Ai 'ăn chặn' tiền thưởng?
Khoảng 20 năm trước, sau khi đoạt Huy chương vàng môn Karate ở một kỳ SEA Games, tôi có hai khoản thưởng bằng tiền mặt.
Khoản thưởng nóng trị giá không quá lớn - 150 USD - tôi được nhận 100%. Khoản thứ hai - 25 triệu đồng - tôi nhận lại đâu đó 95%.
Khoảng 5% số tiền thưởng của chúng tôi được trích lại làm quỹ chung, để trang trải nhiều thứ, chẳng hạn như cảm ơn ban huấn luyện, các nhân viên phụ trách giấy tờ thủ tục, chia vui với các thành viên khác trong đội... Không chỉ chúng tôi, mà nội bộ một số đội tuyển ở các môn thể thao khác thời bấy giờ cũng có thông lệ tương tự. Nhưng phần trích lại 5, 10 hay thậm chí 30% tiền thưởng là khác nhau, tùy vào nội quy từng đội, thường sẽ phụ thuộc vào tính chất bộ môn, mức độ vai trò của ban huấn luyện, nội dung thi đấu cá nhân hay đồng đội...
Đây là một thỏa thuận có từ trước. Cá nhân tôi hiểu, không thắc mắc gì, thậm chí coi như một loại văn hóa của tổ chức. Tại sao vậy?
Khi một vận động viên Việt Nam đoạt thành tích, các khoản thưởng sẽ đến từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất là từ ngân sách Nhà nước theo quy định. Nguồn này dành cho cả vận động viên lẫn huấn luyện viên, theo một tỷ lệ được quy định nào đó. Chẳng hạn, Điều 8, Nghị định 152/2018 viết rõ: "Tỷ lệ phân chia tiền thưởng đối với các huấn luyện viên được thực hiện theo nguyên tắc: Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện đội tuyển được hưởng 60%, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên ở cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được hưởng 40%.
Nguồn thứ hai đến từ các nhà tài trợ, thông thường là hiện vật, và chủ yếu dành cho vận động viên. Thời chúng tôi, chuyện này chưa phổ biến, vật phẩm nhận được cũng mang giá trị không quá cao, ví dụ như cái quạt, tivi hay tủ lạnh... Vì thế các thầy và ban huấn luyện ít khi can dự vào.
Vận động viên chuyên nghiệp như chúng tôi đều hiểu rằng, giải thưởng mình đạt được không phải tự thân mà có. Một thành tích thể thao, dù ở nội dung cá nhân, là kết quả của nỗ lực tập thể, với sự đóng góp của rất nhiều người trong một guồng máy, từ huấn luyện viên, ban huấn luyện cho tới những nhà quản lý, nhân viên hành chính hậu cần đứng đằng sau. Nhưng tiền thưởng, hay sự ghi nhận, chủ yếu chỉ dành cho vận động viên. Chúng tôi lập quỹ đội, với mục đích đơn giản ban đầu là để dành cảm ơn, chia vui với những người có đóng góp vào thành công chung. Với nhiều đội (đặc biệt ở các môn đối kháng), ban huấn luyện còn có thể dùng quỹ để chia sẻ cho các vận động viên quân xanh (tức vận động viên không được thi đấu). Môn đối kháng mà không có bạn tập, làm sao thi đấu được. Quỹ cũng có lúc được dùng để hỗ trợ thêm cho các thành viên nếu chẳng may gặp phải tai nạn, sự cố trong tập luyện và thi đấu.
Ở đội chúng tôi và nhiều đội tuyển khác lúc bấy giờ, không chỉ vận động viên, mà cả huấn luyện viên khi được thưởng, cũng đóng góp vào quỹ đội. Ở phần lớn các môn thể thao, vận động viên đều đã là người trưởng thành, trên 18 tuổi, nên các khoản đóng góp chung này, không thể văn bản hóa, nhưng đều có sự thống nhất nội bộ. Với các vận động viên nhỏ tuổi, việc trao đổi sẽ được thực hiện với bố mẹ, người giám hộ các em.
Quỹ này không vào túi riêng của cá nhân nào, mà để chi cho việc chung, cho các khoản không có trong quy định tài chính công cứng nhắc của Nhà nước.
Ở ý nghĩa nguyên thủy đó, tôi đánh giá, đây là một hành vi, nghĩa cử đẹp của các cá nhân trong một tổ chức thể thao. Nếu thực hiện đúng với mục đích ban đầu, việc góp quỹ đội vì vậy là một thỏa thuận nội bộ mang tính chất dân sự dựa trên các khoản thu nhập tăng thêm, khác xa về mặt bản chất với hành vi bớt xén tiền ăn, tiền lương của các vận động viên vẫn xảy ra đâu đó trong ngành thể thao.
Nhưng tại sao các thỏa thuận góp quỹ, với nhu cầu và mục đích tốt đẹp ban đầu, lại có thể gây ra mâu thuẫn nội bộ, thậm chí bị coi là "ăn chặn"? Bởi bản chất khó công khai minh bạch, khó giải trình thu chi và không được văn bản hóa của loại quỹ này. Bởi nó phụ thuộc phần lớn vào tính vô tư, không vụ lợi của huấn luyện viên, người phụ trách đội được giao quyền thu hoặc nắm quỹ. Mọi mục đích tốt đẹp ban đầu nếu bị lợi dụng đều có thể biến tướng, làm cho xấu xí đi.
Không ai muốn tiền thưởng của mình bị cắt bớt, nhưng mặt khác, thực tế cho thấy, nếu không góp quỹ đội, ban huấn luyện lấy đâu ra tiền để trang trải việc chung, với cách vận hành đội tuyển và cơ chế tài chính hiện nay? Giải pháp để hạn chế khía cạnh tiêu cực của hoạt động đóng quỹ này là sự thống nhất tập thể, minh bạch càng nhiều càng tốt các khoản thu chi, thậm chí có thể văn bản hóa bằng các giấy tờ cam kết nội bộ, thay vì lưu truyền dưới dạng thỏa thuận miệng, quy định ngầm, có thể tạo nên các khoảng trống thông tin, hoặc dẫn đến tình trạng thiếu căn cứ để phân giải khi mâu thuẫn xảy ra.
Sự việc ồn ào gần đây, liên quan đến tố cáo của vận động viên Phạm Như Phương, mặt khác, khiến tôi có cái nhìn xa hơn tới nhu cầu thay đổi cách thức vận hành, quản lý thể thao. Việt Nam, cũng như Trung Quốc và một số quốc gia khác, đang quản lý thể thao theo hình thức tập trung, với nguồn tài chính chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước. Lương thưởng của huấn luyện viên và vận động viên lấy từ ngân sách.
Đến lúc nào đó, thể thao Việt Nam cũng sẽ phải phát triển lên con đường chuyên nghiệp, không phụ thuộc vào hầu bao của Nhà nước. Lúc này, các liên đoàn sẽ có vai trò quyết định trong việc thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa. Thù lao, "phương án ăn chia" của vận động viên, huấn luyện viên và các bộ phận khác đều dễ dàng quy định, luật hóa rõ ràng qua các hợp đồng giấy trắng mực đen. Các mâu thuẫn về tài chính, nếu xảy ra, sẽ được giải quyết tại tòa án, thay vì "mách mẹ" (ban huấn luyện, liên đoàn, cục) như hiện nay.
Như vậy, khúc mắc nếu có giữa thầy (huấn luyện viên) và trò (vận động viên) sẽ chỉ diễn ra chủ yếu trên các vấn đề chuyên môn. Trách nhiệm lúc này của ban huấn luyện, hay các liên đoàn là đưa ra nhận định, kết luận về chuyên môn, chứ không phải điều tra xem ai ăn chặn tiền thưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận