Ai đánh xuống SJF?
Đang giao dịch ở mức giá 28.000 đồng/CP, mã SJF (CTCP Sao Thái Dương) bất ngờ bị bán tháo, giảm xuống chỉ còn hơn 2.000 đồng/CP. Điều bất thường, SJF lao dốc trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, nên có nhiều nghi ngờ CP này đang bị đánh xuống để trục lợi.
Sau chuỗi tăng giá kéo dài gần 1 tháng, kết thúc phiên giao dịch ngày 24-8-2018, SJF chốt ở mức 28.000 đồng/CP. Ngay khi leo lên đỉnh cao này, SJF rơi vào trạng thái bị bán ra và điều chỉnh mạnh.
Thời điểm bấy giờ, nhiều NĐT vẫn cho rằng đây là hiện tượng bình thường sau khi mã cổ phiếu này có đợt tăng giá mạnh từ mức 15.400 đồng/CP. Chính vì vậy, SJF liên tục được NĐT mua vào bắt đáy mỗi khi SJF giảm giá, đặc biệt sau khi CP này lùi về dưới mức giá 20.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 7-9-2018).
Nhưng khi rớt xuống dưới mốc 20.000 đồng/CP, SJF bất ngờ đảo chiều và tăng thẳng lên sát mốc 25.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 26-9-2018). Sự hồi phục mạnh mẽ của SJF khiến nhiều NĐT lao vào bắt đáy, với suy nghĩ mốc 20.000 đồng/CP là ngưỡng hỗ trợ của mã CP này. Tuy nhiên, sau đợt hồi phục này, SJF lao thẳng về mức giá 2.910 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 12-6-2019). Lẽ dĩ nhiên, xen kẽ trong các phiên lao dốc là những nhịp phục hồi để lôi kéo nhiều NĐT tham gia bắt đáy.
Ông B., một NĐT bắt đáy SJF ở mức giá 22.000 đồng/CP, chua xót cho biết chỉ vì nghe lời rỉ tai của người bạn tự nhận có quen biết với lãnh đạo doanh nghiệp, ông đang lỗ gần 200 triệu đồng. Theo ông B., người bạn này cung cấp nhiều thông tin tốt về SJF trong những ngày sắp tới và khả năng SJF đánh lên mức 40.000 đồng/CP. Không chỉ ông B, nhiều người bạn khác cũng “ôm hận” khi nhảy vào SJF với thông tin mơ hồ từ người này.
Điều đáng nói, trước khi SJF lao dốc, nhiều cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đã nhanh tay bán ra lượng lớn CP đang nắm giữ. Đơn cử, ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc. Theo thống kê, ông Thiện đã bán 1,98 triệu CP trong khoảng thời gian từ ngày 5-7 đến 3-8-2018; ông Nam đã bán 1,65 triệu CP trong khoảng thời gian từ ngày 30-7 đến ngày 15-8-2018. Sau khi bán ra ở mức giá gần đỉnh, 2 ông này lại đăng ký mua vào tổng cộng 6 triệu CP từ ngày 14-1 đến 12-2-2019. Thời điểm này, SJF giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000 đồng/CP.
Việc CP lao dốc không phanh khiến ĐHCĐ của SJF được tổ chức cuối tháng 6 nóng hơn bao giờ hết, với hàng loạt chất vấn từ các cổ đông. Tuy nhiên, lãnh đạo SJF đã bác bỏ nghi ngờ thao túng giá của các cổ đông nội bộ. Theo đại diện lãnh đạo SJF, biến động giá hoàn toàn thuận theo cung cầu mua bán trên TTCK.
SJF giảm mạnh trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sụt giảm chung của thị trường do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào thời điểm đầu năm 2018. Ngoài ra, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ kết quả hoạt động kinh doanh không được tốt như kỳ vọng, do hoạt động sản xuất tre ép công nghiệp chưa mở rộng được như dự kiến. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh nông sản và phân bón không tốt như kế hoạch, do ảnh hưởng của dịch bệnh đến nhu cầu tiêu thụ phân bón và tiêu thụ thức ăn.
Giãi bày của SJF khiến nhiều cổ đông hết sức bất ngờ. Bởi thời điểm đầu năm 2019, khi CP này giảm 80%, chính ông Thiện đã công bố thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường và ổn định. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý III-2018 đạt hơn 42 tỷ đồng, cả năm ước đạt 50 tỷ đồng và hoàn thành chỉ tiêu ĐHCĐ thường niên 2018 đề ra.
Tuy nhiên, trước sức ép của các cổ đông, đại diện SJF đã thừa nhận việc CP bị giảm giá hơn 90%, nhiều khả năng một số cổ đông đã cầm cố CP để vay tiền đầu tư cho hoạt động riêng. Đến hạn trả tiền vay, nhóm cổ đông này không có khả thanh toán nên bị ngân hàng bán giải chấp cho khoản vay, không phải giải chấp do call margin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận