Alibaba và Tencent nhảy vào mảng dịch vụ sửa chữa ô tô
Alibaba và Tecent, hai công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, đang xâm nhập vào mảng dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng ô tô, đe dọa ‘chén cơm’ của các gara nhỏ lẻ.
Với tham vọng nắm bắt cơn bùng nổ bảo dưỡng ô tô khi hàng triệu xe cá nhân ở Trung Quốc bắt đầu già cỗi, Alibaba và các công ty liên kết của tập đoàn Tencent đang phát động cuộc cạnh tranh với hàng trăm ngàn gara nhỏ lẻ trên khắp Trung Quốc. Hai ‘ông lớn’ công nghệ này cung cấp cho khách hàng một sự lựa chọn mới: một mạng lưới gara cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng trên smartphone (điện thoại thông minh).
Chiến lược của Alibaba là kết nối nền tảng thương mại điện tử Tmall của tập đoàn này với một chuỗi gara mang thương hiệu Tmall để tạo ra một dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng ô tô được bắt đầu với cú chạm trên smartphone và kết thúc tại một gara. Tencent cũng có hai công ty liên kết đang xây dựng các gara mới, kết hợp với các gara hiện hành để cung cấp các điểm nhận hàng cho các giao dịch bán phụ tùng và linh kiện ô tô trực tuyến.
Các chuỗi gara bắt tay với Tencent
Tổng lượng xe cá nhân của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua lên 260 triệu chiếc, gần bằng với 280 triệu chiếc hiện nay ở Mỹ. Tuổi xe trung bình ở Trung Quốc giờ đây tiến gần mốc 6 năm, thời điểm mà xe bắt đầu cần được bảo dưỡng lớn, giúp nhu cầu thay dầu, thay lốp cũng như các dịch vụ bảo dưỡng khác tăng mạnh.
Miếng bánh của thị trường hậu mãi ô tô của Trung Quốc, bao gồm phụ tùng, bảo hiểm, xe cũ, phụ kiện...sẽ đạt 524 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, theo dự báo hãng tư vấn Frost & Sullivan.
Các đại lý ô tô vận hàng theo mô hình 4S (sales, service, spares, surveys: bán hàng, dịch vụ, phụ tùng chính hãng, phản hồi từ khách hàng) và hầu hết các gara nhỏ lẻ đang chiếm lĩnh thị trường sửa chữa và bảo dưỡng ô tô Trung Quốc.
Một số chuỗi gara quốc tế, đáng chú ý là Mobil 1 của Tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Mỹ) và TyrePlus của hãng lốp Michelin (Pháp), cũng có sự hiện diện đáng kể tại Trung Quốc. Họ đang hợp tác với các ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn ExxonMobil đã thành lập một liên doanh với Tencent vào hồi đầu năm nay để giúp khách hàng đặt chỗ trực tuyến các dịch vụ ở chuỗi gara Mobil 1.
Các đại lý 4S, thường thuộc sở hữu hoặc liên kết với các hãng xe, bảo dưỡng những xe mà họ bán kèm theo thời hạn bảo hành ba năm. Các gara độc lập đảm nhận hầu hết các hoạt động sửa chữa và bảo dưỡng ô tô sau thời hạn bảo hành đó. Với quy mô nhỏ và hoạt động kém hiệu quả hơn, các gara độc lập không đủ sức đối đầu với các mạng lưới gara có sự hỗ trợ của các ‘ông lớn’ công nghệ.
Wijaya Ng, Giám đốc tư vấn ở Công ty Ipsos Strategy3 tại Thượng Hải, nói: “Các công ty công nghệ nhận thấy rằng họ có thể liên kết các gara nhỏ lẻ này với nhau để củng cố sức mạnh của họ”.
Tại Shibalidian Auto City, một trung tâm gara lớn ở ngoại ô Bắc Kinh, các nhân viên kỹ thuật cho biết các công ty công nghệ bắt đầu gây sức ép với các gara nhỏ lẻ.
“Tình hình kinh doanh đang rất tệ”, Wang Tingsong, người mở một gara ở Bắc Kinh cách đây 14 năm nói. Ông cho biết khi người tiêu dùng trẻ làm mọi thứ thông qua smartphone, sự xâm lấn của các ‘ông lớn’ công nghệ vào lĩnh vực bảo dưỡng ô tô dường như không thể cản lại.
Ông nói tiếp: “Đầu tiên là nhà hàng, sau đó là tiêm cắt tóc, rồi làm đẹp cho thú cưng và giờ đây đến lượt ngành sửa chữa ô tô cũng bị công nghệ làm thay đổi toàn diện”.
Chen Bao’an, chủ một gara khác, nói phản ứng duy nhất của các gara nhỏ lẻ là chấp nhận hợp tác với các ‘ông lớn’ công nghệ. Cũng giống như nhiều tài xế taxi chuyển sang làm đối tác của hãng gọi xe Didi Chuxing, Chen cho biết gần đây, ông đã tham gia mạng lưới gara của startup (công ty khởi nghiệp) Tuhu. Nhờ vậy, lượng khách hàng của ông đã tăng 25%.
Công ty khởi nghiệp Tuhu, với nhà đầu tư chính là Tencent, chuyên bán phụ tùng ô tô trực tuyến và sắp xếp các cuộc hẹn sửa chữa ô tô ở các gara được nhận nhượng quyền thương hiệu Tuhu và các gara đối tác, chẳng hạn gara của ông Chen Bao’an. Là công ty tiên phong cho dịch vụ sửa chữa ô tô được cung cấp qua ứng dụng trên smartphone, Tuhu đã thu hút được 52 triệu người dùng kể từ khi thành lập cách đây chín năm.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Tuhu huy động thành công 400 triệu đô la từ một nhóm nhà đầu tư do Tencent dẫn đầu. Trong một vòng gọi vốn vào năm 2018, Tuhu cũng thu về 450 triệu đô la từ các nhà đầu tư gồm Tencent, Carlyle Group, Sequoia Capital...
Nền tảng trực tuyến dựa vào smartphone của Tuhu cho phép các chủ xe đặt dịch vụ thay lốp, rửa xe, lắp đặt phụ tùng, linh kiện và các dịch vụ bảo dưỡng khác tại mạng lưới gara đối tác hiện diện ở hơn 200 thành phố trên khắp Trung Quốc.
Alibaba và JD.com gia nhập cuộc chơi
Tmall của Alibaba và JD.com, công ty thương mại điện tử được Tencent hậu thuẫn tài chính, đã bán phụ tùng ô tô trực tuyến từ lâu. Giờ đây, họ nối gót Tuhu để xâm nhập vào mảng dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng ô tô. Khách hàng có thể mua phụ tùng ô tô thông qua các thao tác trên smartphone và đặt chỗ bảo dưỡng ở các gara địa phương thông qua ứng dụng WeChat của Tencent và Alipay của Ant Group, công ty liên kết của Alibaba.
Trung Quốc có đến 600.000 gara, gấp đôi so với nhu cầu của thị trường, theo nhận định của giới phân tích.
Yan Qing, Tổng giám đốc JD Automotive, đơn vị thành viên của JD.com, cho biết JD.com muốn thu hút những gara tốt nhất hiện nay tham gia mạng lưới gara của JD Automotive với mục tiêu phát triển lên 4.000 gara trong ba năm tới, so với con số 1.000 gara hiện nay. Ông cho biết hiện tại JD Automotive đang tập trung vào nỗ lực nâng cấp các gara hiện hành trong mạng lưới.
Gara không phải là mảng kinh doanh đòi hỏi các địa điểm thực tế đầu tiên của Alibaba, vốn đang quản lý một chuỗi siêu thị thực phẩm tươi và nhiều chuỗi cửa hàng khác. Song các gara này có thể sớm là hệ thống kinh doanh dựa vào địa điểm thực tế lớn nhất của Alibaba với hàng ngàn gara sẽ khai trương trong những năm tới.
Jim Blair, Phó chủ tịch Carzone, nhà cung cấp phụ tùng ô tô cho các gara và là đối tác liên doanh với Alibaba trong chuỗi gara Tmall AutoCare, nói: “Kế hoạch của chúng tôi là phủ sóng mạng lưới gara ra toàn quốc”.
Các gara của Tmall gần đây bắt đầu mọc lên ở Thượng Hải, nơi tập trung nhiều đại lý ô tô và gara. Wang Bing, chủ một gara mang thương hiệu Tmall AutoCare khai trương hồi tháng 8, cho biết mọi người ngạc nhiên khi thấy hình ảnh con mèo quen thuộc trên logo của Tmall xuất hiện ở bảng hiệu của một gara.
“Họ cứ xúm lại xem và hỏi chúng tôi đang làm gì. Họ muốn biết rằng liệu có phải gara này thực sự là của Tmall hay không”, ông nói.
Sau khi đầu tư 440.000 đô la Mỹ cho gara mới, Wang đang dựa vào sức mạnh nhận diện thương hiệu của Tmall để thu hút khách hàng. Đổi lại, Wang sẽ phải trả cho Alibaba 22.000 đô la trong hợp đồng nhận nhượng quyền thương hiệu Tmall AutoCare có thời hạn ba năm, đồng thời cứ sáu tháng một lần ông phải chia cho Alibaba 15% lợi nhuận. Dù vậy, ông cho rằng số tiền bỏ ra là xứng đáng trong một thế giới nơi mà quy trình sửa chữa ô tô bắt đầu với một cú gõ trên trên màn hình smartphone.
“Kiếm tiền ở mảng dịch vụ sửa chữa ô tô ngày càng khó. Tôi hy vọng Tmall có thể giúp cho công việc kinh doanh của tôi dễ dàng hơn”, Wang nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận