Ai cũng có thể kinh doanh lữ hành quốc tế, và “cái kết” đắng lòng!
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp, xin cấp giấy phép lữ hành quốc tế và đi vào hoạt động. Nhưng cũng từ đó đang nảy sinh những bất cập, hệ lụy về nhiều mặt!
Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang phải đối mặt với tình trạng “tour giá rẻ”, “tour 0 đồng” là chiêu thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc với nhiều hệ lụy.
Các công ty lữ hành quốc tế đón khách nước ngoài đến Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Trong khi đó, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn, và điều oái ăm là không ít khó khăn lại nảy sinh từ những bất cập của các quy định luật pháp hiện hành.
Ai cũng có thể kinh doanh lữ hành quốc tế
Ngày 19/12, trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện việc thành lập doanh nghiệp (DN) nói chung, DN kinh doanh lữ hành quốc tế nói riêng, rất đơn giản. Theo Luật DN, chỉ cần nộp hồ sơ (Giấy đề nghị đăng ký DN, điều lệ công ty, danh sách thành viên/cổ đông, giấy CMND, quyết định thành lập công ty) đến Sở KH-ĐT và trong 03 ngày là được cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh.
Đồng thời điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng rất đơn giản. DN nộp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 32 Luật Du lịch (đơn đề nghị cấp giấy phép lữ hành quốc tế, bản sao giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận ký quỹ 250 hoặc 500 triệu đồng, bản sao quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động và văn bằng chứng chỉ của người phụ trách lữ hành) và nộp hồ sơ cho Tổng cục Du lịch trong vòng 10 ngày là được cấp giấy phép.
Mặt khác, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, theo quy định của luật hiện hành, ngoài việc thành lập DN để hoạt động kinh doanh lữ hành, các tổ chức, cá nhân còn có thể hoạt động kinh doanh lữ hành dưới hình thức đăng ký thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh thuộc công ty lữ hành (đã có giấy phép lữ hành).
Theo Luật Du lịch 2017 và các quy định khác, hoạt động của chi nhánh, địa điểm kinh doanh không cần phải duy trì bất cứ điều kiện nào. Vì thế các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của công ty lữ hành được phép hoạt động kinh doanh trong phạm vi như một DN lữ hành, theo phạm vi đăng ký của Công ty mẹ.
Và hàng loạt bất cập nảy sinh
“Quy định nêu trên dẫn tới bất cập hiện nay là những người muốn hoạt động kinh doanh lữ hành có 02 cách. Cách thứ nhất, thành lập DN thì phải xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và phải duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật Du lịch. Cách thứ hai, thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh thì không cần xin giấy phép và cũng không cần phải duy trì các điều kiện tại Điều 31 Luật Du lịch.
Cùng với đó, qua kiểm tra, Sở Du lịch Đà Nẵng còn phát hiện nhiều vấn đề phát sinh khác nữa. Đó là khi một Công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành thì theo Luật DN cho phép công ty đó được thành lập 01 hoặc nhiều chi nhánh, địa điểm kinh doanh đặt tại địa bàn đăng ký công ty và tại các địa phương khác. Không ít tổ chức, cá nhân đã vận dụng điểm này để “núp” vào các chi nhánh, địa điểm doanh để hoạt động kinh doanh lữ hành.
Vấn đề phát sinh tiếp theo là việc đặt phòng khách sạn hiện rất dễ dàng, các đơn vị lữ hành nước ngoài hoặc cá nhân người Việt Nam có thể đặt phòng trực tiếp với khách sạn mà không cần thông qua DN lữ hành quốc tế tại Việt Nam. Trong khi đó, chính sách giá của các cơ sở lưu trú là khách đặt phòng số lượng càng nhiều thì càng nhận được giá ưu đãi mà không phân biệt đó là cá nhân đặt phòng hay doanh nghiệp lữ hành đặt phòng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói: “Việc cho cá nhân đặt phòng số lượng lớn với giá ưu đãi đã góp phần tiếp tay cho hoạt động lữ hành trái phép; đồng thời tiếp tay cho các khách sạn trốn thuế (do những cá nhân này không cần lấy hóa đơn). Việc truy tìm để xử lý cá nhân đặt phòng này cũng rất khó khăn do hiện nay sử dụng mạng xã hội để đặt phòng và thanh toán vào tài khoản cá nhân!”.
Quản lý người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động du lịch quá nhiều kẽ hở
Đối với người nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nói riêng, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, theo quy định hiện hành của Luật DN và Luật Đầu tư, khi các DN có đầy đủ giấy tờ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành quốc tế thì có quyền hoạt động kinh doanh lữ hành quốc theo quy định pháp luật Việt Nam. Có nghĩa nhà đầu tư khi đó kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.
Theo tìm hiểu của PV Infonet, hiện Đà Nẵng có khá nhiều công ty lữ hành quốc tế do người nước ngoài làm người đại diện theo pháp luật, như Công ty TNHH MTV DL Ha Ha, Công ty TNHH Totobooking, Công ty TNHH Dooriga Marketing, Công ty CP Sun Danang International, Công ty TNHH Quốc tế Tour Vietnam, Công ty TNHH TM&DV One tour Việt Hàn, Công ty TNHH Bảo Sen Vỹ...
Theo đó, hiện có nhiều cơ quan theo thẩm quyền có chức năng quản lý hoạt động đối với các DN du lịch. Như Sở Du lịch quản lý hoạt động kinh doanh các DN lữ hành về các nghiệp vụ của ngành du lịch; cơ quan thuế quản lý về kê khai nộp thuế; cơ quan xuất nhập cảnh quản lý về hoạt động người nước ngoài; Sở LĐ-TB&XH quản lý về lao động nước ngoài tại các DN lữ hành…
Cũng theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh và lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất và chặt chẽ. Trong đó nổi lên việc cấp thị thực nhập cảnh DN 3 tháng cho người nước ngoài vào làm việc, sau đó tiếp tục gia hạn 3 tháng, rồi lại tiếp tục gia hạn 3 tháng (cho hết 1 năm).
“Nhiều người nước ngoài vào nước ta hoạt động kinh doanh du lịch theo cách thức này nhưng không có giấy phép lao động. Đồng thời văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh chưa quy định công việc cụ thể được phép thực hiện đối với người nước ngoài khi sử dụng thị thực DN nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy người nước ngoài dễ dàng nhập cảnh dưới hình thức chuyên gia, hỗ trợ tư vấn để hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn trái phép.
Cấp phép và quản lý lao động người nước ngoài còn nhiều kẻ hở
Đồng tình với nhận định trên, bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Đà Nẵng nêu rõ, việc cấp phép và quản lý lao động người nước ngoài còn nhiều bất cập và kẻ hở; trong đó có tình trạng người nước ngoài lách luật bằng hình thức tham gia góp vốn vào công ty TNHH đóng tại Việt Nam với mức vốn góp rất ít để được xếp vào trường hợp không thuộc diện cấp phép lao động.
Đáng lưu ý, có tình trạng người nước ngoài núp bóng dưới hình thức kinh doanh bất động sản; nhiều đối tượng người nước ngoài trốn nã chọn địa bàn TP Đà Nẵng để ẩn náu và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có đối tượng chỉ được phát hiện khi đã sử dụng ma túy. Trong khi đó công tác quản lý, kiểm soát người nước ngoài lưu trú tại các căn hộ condotel bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 11, trên địa bàn Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý 556 người nước ngoài (tăng 279 trường hợp, bắt giữ 09 đối tượng truy nã quốc tế) vi phạm về các hành vi: tổ chức đánh bạc, nhập cảnh hoạt động sai mục đích, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, gây rối an ninh trật tự, cướp tài sản, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, thao túng chứng khoán, sản xuất phim ảnh đồi trụy…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận