

Theo CNBC, Financial Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả