Ai thực sự hài lòng về tiền bạc?
Các nhà tâm lý và chuyên gia nghiên cứu tài chính cá nhân nhận thấy, sự hài lòng về tiền bạc không phải bạn có bao tiền mà là có thể làm gì với số tiền mình có.
Khảo sát của công ty tư vấn tài chính Ameriprise Financial cho thấy chỉ có 13% triệu phú Mỹ nghĩ rằng mình là người giàu có và hạnh phúc. Điều này đặt ra một câu hỏi: Khi mọi người có đủ tiền trang trải các nhu cầu cơ bản, điều gì sau đó khiến họ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc?". Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia cho rằng so sánh xã hội rất quan trọng. Nói cách khác, nếu một người so sánh với người kém hơn, tự nhiên anh ta sẽ thấy mình giàu có.
Một nghiên cứu năm 2005 của các nhà khoa học Đức đã xem xét thu nhập của mọi người so với thu nhập của những người tương tự nhau về độ tuổi, trình độ học vấn, nơi ở và nhận thấy "một người sẽ hạnh phúc hơn khi thu nhập của họ cao hơn thu nhập của nhóm tham chiếu". Tương tự, một bài báo gần đây cho thấy những người có thu nhập trung bình ít hài lòng hơn về mặt tài chính nếu sống ở các bang của Mỹ có mức bất bình đẳng thu nhập cao.
Ở một cấp độ nhỏ hơn, những dữ liệu từ nghiên cứu của Canada cho thấy, khi mọi người trúng số, những người hàng xóm có nhiều khả năng nợ nần và nộp đơn phá sản hơn, vì họ cố gắng theo kịp người trúng số. Một nghiên cứu khác cho thấy, mọi người cảm thấy ít hạnh phúc hơn khi biết được nhà hàng xóm kiếm được nhiều tiền hơn.
"Nếu bạn sống trong một khu phố mà mọi người đều có những thứ giống bạn, sẽ không cảm thấy bị tụt hậu như khi sống ở một nơi có nền kinh tế đa dạng", Keith Payne, giáo sư tâm lý học, Đại học North Carolina, Mỹ, người nghiên cứu những tác động của bất bình đẳng, nói.
Nhà tâm lý cũng hoài nghi về việc con người đánh giá quá cao tầm quan trọng của việc kiếm tiền trong sự hài lòng tài chính. "Tất cả những gì mọi người hay nói là thu nhập, mà bỏ qua thực tế rằng việc bạn làm gì với tiền cũng rất quan trọng", Payne nói.
Chuyên gia này và các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện tiêu tiền theo những cách nhất định có thể khiến con người hạnh phúc hơn, ví như làm từ thiện, có những trải nghiệm đáng nhớ, hoặc trả tiền để người khác xử lý những việc mình ghét như rửa bát đĩa, nấu ăn...
Một phép so sánh khác mà người ta có thể thực hiện so hiện tại với thời thơ ấu của chính mình. Những người có tài chính tốt hơn thời cha mẹ, việc nhớ lại những khốn khó tiền bạc một thời của gia đình, có thể khiến họ cảm thấy trân trọng hiện tại hơn.
Và theo các chuyên gia, điều thực sự quan trọng là phải cởi mở và thành thật về tài chính của bạn với bạn bè và gia đình. Bởi vì sau đó bạn có thể thấy những gì người khác đang gặp khó khăn và bạn không phải là người duy nhất không hài lòng với tài chính của mình. Trong chuyện tiền bạc, có vẻ như mọi người nên bớt dòm ngó mà chủ động trò chuyện nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận