Ai theo "con sóng" đầu cơ đất đấu giá sẽ khó bán tiếp, 10 năm sau giá mới tăng bằng giá trúng
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, nếu như ai theo “con sóng” đầu cơ này rất khó để bán tiếp, thậm chí phải chục năm sau giá mới tăng lên đúng mức giá trúng đấu giá.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn
Trả lời câu hỏi về việc điều gì khiến người dân, NĐT đổ xô đi đấu giá đất và họ chấp nhận bỏ ra mức giá cao như vậy trong khi đất ở Thanh Oai phải nói là “đồng không mông quạnh”, dân cư thưa thớt, hạ tầng chưa hoàn thiện, ông Tuấn cho rằng lượng người dân có nhu cầu thực tham gia đấu giá chiếm phần nhỏ so với lượng nhà đầu tư, đầu cơ, môi giới tham gia với nhiều động cơ khác nhau.
Với các nhà đầu tư, đầu cơ mục tiêu chính không hẳn là mang lại lợi nhuận cho chính các lô đất này mà có thể là “tạo sóng, thổi giá” ở các các khu vực xung quanh để có thể dễ dàng giao dịch các khu vực đang bị kẹt. Đối với một số môi giới kinh nghiệm thì sẽ cố gắng trúng các lô sau đó bán chênh lệch vài trăm triệu để kiếm lời.
Sở hữu những khu đất ở các vị trí như thế này không thể kinh doanh buôn bán mà chỉ có mục đích duy nhất là ở. Trong khi đó, giá ở khu liền kề thấp hơn từ 2-3 lần thì có thể thấy sự mạo hiểm rất lớn của các nhà đầu tư. Và nếu như ai theo “con sóng” đầu cơ này rất khó để bán tiếp, thậm chí phải chục năm sau giá mới tăng lên đúng mức giá trúng đấu giá.
Vấn đề cốt lõi của câu chuyện tăng giá cao bất thường đến từ giá khởi điểm. Mức giá khởi điểm thấp từ 7-8 triệu đồng/m2 trong khi giá thị trường cao hơn rất nhiều. Cụ thể, giá trung bình ở Thanh Oai tầm 27 triệu đồng/m2 nhưng giá khởi điểm 8 triệu đồng/m2, còn Hoài Đức tầm 43 triệu đồng/m2 giá thị trường mà giá đấu chỉ từ 7,3 triệu đồng/m2.
Điều này đồng nghĩa với việc chi phí để tham gia đấu giá 1 lô thường rất thấp chỉ từ 100-200 triệu đồng nhưng khi thành công thì khả năng sang tay lãi 500-600 triệu đồng. Mức lãi như vậy đã làm cho nhiều người không có nhu cầu thật cứ đẩy giá cao tối đa để trúng đấu giá.
Bên cạnh đó, những người đang có sẵn đất xung quanh họ có thể bỏ cọc 100 triệu đồng/lô chủ yếu là để cố tình nâng giá đất ở những khu vực xung quanh, sau đó thoát hàng, thực hiện giao dịch trong giai đoạn hồi phục này.
Với những người có nhu cầu thật, họ chỉ đấu giá loanh quanh ngưỡng giá thị trường cộng thêm 20-30%. Tuy nhiên, số lượng người đầu cơ và thổi giá đông quá dẫn đến hệ lụy có thể các khu đất này rất lâu nữa mới sang nhượng lại cho những người có nhu cầu thật, thậm chí phải tổ chức đấu giá lại nếu tình trạng bỏ cọc tràn lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận