menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phú Đô

Amazon đấu với EU: Có phải đối thủ xứng tầm?

Không giống trường hợp của nhiều công ty khác, Covid-19 không phải là điềm báo “diệt vong” đối với Amazon.

Giá cổ phiếu công ty này tăng kể từ tháng 3 và đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước.

Hóa ra, bán lẻ trực tuyến không phải là không gian tồi tệ khi tất cả cửa hàng đều đóng cửa. Cho đến lúc này, vị thế người giàu nhất hành tinh của Jeff Bezos vẫn có vẻ an toàn.

Tuy nhiên, trên khắp thế giới, các Chính phủ đang nhìn vào Amazon và hỏi liệu gã khổng lồ công nghệ này có quá lớn không. Liệu Amazon có đang sử dụng vị trí thống trị một cách không công bằng?

Hiện tại, EU dường như đã sẵn sàng buộc tội Amazon về hành vi chống cạnh tranh. Điều này có thể khiến Amazon tốn rất nhiều tiền và thay đổi trải nghiệm mua sắm mà họ cung cấp cho khách hàng.

Trọng tâm mối quan tâm của EU là vai trò kép của Amazon.

Gã khổng lồ này điều hành một cửa hàng trực tuyến và cũng bán sản phẩm riêng trên nền tảng đó, mà theo những người chỉ trích thì việc đó giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Phát biểu với BBC vào năm ngoái, người phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager, nói: "Chúng tôi không bao giờ chấp nhận chuyện trong một trận đấu, một đội vừa đá bóng vừa làm trọng tài".

Amazon có thể bị buộc tội gì?

Phần lớn những quan tâm của EU được cho là tập trung vào dữ liệu mà Amazon có quyền truy cập và cách thức sử dụng dữ liệu đó. Amazon có thể nhìn thấy những thông tin thương mại nhạy cảm trên các sản phẩm của bên thứ ba - như số lượng bán ra và giá cả.

Câu hỏi lớn là: Công ty này có sử dụng dữ liệu đó để mang lại cho các sản phẩm của Amazon lợi thế không công bằng không?

Chẳng hạn, Wall Street Journal đưa tin Amazon đã truy cập dữ liệu của người bán thuộc bên thứ ba để phát triển các sản phẩm của riêng họ.

Nói cách khác, Amazon biết được những gì bán chạy trên nền tảng của họ - và sau đó có thể chỉ cần nhân rộng lên những gì bán chạy nhất.

Cũng có những lời buộc tội khác.

Nếu bạn mua một sản phẩm trên Amazon, bạn sẽ nhận được các sản phẩm tương tự khác được đề xuất trong một cửa sổ bật lên có tên là 'Buy Box' (Hộp mua).

Nếu bạn đang kinh doanh trên Amazon và có sản phẩm trên ‘Hộp mua’ thì đó là điều tốt.

Nhưng Amazon có quảng bá không công bằng các sản phẩm của họ bằng chi phí của bên thứ ba không? EU đang cố gắng tìm hiểu về điều này.

Amazon nói gì?

Lời “bào chữa” của họ là có rất nhiều công ty hoạt động như một cửa hàng và nhà cung cấp. Ví dụ, cả Tesco và Sainsbury đều bán các sản phẩm được dán nhãn riêng trong các cửa hàng của họ.

Họ cũng lập luận rằng - khác với việc chống cạnh tranh - các sản phẩm có nhãn hiệu riêng là tốt cho khách hàng và cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn.

Amazon nói với BBC: "Chúng tôi nghiêm cấm nhân viên sử dụng dữ liệu dành riêng cho người bán, không được công khai để xác định sản phẩm mang nhãn riêng nào sẽ ra mắt".

Công ty cũng muốn chỉ ra họ đã xuất bản dữ liệu về mức độ bán chạy trên mạng của một số sản phẩm (chỉ cần đi tới phần 'Movers and Shakers' trên trang web là xem được).

Điều này sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

Những người chỉ trích Amazon tin rằng đây là thời điểm sẽ đặt ra ranh giới của những gì có thể chấp nhận được về mặt pháp lý trên thị trường trực tuyến.

Tuy vậy, ngay cả khi Amazon bị phạt, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng điều này sẽ ảnh hưởng đến cách kinh doanh của Amazon hoặc mua sắm trực tuyến nói chung như thế nào.

Giám đốc Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu, Augustin Reyna, cho rằng trong trung đến dài hạn, nếu Amazon được phép tiếp tục các hành vi này thì điều đó có thể khiến sự lựa chọn bị hạn chế và đẩy giá lên.

Tiếp theo là gì?

Một bảng luận tội có thể được công bố ngay sau tuần này.

Tuy nhiên, Ủy ban EU rất kín tiếng. Hiện tại, họ chỉ nói rằng cuộc điều tra "đang diễn ra".

Về lý thuyết, Amazon có thể bị phạt 10% doanh thu toàn cầu nếu bị kết luận vi phạm luật cạnh tranh - khoảng 15 tỷ bảng Anh (19 tỷ USD).

Ngay cả với Amazon, đó sẽ là khoản tiền rất lớn.

Nhưng đừng hy vọng điều này xảy ra chỉ qua một đêm. Cho đến năm sau, chúng ta cũng chưa chắc được nghe phán quyết. Và ngay cả khi Amazon bị phạt, họ có thể - và gần như chắc chắn - sẽ kháng cáo.

Amazon có thể “thư giãn” được không?

Dĩ nhiên là không. Các quốc gia khác đã quan tâm đến cách tiếp cận mạnh mẽ của EU với những ông lớn trong ngành công nghệ.

Chẳng hạn, năm 2017, EU đã phạt Google 2.1 tỷ bảng vì “tội” lạm dụng sức mạnh để đè bẹp các đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm.

Thay vì bị mê hoặc, quyến rũ ngay cả bởi những người khổng lồ công nghệ, EU đã có ấn tượng xấu với một số hành vi của họ.

Và điều này đang có tính lan tỏa. Cuối tuần qua, có thông tin rằng các quan chức ở California và Washington cũng đang xem xét các hoạt động kinh doanh của Amazon liên quan đến người bán thuộc bên thứ ba.

Một loạt điều tra chống cạnh tranh khác cũng đang được thực hiện ở Mỹ, nhắm vào Amazon và các công ty công nghệ lớn khác, như Facebook và Google.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả