Ai trả tiền trong các vụ khách mất hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng?
Việc xác định bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khoản tiền đã mất cho khách hàng thường được tòa án đưa ra sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ liên quan vụ án.
Vụ việc Giám đốc chi nhánh MSB Thanh Xuân - Bùi Thị Hoài Anh - bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng đang nhận được nhiều chú ý từ dư luận.
Một trong những bị hại của vụ án này là bà Nguyễn Thị Lân (Hà Nội) cho biết đã mở tài khoản tại MSB từ đầu năm 2021 theo tư vấn của Hoài Anh và một số cán bộ nhân viên MSB. Bà được hướng dẫn mở tài khoản tại MSB nhưng do ngân hàng quản lý, không mở trên app điện thoại cá nhân. Sau mỗi lần chuyển tiền, ngân hàng sẽ cung cấp giấy xác nhận số dư tài khoản với chữ ký của giám đốc chi nhánh và con dấu của ngân hàng.
Tổng cộng, bà Lân đã chuyển 58,6 tỷ đồng vào tài khoản mở tại MSB. Tuy nhiên, sau khi đến ngân hàng yêu cầu sao kê, bà phát hiện chỉ còn 93.000 đồng trong tài khoản. Nữ khách hàng khẳng định không thực hiện giao dịch chuyển rút tiền cũng như không ký lệnh chuyển rút tiền nào.
Hàng trăm tỷ đồng biến mất
Thực tế, trước vụ việc xảy ra tại MSB chi nhánh Thanh Xuân, không ít vụ khách hàng gửi tiền vào ngân hàng bị mất đã diễn ra với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, hồi tháng 3/2023, bà Hồ Thị Thùy Dương (trú TP Cam Ranh) gửi tiền ở phòng giao dịch Sacombank chi nhánh Khánh Hòa đã có đơn kêu cứu vì mất gần 47 tỷ đồng. Bà Dương là một trong những nạn nhân của vụ việc xảy ra từ năm 2022 khi nhiều khách hàng gửi tiền tại chi nhánh ngân hàng này bị mất tiền không rõ lý do.
Về phía bà Dương, bà khẳng định không thực hiện hoặc ủy quyền cho bất kỳ ai thực hiện các giao dịch. Khi phát hiện tiền bị rút, bà Dương nhiều lần làm việc với ngân hàng yêu cầu trả lại tiền và gửi đơn tố cáo tới công an.
Trong vụ việc này, đại diện pháp lý của Sacombank cho rằng 46,9 tỷ đồng của bà Dương bị rút khỏi tài khoản đang được công an điều tra, nên việc hoàn trả tiền trong khi chưa có kết luận là “không hợp lý”. Ngân hàng sau đó có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương sẽ hỗ trợ tạm ứng 15 tỷ đồng trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan công an. Tuy nhiên, khách hàng đã không đồng ý nhận tạm ứng.
Một vụ việc khác xảy ra vào năm 2022 là bà Trần Thị Chúc (Bắc Ninh) phát hiện bị mất 11,9 tỷ đồng tại Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc (Bắc Ninh).
Theo bà Chúc, trong thời gian từ 22/4 đến 24/4/2022 bà có mở tài khoản tại Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc và đã chuyển hơn 11,9 tỷ đồng vào tài khoản. Tuy nhiên đến ngày 25/4/2022, bà phát hiện số dư tài khoản chỉ còn hơn 100.000 đồng, trong khi không hề thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền nào.
Năm 2018, vụ việc mất tiền khi gửi tại Eximbank TP.HCM của bà Chu Thị Bình cũng nhận được nhiều chú ý.
Bà Bình cho biết đã bị mất tổng cộng 245 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm tại Eximbank TP.HCM. Trong đó, toàn bộ giao dịch của bà với ngân hàng đều do ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM trực tiếp thực hiện.
Hay năm 2017, 27 khách hàng gửi tiền tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng cũng bị mất hơn 400 tỷ đồng. Theo cáo trạng vụ án, từ năm 2012 đến 8/2017, 4 cán bộ OceanBank chi nhánh Hải Phòng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sơ hở của ngân hàng trong công tác quản lý, phát hành thẻ tiết kiệm để thực hiện hành vi nhận tiền gửi nhưng không hạch toán vào hệ thống quản lý của ngân hàng.
Các đối tượng sau đó tất toán khống, lập khống hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm của khách hàng, phát hành 109 thẻ tiết kiệm ngoài hệ thống chiếm đoạt của ngân hàng gần 414 tỷ đồng.
Ai sẽ trả tiền khách bị mất?
Đến nay, hầu hết vụ việc mất tiền khi gửi ngân hàng chỉ được giải quyết khi tòa án ra phán quyết. Theo đó, việc xác định bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khoản tiền đã mất cho khách hàng thường được tòa án đưa ra sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ liên quan.
Trong đó, thực tế ghi nhận một số vụ mất tiền tòa án đã ra phán quyết ngân hàng phải có trách nhiệm trả tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng có vụ việc được xác định bên chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng là cá nhân cán bộ ngân hàng vi phạm. Hoặc có trường hợp bị kết luận "không có căn cứ để xem xét giải quyết vụ việc".
Như trường hợp khách hàng mất gần 47 tỷ đồng tại Sacombank chi nhánh Khánh Hòa, đến tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết không có căn cứ để xem xét giải quyết vụ việc khách hàng tố gần 47 tỷ đồng tiền gửi ở Sacombank "biến mất".
Bởi theo cơ quan này, tài liệu do Sacombank cung cấp, các chứng từ liên quan đến tổng số tiền 46,9 tỷ đồng đã được khách hàng ký đầy đủ, chữ ký khớp đúng với chữ ký đã đăng ký tại Sacombank. Do đó, không có căn cứ để cơ quan công an xem xét giải quyết trong vụ án này.
Bà Chu Thị Bình là trường hợp được ngân hàng hoàn trả lại toàn bộ tiền gốc và lãi.
Trong khi đó, với vụ việc của bà Trần Thị Chúc - người bị mất 11,9 tỷ đồng trong tài khoản Vietcombank. Mới đây, Tòa án nhân dân TP Từ Sơn (Bắc Ninh) đã tuyên buộc Vietcombank phải bồi thường thiệt hại cho bà Chúc 700 triệu đồng. Vị khách hàng này sau đó đã gửi đơn kháng cáo không đồng ý với bản phán quyết vì khoản tiền 700 triệu đồng được nhận bồi thường quá ít so với tổng số tiền 11,9 tỷ đồng bị mất.
Trong vụ việc của bà Chu Thị Bình tại Eximbank, cuối tháng 11/2018, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử và buộc ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường khoản tiền gốc, lãi đã mất của khách. Đến tháng 4/2019, bà Chu Thị Bình đã được ngân hàng thanh toán khoản tiền lãi hơn 115 tỷ đồng theo phán quyết của tòa phúc thẩm và 245 tỷ đồng tiền gốc.
Tương tự, trong vụ án xảy ra tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng, tòa án đã tuyên buộc ngân hàng phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền gốc, tiền lãi cho 27 khách hàng mở thẻ tiết kiệm đã bị các đối tượng là cán bộ nhân viên ngân hàng chiếm đoạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận