Ai phải trả giá để giữ an toàn hệ thống HOSE?
Diễn biến thị trường trong mấy ngày qua cho thấy, chủ thể phải trả giá, phải hy sinh quyền lợi để giữ an toàn cho hệ thống giao dịch của HOSE là bộ phận lớn nhà đầu tư đại chúng, trong đó có không ít nhà đầu tư mới (F0).
Chậm triển khai, hoàn thành phần mềm mới KRX, chậm trễ trong việc công khai thông tin về sự quá tải của hệ thống giao dịch hiện tại để tìm kiếm các giải pháp xử lý phù hợp, chậm xã hội hóa nguồn lực tham gia giải quyết vấn đề nghẽn lệnh… chưa có cơ quan, cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm là những bức xúc mà cộng đồng nhà đầu tư trước tình trạng hệ thống HOSE liên tục gặp trục trặc.
Diễn biến trong giao dịch trên sàn HOSE sau sự cố ngừng giao dịch ngày 1/6 cho thấy, chủ thể phải trả giá, phải hy sinh quyền lợi để giữ an toàn cho hệ thống giao dịch của HOSE là bộ phận lớn nhà đầu tư đại chúng, trong đó có không ít nhà đầu tư mới (F0), những đối tượng cần được bảo vệ bằng một luật chơi công khai, minh bạch và bình đẳng trên thị trường.
Sau phiên sàn HOSE phải dừng giao dịch vì “hệ thống phát đi tín hiệu cấp cứu ngày 1/6”, ngày 2/6 trong một văn bản gửi các thành viên thị trường, HOSE yêu cầu các công ty chứng khoán có biện pháp giám sát, ngăn chặn kịp thời số lỗi 2G (lỗi hủy sửa lệnh sát giờ khớp lệnh) phát sinh để tránh bị ngắt kết nối giao dịch trực tuyến. Kiểm soát việc hủy, sửa lệnh làm phát sinh lỗi 2G, đảm bảo hiệu quả của giao dịch.
Khi thị trường trở lại “giao dịch bình thường” vào sáng 2/6, một số công ty chứng khoán nhắn tin/email khuyến nghị hạn chế sửa hủy lệnh trong giờ giao dịch cao điểm, có công ty ghi rõ thời gian hạn chế là khung giờ nào. Các môi giới cũng đồng loạt gửi thông tin khuyến nghị khách hàng cân nhắc vì không sửa, hủy lệnh được.
Nói là “khuyến nghị hạn chế”, nhưng hành động của nhiều công ty chứng khoán là tắt chức năng hủy, sửa lệnh trên kênh giao dịch trực tuyến khiến khách hàng muốn hủy, sửa lệnh cũng không được. Theo những nhà đầu tư có kinh nghiệm, điều này tiềm ẩn rủi ro cực lớn, bởi khi thị trường xuống nhà đầu tư sẽ bán bằng mọi giá khi không thể hủy, sửa lệnh.
Câu hỏi đặt ra là vì sao UBCK và HOSE, công ty chứng khoán không chọn giải pháp cứng rắn hơn là ngắt chức năng hủy, sửa lệnh trên tất cả các kênh, một giải pháp khả thi về mặt công nghệ?
Thực tế, HOSE đã từng có văn bản xin áp dụng giải pháp này nhưng không được chấp thuận vì phạm luật và cũng vì nguy cơ phát sinh rủi ro lớn cho thành viên. Nếu công ty chứng khoán không đặt sửa lệnh, hủy lệnh cho khách hàng, nhất là khách hàng tổ chức, khách hàng lớn, khách hàng nước ngoài gây ra thiệt hại trong giao dịch chắc chắn có nguy cơ bị kiện đòi đền bù thiệt hại.
Vì thế trong tình thế cấp bách sau ngày 1/6, quyết định lựa chọn giải pháp này, HOSE “chơi chiêu” không ra văn bản cấm hoàn toàn mà yêu cầu các công ty chứng khoán tự nguyện thực hiện.
Trong cuộc họp ngày 4/6 giữa UBCK, HOSE và 20 công ty chứng khoán hàng đầu, theo thông tin mà Báo Đầu tư Chứng khoán nắm được, trước số liệu dừng hủy lệnh giúp “bảo vệ hệ thống tốt hơn và tốt hơn cho thanh khoản thị trường”, 20 công ty chứng khoán đa số đã nhất trí áp dụng sửa hủy lệnh và sẵn sàng chặn hủy từ ngày 4/6, đồng thời đề nghị áp dụng nhất quán để công bằng với các công ty và dễ “ăn nói” với khách hàng.
Ủy ban Chứng khoán kết luận chỉ đạo: Top 20 công ty chứng khoán đồng loạt thực hiện ngay, chỉnh sửa hệ thống không cho khách hàng trực tiếp hủy lệnh. Các công ty còn lại nghiên cứu áp dụng chặn bằng công nghệ hoặc bằng truyền thông cho khách hàng.
Cho phép các công ty chứng khoán duy trì cơ chế hủy lệnh trong trường hợp khẩn cấp nhưng không được lạm dụng và không để bị lợi dụng… HOSE phải thực hiện giám sát ngừng hủy lệnh sao cho công bằng giữa các công ty chứng khoán.
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, các công ty chứng khoán thuộc diện phải chỉnh hệ thống ngay chỉ tắt chức năng hủy lệnh online của khách hàng…. Các môi giới vẫn hủy lệnh bình thường. Việc truyền thông cho khách hàng đương nhiên không nhắc đến vế sau này.
Khách hàng nào biết thì yêu cầu môi giới hủy sửa lệnh, khách hàng không biết thì nhận được câu trả lời sau đó là “môi giới vẫn hủy sửa lệnh cho khách, không phân biệt khách hàng nào”. Bản thân môi giới cũng đầu tư và các khách hàng quan trọng vẫn được hưởng đặc quyền hủy sửa lệnh. Tự doanh, khách hàng lớn, đương nhiên không ảnh hưởng gì.
Chiều 9/6, khi nhà đầu tư bất bình vì không sửa/hủy được lệnh dẫn đến thiệt hại và muốn bán bằng mọi giá, các công ty chứng khoán dần mở lại các kênh hủy lệnh online cho khách.
Một giải pháp tình huống coi như phá sản vì không thể thực hiện một cách công bằng, dù chỉ là tương đối giữa nhóm 20 công ty lớn và không thể giám sát để tránh lạm dụng như yêu cầu đặt ra, chưa kể là nó gây hại khi thị trường giảm điểm.
Ai phải trả giá để giữ an toàn hệ thống, để thanh khoản tăng cao đem lại nguồn thu phí cho HOSE và công ty chứng khoán? Phần thiệt hại thuộc về ai? Ai luôn nắm đằng chuôi? Hẳn mỗi nhà đầu tư đã có câu trả lời của mình.
Dẫu biết rằng, để giữ an toàn cho hệ thống đã quá tải quá mức, mọi giải pháp đều không hoàn hảo, và đều có chủ thể bị phương hại dù ít hay nhiều. Nhưng rõ ràng, việc triển khai một giải pháp bảo vệ hệ thống một cách nửa vời và không thể kiểm soát như vừa qua là bài học trả bằng sự thua lỗ, bằng niềm tin của nhiều nhà đầu tư. Bài học có tên “Quít làm cam chịu”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận