menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thùy Linh

Ai làm cọc cho rêu?

“Tháng vừa rồi em phải quẹt hai cái thẻ tín dụng, lấy 500 triệu để bù tiền trả lương cho nhân viên, Ban lãnh đạo công ty thì đã ba tháng nay không nhận lương”, Tuấn - chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng tiêu dùng - chia sẻ với tôi ngay trước Tết.

Hàng năm, Tết là dịp công ty Tuấn "hái quả" nhưng năm nay hàng hóa tiêu thụ chậm, sát Tết rồi mà tồn kho vẫn còn gần 40%. Hàng hóa bán được cũng khó thu tiền ngay, công nợ rất lớn. Tuấn lo ra Giêng cũng chưa thu được tiền.

Khó khăn như vậy là tình hình chung. Năm 2022, cả nước có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm trước. Đây là con số thống kê chính thức, còn những doanh nghiệp đang "chết lâm sàng" hay "hấp hối" cố gắng cầm cự thì không ai đếm hết được.

Doanh nghiệp thì như vậy, còn để hiểu về thân phận người lao động, có thể nhìn vào Bình Dương, thủ phủ công nghiệp của cả nước với 1,2 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy, trong đó khoảng một triệu người ngoại tỉnh, nhưng có gần nửa triệu công nhân chọn ở lại Bình Dương dịp Tết Nguyên đán 2023, theo thống kê của công đoàn cơ sở. Nghĩa là cứ hai công nhân ngoại tỉnh làm việc ở đây thì có một người chọn không về quê đón Tết cùng gia đình.

Tết năm nay lại thành nỗi lo, là dịp mà nhiều người lao động lảng tránh. Trốn được qua cái Tết này, họ mong đợi điều gì trong năm mới?

Đó là hoạt động kinh doanh, sản xuất của các các công ty, doanh nghiệp ổn định, họ có việc làm đều đặn, được tăng ca, lương đều, thưởng Tết tốt. Nhưng điều gì đang chờ đợi các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023?

Khi tìm hiểu, phân tích về khả năng xuất khẩu, "ngoại lực" quan trọng của các doanh nghiệp, tôi trao đổi với một lãnh đạo công ty dệt may tại Bắc Ninh, ông cho biết đã phải chấp nhận ký một hợp đồng lỗ 20% trong tháng 12 để có việc cho công nhân làm và giữ quan hệ với đối tác, đơn hàng cho quý 1, quý 2 vẫn đang thiếu việc, chưa đủ công suất và điểm hòa vốn cho doanh nghiệp. Một số đơn hàng công ty ông đã gia công xong nhưng bên giao gia công xin gửi lại kho, do họ bây giờ nhận hàng thì cũng không bán được, lại tốn chi phí vận chuyển và lưu kho khi nhập về.

Đây chắc hẳn không phải là trường hợp cá biệt. Chưa có nhiều dấu hiệu tươi sáng trong năm 2023 với các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu khi nền kinh tế thế giới đang giảm tốc, có dấu hiệu suy thoái.

"Ngoại lực" đang yếu, còn "nội lực" - lực cầu nội địa - cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Mỗi dịp Tết, tôi thường tham chiếu giá đào và quất để nội suy ra mức tiêu dùng của người dân trong năm. Năm nay, xuất hiện nhiều điểm bán đào, quất đồng giá để mong "đẩy hàng" đi nhanh, chấp nhận lãi ít hoặc hòa vốn. Tôi mua được cành đào đồng giá 350 nghìn đồng, mà những năm trước tôi thường phải bỏ ra từ 600 nghìn đến một triệu đồng. Bố tôi cũng mua được bình quất cảnh đồng giá, chỉ 150 nghìn, mà giá chiếc bình gốm đã vài chục nghìn.

Khi chúng tôi tới chúc Tết nhà cô Lan, người họ hàng chuyên bán tạp hóa ở quê, cô chia sẻ: "Năm ngoái mỗi gia đình ở đây chi trung bình khoảng ba triệu đồng sắm Tết, nhưng năm nay chắc chỉ còn khoảng hai triệu thôi". Kho hàng của cô vẫn còn ngổn ngang bánh kẹo và mứt Tết.

Đó là hệ quả của kinh tế khó khăn, lương và thưởng thấp dẫn đến thu nhập của người dân thấp hơn kỳ vọng. Người dân phải thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng ngược lại các doanh nghiệp khi hàng sản xuất ra, nhập về không bán được, có thể tạo hiệu ứng dây chuyền kéo nhau cùng đi xuống.

Không những vậy, doanh nghiệp Việt còn đang đối mặt với một loạt thách thức: mặt bằng lãi suất đang ở mức cao dẫn đến chi phí đầu vào tăng; tín dụng ngân hàng vẫn khó tiếp cận; áp lực trái phiếu đáo hạn đang là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng; công nợ cao, khó thu hồi vì cả nền kinh tế thiếu tiền...

Tình thế này không hiểu sao lại khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh "ốc" và "rêu" trong "Ốc chẳng mang nổi mình ốc, ốc còn làm cọc cho rêu" - câu tục ngữ nói về những người lo liệu cho mình chẳng xong lại còn ôm đồm, cáng đáng công việc của người khác - rõ ràng không liên quan nhiều đến câu chuyện đang được nói tới.

Nhưng doanh nghiệp không vực dậy được, sẽ không thể giải quyết công ăn việc làm, không thể trở thành điểm tựa cho người lao động. Dẫu vậy, các doanh nghiệp lúc này lại cũng đang rất cần một chiếc cọc để bám vào, chính là Nhà nước với chính sách điều hành kinh tế mạch lạc và linh hoạt.

Theo tôi, một chiến lược phát triển kinh tế toàn diện đảm bảo sự ổn định và bền vững của nền kinh tế được cụ thể hóa bằng:

Chính sách tiền tệ linh hoạt, mặt bằng lãi suất được hạ xuống để giảm áp lực cho doanh nghiệp, tín dụng dễ tiếp cận hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn bổ sung cho sản xuất kinh doanh.

Chính sách tài khóa quyết liệt, đẩy mạnh đầu tư công để làm bệ đỡ, cung cấp nguồn "tiền mồi" cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chính sách đột phá thu hút vốn FDI cho nền kinh tế, vừa kích cầu (phát triển khu công nghiệp, xây dựng nhà xưởng, tạo việc làm mới cho công nhân khu công nghiệp...) vừa tăng được dự trữ ngoại hối, là cơ sở để giữ ổn định tỷ giá và lạm phát.

Sự chung tay quyết liệt của nhiều bộ ngành để giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, gỡ các nút thắt để hàng hóa, nguồn vốn được lưu thông...

Đây là những nền tảng để có cơ sở hy vọng Tết 2024, người lao động bớt phần lo Tết, trốn Tết; những chủ doanh như Tuấn tránh được cảnh rút chỗ này đắp chỗ nọ mà vẫn thiếu trước hụt sau.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại